Một trong những mục tiêu, nhiệm vụ trong giai đoạn 5 năm 2020 - 2025 của xã Thanh Tân là xây dựng nền sản xuất phát triển toàn diện, tăng trưởng kinh tế nhanh, bền vững. Có kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, dân trí, văn hóa phát triển cao, môi trường sinh thái sáng, xanh, sạch, đẹp, chất lượng cuộc sống của người dân được nâng lên.
Động lực từ sản xuất
Để hiện thực hóa những mục tiêu đề ra, trong thời gian qua, dù gặp phải không ít khó khăn bởi đại dịch Covid-19, xã Thanh Tân đã chủ trương khuyến khích, hỗ trợ các HTX, doanh nghiệp, cá nhân đầu tư tích tụ ruộng đất nhằm phát triển sản xuất theo hướng hàng hóa, quy mô lớn.
Sản xuất bền vững là nền tảng giúp xã Thanh Tân xây dựng nông thôn mới bền vững. |
Kết quả, Thanh Tân tiếp tục là xã đi đầu trên địa bàn huyện trong chuyển đổi nông nghiệp theo hướng hiện đại, tập trung. Nếu như năm 2020, toàn xã tích tụ được 35,05ha, chiếm 11,8% diện tích đất canh tác thì đến nay diện tích tích tụ đã tăng lên gần 50ha.
Trong đó, ngoài diện tích tích tụ của công ty TNHH Hưng Cúc trên 20ha, vùng trồng rau an toàn của HTX hơn 6ha, còn có 3 hộ đầu tư quy mô lớn và nhiều hộ tích tụ từ 5 - 10 mẫu.
Bên cạnh đó, xã từng bước hoàn thành đầu tư hệ thống thủy lợi phù hợp với nhu cầu tưới, tiêu cho từng cánh đồng, cứng hóa các trục giao thông nội đồng đáp ứng yêu cầu cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp và theo tiêu chí cánh đồng lớn để phát triển nông nghiệp bền vững.
Ông Nguyễn Thế An, Giám đốc HTX dịch vụ nông nghiệp xã Thanh Tân, cho biết thời gian qua, HTX đã tham mưu, đề xuất với Đảng ủy, UBND xã xây dựng các đề án sản xuất và tổ chức triển khai sản xuất đạt hiệu quả, trong đó chú trọng tích tụ ruộng đất, giảm diện tích ruộng bỏ hoang.
Căn cứ đề án và kế hoạch sản xuất theo vùng, năm 2020 HTX đã đứng ra làm đầu mối thu mua cho 3 đơn vị với 2 loại giống đưa vào cơ cấu vùng là lúa hoa cúc vàng và đài thơm, đã xuất được trên 500 tấn thóc với giá bình quân 6.000 - 8.000 đồng/kg.
Đặc biệt, HTX trở thành cầu nối liên kết nông dân với doanh nghiệp, góp phần nâng cao giá trị sản xuất. Điển hình như việc quy vùng liên kết sản xuất với công ty TNHH Hưng Cúc nhiều năm nay thu hút trên 100 hộ tham gia đạt sản lượng trên 200 tấn thóc.
Với mô hình liên kết của HTX, người dân được hưởng nhiều lợi ích, không phải lo về giống, đầu ra sản phẩm, được thu mua thóc tươi theo giá thị trường, thuận tiện trong thu hoạch.
Đặc biệt, HTX Thanh Tân còn tổ chức dịch vụ đánh bắt chuột tập trung, không chỉ tránh được tình trạng mất mùa cục bộ mà còn giảm tình trạng bỏ ruộng hoang. Hiệu quả của HTX góp phần đưa giá trị sản xuất ngành nông nghiệp chiếm 27% tổng giá trị sản xuất của xã.
Duy trì vị thế đi đầu
Cùng với nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp, Thanh Tân chú trọng phát huy thế mạnh sẵn có của cụm công nghiệp với diện tích trên 12ha, đồng thời tiếp tục mở rộng thêm 16,7ha trong năm 2021, tới năm 2025 đạt khoảng 50ha.
Quá trình xây dựng nông thôn mới của xã vẫn liên tục được nâng cấp, phát triển. |
Cùng với đó, xã tạo môi trường hấp dẫn mời gọi các HTX, doanh nghiệp đầu tư về địa phương cũng như khuyến khích các cơ sở sản xuất, kinh doanh mở rộng quy mô. Kết quả, ngoài 10 doanh nghiệp, 2 cơ sở sản xuất tạo việc làm cho 3.000 lao động với thu nhập bình quân từ 4 - 6 triệu đồng/người/tháng, Thanh Tân đã có nhiều cơ sở sản xuất “lên đời” để thành lập HTX.
Bà Nguyễn Thị Doan, Giám đốc HTX Thủ công mỹ nghệ mây tre đan Thanh Tân, cho biết đơn vị có xuất phát điểm là một đơn vị sản xuất có nhiều năm hoạt động, đến cuối năm 2020, để đáp ứng tiêu chí xã nông thôn mới nâng cao, cơ sở đã phát triển lên HTX.
“Nghề thủ công mỹ nghệ của HTX là nghề tay trái của thành viên, được làm hoàn toàn thủ công, không chỉ tạo việc làm thường xuyên cho 70 lao động trong lúc nông nhàn, với thu nhập bình quân 2 - 5 triệu đồng/người/tháng, mà còn giúp gia đình tôi thu nhập mỗi tháng 30 triệu đồng”, bà Doan cho hay.
Theo lãnh đạo UBND xã Thanh Tân, địa phương có thế mạnh phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp nên đã kéo theo dịch vụ phát triển. Đến nay, toàn xã có khoảng 900 lao động tham gia làm dịch vụ, kinh doanh buôn bán, góp phần đưa lĩnh vực này phát triển ngày càng sôi động.
Trong xây dựng nông thôn mới, Thanh Tân tiếp tục giữ vững và nâng cao chất lượng các tiêu chí, xây dựng cảnh quan sáng, xanh, sạch, đẹp. Mục tiêu đến năm 2025 sẽ đạt xã nông thôn mới kiểu mẫu.
Để đạt mục tiêu này, xã sẽ đầu tư cứng hóa 8km đường trục chính giao thông nội đồng, hoàn thiện một số đường giao thông liên thôn. Xã Thanh Tân hiện nay giống như một đô thị thu nhỏ, ở đó có chợ, có công viên, hồ trung tâm, sân bóng nhân tạo, cảnh quan sạch đẹp. Đời sống vật chất và tinh thần của người dân không ngừng được cải thiện và nâng lên.
Hết năm 2020, thu nhập bình quân đầu người của xã đạt 52,6 triệu đồng, tăng 3 triệu đồng so với năm 2019. Tỷ lệ hộ nghèo còn 0,82%, số hộ giàu, khá chiếm khoảng 70%, tốc độ tăng trưởng kinh tế tăng 1,48% so với năm 2019.
Mỹ Chí