Thực hiện chương trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng tăng giá trị gia tăng, huyện Cao Lộc đã tập trung chỉ đạo các cấp, các ngành tăng cường thông tin tuyên truyền, hỗ trợ nhằm thay đổi nhận thức, tư duy sản xuất của các hộ nông dân, trong đó ưu tiên phát triển các sản phẩm chủ lực của huyện.
Hình thành sản phẩm chủ lực
Cao Lộc hiện có khoảng 800 ha chuyên canh các loại rau củ quả. Trong đó, trên 100 ha nằm trên vùng đất phù sa màu mỡ ven sông Kỳ Cùng có nhiều điều kiện để phát triển sản xuất theo hướng hiện đại, tạo ra sản phẩm chất lượng cao, giàu sức cạnh tranh trên thị trường.
Cao Lộc đang chú trọng sản xuất VietGAP, hình thành sản phẩm chủ lực (Ảnh: BLS). |
HTX Rau, củ, quả sạch xã Gia Cát là một trong những đơn vị sản xuất tiêu biểu, đạt được nhiều thành công ấn tượng trên địa bàn huyện Cao Lộc. Từ năm 2017 đến nay, 100% các loại rau củ quả của thành viên HTX được sản xuất theo hướng thực hành nông nghiệp tốt (GAP) và hữu cơ.
Theo đó, trong quá trình sản xuất, thành viên HTX loại bỏ hoàn toàn các loại hóa chất, phân bón, thuốc trừ sâu độc hại. Các khâu làm đất, tiêu diệt sâu bọ, loại bỏ cỏ dại… đều được sử dụng phương pháp thủ công, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái.
Các khu trồng rau củ quả của HTX được lắp đặt nhà lưới, nhà màng để hạn chế các tác động từ tự nhiên, hố rác được xây dựng đúng theo quy định để giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Hướng đến sản xuất sạch, Phòng NN&PTNT huyện Cao Lộc đã phối hợp với các HTX, doanh nghiệp, cùng nhiều đơn vị liên quan tổ chức hàng chục buổi tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật trồng trọt các loại rau củ quả cũng như ghi chép toàn bộ quá trình canh tác, sản xuất cho nông dân.
Công tác phòng trừ sâu bệnh được huyện hỗ trợ triển khai bằng các chế phẩm sinh học thân thiện môi trường và thuốc bảo vệ thực vật nằm trong danh mục được phép sử dụng của Bộ NN&PTNT.
Cùng với đó, huyện chú trọng hướng dẫn nông dân sử dụng phân hữu cơ, chế phẩm sinh học nhằm làm tăng độ phì nhiêu cho đất, nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm.
Nếu Gia Cát có rau an toàn, thì tại xã Hải Yến có cây ăn quả là sản phẩm chủ lực, với tổng diện tích hơn 100 ha. Gần 10 năm qua, xã đã tích cực tuyên truyền, vận động người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao phù hợp với điều kiện tự nhiên của địa phương như mận, hồng không hạt Bảo Lâm…
Ông Lương Văn Thế, thôn Tồng Liền, trồng cây hồng không hạt Bảo Lâm đã được hơn 13 năm, cho biết gia đình ban đầu chỉ trồng vài chục cây, khi cây cho thu hoạch, quả hồng bán được giá cao, dao động từ 25.000 - 40.000 đồng/kg. Thấy có hiệu quả kinh tế, ông đã đầu tư hệ thống tưới nhỏ giọt và mở rộng diện tích trồng.
Xây dựng các vùng sản xuất lớn
“Đến nay, gia đình tôi có trên 500 cây hồng, trong đó trên 250 cây đã cho thu hoạch, mỗi năm cho thu hơn 3 tấn quả, đem lại thu nhập trên 50 triệu đồng. Cùng với đó, tôi trồng trên 500 cây mận, cho thu hơn 4 tấn quả mỗi năm và 2 ha hồi, 5 ha thông cũng đã cho thu hoạch. Từ các cây trồng trên cho gia đình tôi thu về hơn 250 triệu đồng mỗi năm sau khi trừ chi phí”, ông Thế nói.
Quy mô các vùng sản xuất theo chuỗi giá trị trên địa bàn huyện đang ngày càng nâng lên (Ảnh: BLS). |
Để có được thành công này, ông Thế đã mạnh dạn chuyển đổi phương thức sản xuất theo hướng an toàn sinh thái. Việc lạm dụng thuốc trừ sâu, phân bón được loại bỏ hoàn toàn, các hợp chất vi sinh, hữu cơ được ưu tiên giúp đất đai không còn bạc màu, môi trường sạch hơn, an toàn hơn.
Không chỉ tại Gia Cát hay Hải Yến, thời gian qua, các xã khác trên địa bàn huyện Cao Lộc cũng tập trung tuyên truyền, khuyến khích người dân đẩy mạnh phát triển các loại cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao, phù hợp với thổ nhưỡng, điều kiện tự nhiên của xã, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất.
Chủ trương này được người dân đồng thuận hưởng ứng và triển khai thực hiện, từ đó huyện đã có nhiều nông sản hàng hóa có chất lượng cung cấp cho thị trường, đem lại thu nhập khá cho nhiều gia đình.
Hiện nay, huyện Cao Lộc đã và đang hình thành được các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, như vùng sản xuất hồi hơn 4.700 ha, sản lượng đạt trên 4.400 tấn, giá trị đem lại trên 88 tỷ đồng/năm, tập trung ở các xã Xuất Lễ, Công Sơn, Mẫu Sơn…; vùng trồng sở trên 1.170 ha, sản lượng trên 1.820 tấn hạt khô, giá trị đem lại trên 36 tỷ đồng/năm, tập trung tại các xã Yên Trạch, Xuất Lễ, Tân Thành…; vùng trồng hồng không hạt Bảo Lâm trên 410 ha, sản lượng trên 1.200 tấn, giá trị đem lại đạt trên 33 tỷ đồng/năm, tập trung ở xã Hòa Cư, Hải Yến; vùng sản xuất rau an toàn tại xã Tân Liên, Gia Cát, diện tích trên 270 ha, sản lượng trên 3.240 tấn, giá trị đem lại đạt trên 27 tỷ đồng/năm…
Cùng với đó, UBND huyện Cao Lộc đã chỉ đạo các phòng chuyên môn tập trung hỗ trợ các xã nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Như đối với cây hồng không hạt Bảo Lâm, UBND huyện đã chỉ đạo phòng chuyên môn, các xã chú trọng hướng dẫn người dân sản xuất theo quy trình VietGAP được 30 ha.
Đối với rau màu, hiện nay, các xã Gia Cát và Tân Liên đang thực hiện mô hình sản xuất rau theo hướng hữu cơ, thân thiện môi trường nhằm đáp ứng nhu cầu sử dụng thực phẩm an toàn của người tiêu dùng.
Theo đại diện Phòng NN&PTNT huyện Cao Lộc, thời gian tới, huyện tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, xây dựng nhãn hiệu và quảng bá sản phẩm để từng bước hình thành chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm. Đồng thời, xây dựng, nhân rộng các vùng sản xuất theo tiêu chuẩn tiên tiến đảm bảo an toàn thực phẩm, hướng đến sản xuất nông nghiệp hữu cơ, an toàn sinh thái… Từ đó, nâng cao giá trị sản phẩm, tạo thuận lợi cho tiêu thụ sản phẩm, tăng thu nhập cho người dân.
Nhật Minh