Xã Tuy Lộc có làng nghề Thủy Trầm nổi tiếng với nghề nuôi và kinh doanh cá chép đỏ. Loại cá này không dùng làm thực phẩm mà chỉ phục vụ nhu cầu tâm linh, dùng trong le cúng ông Công ông Táo cũng như lễ phóng sinh.
Để tạo điều kiện cho các thành viên phát triển kinh tế, HTX Thủy Trầm tập trung phát triển loài cá chép đỏ. Nay cá chép đỏ Thủy Trầm do HTX sản xuất đã vươn ra khỏi cổng làng và là một trong những thương hiệu cá chép nổi tiếng trong cả nước.
Ứng dụng khoa học kỹ thuật
Ông Bùi Văn Chữ - Giám đốc HTX Thủy Trầm, cho biết để chuẩn bị lượng cá chép đỏ phục vụ cúng ông Công, ông Táo sắp tới, HTX phải chuẩn bị ao và ươm cá giống từ đầu năm. Giữa năm (từ tháng 5, tháng 6 âm lịch), HTX cho cá bố mẹ đẻ giống cá chép đỏ và chính thức nuôi để phục vụ cho dịp cúng ông Táo.
Khi xuất bán, cá phải bảo đảm các yêu cầu khỏe mạnh, có màu đỏ đẹp như cờ, không có bất kỳ chấm hay đốm nào, vì theo quan niệm tâm linh, cá chép càng đỏ càng mang lại nhiều may mắn.
Nuôi cá chép đỏ cũng có cái dễ, cái khó. Cái dễ vì nguồn thức ăn cho cá không quá cầu kì, chủ yếu là tận dụng phù du, cám gạo nên chi phí không cao nhưng ngược lại, cá chép đỏ đòi hỏi thời gian nuôi dài nên nguy cơ kéo theo dịch bệnh cao hơn. Hơn nữa, cá chép đỏ không nuôi chung được với cá khác vì dễ bị tiêu diệt.
Để hạn chế dịch bệnh, những cá thể cá chép bố mẹ đều phải là những cá chép đặc chủng của làng nghề, sau đó được thả vào những bể sục khí đợi ngày sinh nở.
HTX phải thả bèo xuống bể để trứng bám vào bèo, sau đó vớt bèo lấy trứng để vào nong đem hong. “Phải bảo đảm cho trứng luôn đủ độ ẩm, có nhiệt độ phù hợp thì trứng mới nở được”, ông Bùi Văn Chữ chia sẻ.
Khi cá nở được thả xuống bể khoảng nửa tháng để cá thích nghi dần với môi trường. Sau khoảng thời gian này, cá được thả xuống ao nuôi đến khi xuất bán.
Để hạn chế dịch bệnh, ao nuôi đều được HTX cải tạo, thậm chí lót bạt để hạn chế mầm bệnh. Ao sau khi thu hoạch đều được tát cạn, phơi nắng ít nhất 2 ngày, cày bừa để tạo bùn và tiêu diệt nấm.
Bên cạnh đó, lượng chất thải, thức ăn dư thừa đều được thu gom hàng ngày nhờ hệ thống quạt oxy, môi trường nước luôn đảm bảo sạch sẽ, hạn chế tối đa nguy cơ gây dịch bệnh cho cá.
Hàng năm, từ ngày 15 tháng Chạp trở đi, các thương lái đổ đến khu vực nuôi cá của HTX để mua. Cá chép của HTX có giá 100 - 120 nghìn đồng/ kg. Nếu nhu cầu cao, giá có thể lên đến 150 - 170 nghìn đồng/kg. Cá của HTX được xuất ra nhiều tỉnh thành khác như Hà Nội, Lạng Sơn, Vinh, Thanh Hóa…
Các thành viên HTX có thu nhập ổn định nhờ nuôi cá chép đỏ |
Chuyển biến tích cực
Từ việc nuôi và kinh doanh cá chép đỏ, thu nhập của các thành viên tăng lên rõ rệt. Hiện thu nhập bình quân từ nghề nuôi cá chép đỏ của thành viên HTX là 25 - 27 triệu đồng/người/năm, đó là chưa kể nguồn thu từ việc nuôi cá giống.
Đặc biệt, cuối năm 2018, HTX đã được Cục Sở hữu Trí Tuệ công nhận nhãn hiệu Cá chép Thủy Trầm. Đây là điều kiện thuận lợi giúp HTX khẳng định chất lượng, ổn định đầu ra.
Để rộng đầu ra, thời gian qua, HTX đã đầu tư kiên cố hóa đường sá, kênh mương, hồ ao. Không chỉ là nơi trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm nuôi thả cá, từ việc lựa chọn, ương cá giống, mật độ thả, vệ sinh ao đầm... đến việc chủ động phòng chống dịch bệnh, các thành viên trong HTX còn thường xuyên tham quan thực tế và tham gia các buổi tập huấn kỹ thuật nuôi. Nhờ vậy, tư duy sản xuất của các thành viên đã chuyển biến tích cực.
Đến nay, cùng với việc tận dụng nguồn thức ăn tại chỗ, thành viên HTX đã mạnh dạn đầu tư sử dụng thức ăn công nghiệp để thâm canh, tăng hiệu quả. Mới đây, HTX còn kết nối được với một số đầu mối để chủ động trong việc tiêu thụ sản phẩm, tránh hiện tượng thương lái ép giá.
Ngoài ra, các thành viên HTX còn hỗ trợ nhau trông coi, bảo vệ khu vực sản xuất, cũng chia sẻ kinh nghiệm xử lý nguồn nước để mang lại hiệu quả trong sản xuất.
Như Yến