Sau hơn 5 năm thực hiện Đề án “Tái cơ cấu ngành nông nghiệp”, huyện Nho Quan đã tập trung vào tăng cường ứng dụng tiến bộ khoa học – kỹ thuật vào sản xuất, tổ chức lại sản xuất theo hướng liên doanh, liên kết và chú trọng giải quyết đầu ra cho sản phẩm, qua đó mang lại nguồn thu nhập bền vững cho người dân địa phương.
Liên kết để mạnh hơn
Trong lĩnh vực trồng trọt, Nho Quan đã hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung theo hướng hàng hóa như vùng chuyên canh cây công nghiệp sắn, mía, dứa ở xã Phú Long, Kỳ Phú, Cúc Phương; nuôi trồng thủy hải sản ở Thượng Hòa, Sơn Thành, Thanh Lạc, Phú Lộc, Văn Phú…
![]() |
Các HTX đang đóng góp tích cực vào quá trình chuyển đổi nông nghiệp theo hướng xanh, hiện đại ở Nho Quan. |
Lĩnh vực chăn nuôi trên địa bàn huyện tập trung phát triển theo hướng nâng cao giá trị, chú trọng công tác cải tạo đàn giống, cải tiến quy trình nuôi, giám sát và phòng trừ dịch bệnh, từng bước hình thành các trang trại, gia trại chăn nuôi tập trung; đẩy mạnh con nuôi đặc sản gắn với lợi thế của vùng.
Việc đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, dịch vụ cũng được huyện khuyến khích, đẩy mạnh hỗ trợ thành lập các HTX, các tổ hợp tác, tổ liên kết về cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao.
Trên địa bàn huyện đã hình thành được các HTX, tổ hợp tác hoạt động có hiệu quả với đầu ra ổn định như Tổ hợp tác chăn nuôi Gà thịt tại xã Đồng Phong, HTX Măng tây xã Văn Phong, HTX Dược liệu xã Cúc Phương…
Hầu hết các tổ hợp tác, HTX nông nghiệp trên địa bàn huyện đã và đang hoạt động hiệu quả, cho thu nhập hàng trăm triệu đồng và giải quyết việc làm cho nhiều lao động, đặc biệt là tham gia tích cực vào quá trình chuyển đổi nông nghiệp theo hướng hàng hóa gắn với an toàn sinh thái tại địa phương.
Điển hình, HTX Phú An, xã Phú Long được thành lập từ năm 2013, xuất phát điểm với 8 thành viên, tổng diện tích sản xuất hơn 76 ha. Hoạt động chủ lực của HTX hiện tại là trồng cây ăn quả, cây lâm nghiệp và chăn nuôi gia súc, gia cầm theo hướng trang trại. Nhờ sản xuất khoa học, HTX đang có doanh thu nhiều tỷ đồng mỗi năm.
Cùng với cây thanh long ruột đỏ, các loại cây ăn quả khác của HTX như cam, bưởi… cũng đang được phát triển theo hướng khoa học, tuân thủ quy trình sản xuất sạch, thân thiện môi trường.
Giám đốc HTX Lê Văn Chừng cho hay, trong quá trình canh tác, các vùng trồng cây ăn quả của HTX đều tuân thủ quy trình sản xuất VietGAP, nói không với các loại hóa chất độc hại, các loại thuốc diệt cỏ gây hại sức khỏe người tiêu dùng.
Để nâng cao năng suất, chất lượng của các loại nông sản, thành viên HTX sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật trong danh mục cho phép, tuân thủ nguyên tắc “4 đúng” gồm đúng loại, đúng liều, đúng cách và đúng thời gian.
Sản xuất sạch để phát triển bền vững
“Việc tuân thủ quy trình sản xuất VietGAP giúp chất lượng sản phẩm của HTX tăng, giá bán ổn định, giá trị kinh tế được đảm bảo, đồng thời góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường, thích ứng biến đổi khí hậu”, Giám đốc Lê Văn Chừng nhấn mạnh.
![]() |
Sản xuất sạch là nền tảng để nông nghiệp huyện Nho Quan vươn tầm, mang lại lợi ích bền vững cho nông dân. |
Cụ thể, về kinh tế, hiệu quả của mô hình trồng thanh long ruột đỏ của HTX Phú An đang ngày càng được nâng lên. Năng suất bình quân tăng từ 30 tấn lên xấp xỉ 60 tấn/ha/năm. Mô hình trồng cây có múi cũng cho năng suất cao.
Đến nay, hơn 90% diện tích sản xuất của HTX Phú An đã được phủ kín. 100% diện tích trồng cây ăn quả được triển khai theo quy trình VietGAP, hữu cơ, thân thiện môi trường, tạo ra những sản phẩm chất lượng.
Doanh thu bình quân của HTX hiện đạt trên 5 tỷ đồng/năm. HTX cũng là đơn vị bao tiêu 100% sản phẩm của hộ thành viên, nông dân liên kết.
Bên cạnh HTX Phú An, HTX công - nông nghiệp sạch Ninh Bình, thôn Liêu Thượng, xã Đồng Phong đang trở thành một trong những điển hình sản xuất hiệu quả ở Nho Quan.
Ông Bùi Trọng Phú, Giám đốc HTX cho biết, để giúp cây trồng sinh trưởng và đem lại năng suất, chất lượng tốt, HTX đã ứng dụng sản phẩm phân vi sinh thân thiện môi trường của Công ty cổ phần Bio Farm Việt Nam (từ than tre) và bổ sung thành phần phân vô cơ theo tỷ lệ cho phép trong quy trình sản xuất hữu cơ.
“Theo quy trình sản xuất hữu cơ, thành viên HTX loại bỏ hoàn toàn hóa chất độc hại, ưu tiên các loại phân bón, thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc tự nhiên, thân thiện môi trường, từ đó nâng cao giá trị sản xuất, giảm thiểu ô nhiễm”, ông Phú nhấn mạnh.
Cũng ở xã Đồng Phong, HTX Đồng Phong là một trong những đơn vị đi đầu trong sản xuất nông nghiệp sạch theo hướng hàng hóa gắn với an toàn sinh thái tại địa phương.
Với tổng diện tích xấp xỉ 230 ha đất sản xuất, ở những diện tích cấy lúa kém hiệu quả, HTX Đồng Phong xây dựng các mô hình trồng trọt theo hướng hàng hóa, có bao tiêu sản phẩm. Với khu vực đất đồi, HTX khuyến khích thành viên, nông dân liên kết xây dựng các mô hình trồng cây lâu năm, cây ăn quả.
Hiện, các thành viên HTX Đồng Phong chủ yếu trồng ổi VietGAP, hữu cơ, cho thu nhập bình quân trên 200 triệu đồng/ha, cao hơn 3 - 6 lần so với cấy lúa truyền thống. Hoặc mô hình nuôi gà Đông Tảo trên vùng đất hoang hoá của HTX cũng đang cho thu nhập cao gấp 3 lần so với các mô hình cũ.
Theo đại diện Phòng NN&PTNT huyện Nho Quan, những đóng góp của các HTX, tổ hợp tác là nhân tố quan trọng giúp huyện nâng giá trị sản xuất bình quân lên trên 100 triệu đồng/ha/năm. Ý thức về sản xuất sạch, thân thiện môi trường cũng ngày càng được cải thiện.
Trong thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục thực hiện hiệu quả đề án tái cơ cấu nông nghiệp, xây dựng thương hiệu cho sản phẩm, tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại, tạo thuận lợi cho tiêu thụ nông sản. Đầu tư, hỗ trợ các chương trình, mô hình, kế hoạch sản xuất, nhất là phát triển các cây trồng chủ lực có thế mạnh của huyện mang tính lâu dài, bền vững.
Nhật Minh