Kể từ năm 2015 đến nay, Bắc Yên thực hiện mục tiêu giảm diện tích cây lương thực trên đất dốc, tăng diện tích trồng cây ăn quả, đồng thời đẩy mạnh ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất. Với nguồn vốn từ Chương trình 30a, 135, nông thôn mới…, huyện đã hỗ trợ nhiều tỷ đồng giúp người dân, HTX thực hiện liên kết chuỗi trong trồng xoài, nhãn chín muộn, sơn tra, chè Shan tuyết...
Lan tỏa mô hình điểm
Liên kết trồng sơn tra hàng hóa đang là hướng đi hiệu quả của HTX sơn tra Nậm Lộng, xã Hang Chú, huyện Bắc Yên khi vừa giúp phủ xanh đất trống đồi núi trọc, vừa giúp người dân có thêm thu nhập từ cây bản địa.
![]() |
Sơn tra đang là một trong những cây trồng thế mạnh ở Bắc Yên (Ảnh TL). |
Để sơn tra được thị trường ưa chuộng cũng như đem lại giá trị kinh tế, trong quá trình sản xuất, HTX Nậm Lộng ký hợp đồng với doanh nghiệp cung ứng phân bón thông minh để cung cấp phân bón cho các hộ thành viên, với các loại phân hữu cơ từ chất thải của gia súc hay từ đậu tương, ngô…
Đồng thời, HTX sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc chiết xuất từ tỏi, ớt và các loại thuốc trừ sâu sinh học, tuyệt đối không sử dụng thuốc trừ cỏ trong toàn bộ quá trình chăm sóc, sản xuất sơn tra.
Ông Giàng A Chinh, Giám đốc HTX Nậm Lộng, cho biết để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, HTX đã cử cán bộ tham gia tập huấn, tiếp thu kiến thức về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao như kỹ thuật ghép mắt, tỉa cành, phòng chống sâu bệnh, chăm sóc, thu hái và bảo quản quả sơn tra, rồi về hướng dẫn cho các thành viên HTX và bà con trong bản.
Sau một thời gian dài nỗ lực, HTX có 50 ha sơn tra, trong đó 20 ha đã cho thu hoạch. HTX cũng thực hiện ghép thêm 2 vạn mắt và xây dựng ươm 1 vạn cây giống để cung cấp cho các dự án và nhân dân trồng mới. Các thành viên đã nâng cao ý thức sản xuất, đặc biệt là trong vấn đề bảo vệ môi trường sinh thái.
Tương tự, sản xuất nông sản theo hướng hữu cơ, ứng dụng khoa học – kỹ thuật mới cũng là hướng đi mà HTX nông nghiệp bản Cao Đa 1, xã Phiêng Ban, huyện Bắc Yên lựa chọn nhằm nâng cao giá trị canh tác cho thành viên, nông dân liên kết, góp phần bảo vệ môi trường, đảm bảo sự phát triển bền vững.
Hiện thực hóa các tiềm năng
Với sự năng động trong sản xuất, đến nay, sau 4 năm chuyển đổi cơ cấu cây trồng, HTX Cao Đa 1 đang có gần 20 ha cây măng tây, sản lượng 30kg/ha/ngày, giá bán ra thị trường dao động ở mức 50.000 - 100.000 đồng/kg. Ngoài trồng ở Bắc Yên, HTX còn mở rộng diện tích trồng tại các huyện Mai Sơn, Sông Mã và Vân Hồ.
![]() |
Các HTX đang là các điển hình trong ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp (Ảnh TL). |
Theo thành viên HTX, để nâng cao chất lượng sản phẩm, trong các khâu sản xuất, các hộ tránh sử dụng hoặc loại bỏ phần lớn thuốc trừ sâu, phân bón tổng hợp, các chất điều tiết tăng trưởng cây trồng, thuốc diệt cỏ... Thay vào đó là bảo đảm thời gian cho cây sinh trưởng theo quy trình. Các phụ phẩm thừa sau thu hoạch được tận dụng làm phân bón nhằm cung cấp chất dinh dưỡng cho măng tây.
Cùng với măng tây, chuối tiêu hồng cũng là cây trồng được HTX Cao Đa 1 lựa chọn sản xuất theo hướng hữu cơ, vì phù hợp với điều kiện tự nhiên của địa phương.
Hiện, HTX mở rộng diện tích trồng chuối tiêu hồng lên 7ha với năng suất gần 13 tấn/ha. Để tìm đầu ra cho sản phẩm, HTX chủ động liên kết với các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh bao tiêu.
Thời gian tới, HTX tiếp tục nghiên cứu ươm giống để chủ động mở rộng diện tích trồng chuối tiêu hồng và măng tây theo hướng hữu cơ, đồng thời xây dựng 2 sản phẩm này đạt tiêu chuẩn sản phẩm OCOP (chương trình mỗi xã một sản phẩm).
Theo đại diện Phòng NN&PTNT huyện Bắc Yên, hiện nay trên địa bàn huyện đã có một số mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Các HTX ứng dụng công nghệ cao thường có thu nhập hàng trăm đến cả tỷ đồng mỗi năm. Điển hình như HTX Xây dựng - Dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Chấn Yên trồng 16 ha cây xoài, nhãn; HTX Dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Bảo Lâm với 10 ha cây xoài, nhãn, bưởi, vải; HTX Sơn tra Nậm Lộng Hang Chú có 50 ha cây táo sơn tra...
Thời gian tới, huyện Bắc Yên tiếp tục lồng ghép các nguồn vốn đầu tư hỗ trợ chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; xây dựng các vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung có sự liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm của doanh nghiệp, HTX, tổ hợp tác.
Đồng thời, tăng cường công tác quảng bá, xúc tiến thương mại sản phẩm nông, lâm nghiệp, tìm kiếm, kêu gọi doanh nghiệp đầu tư liên kết sản xuất, chế biến, đặc biệt là tiêu thụ sản phẩm. Song song đó, đăng ký, tạo thương hiệu cho sản phẩm, hỗ trợ nhân dân sản xuất theo quy trình VietGAP..., từng bước nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp.
Lệ Chi