HTX Thanh long Thuận Tiến trước đây chú trọng sản xuất thanh long VietGAP nhưng thị trường tiêu thụ chủ yếu ở trong nước và một phần xuất sang Trung Quốc nên đầu ra chưa ổn định. Để phát triển thị trường, từ năm 2016, HTX đã quyết định nâng cấp đầu tư sản xuất thanh long theo quy trình GlobalGAP.
“Tấn công” thị trường khó tính
Nhìn lại thời gian HTX thực hiện trồng thanh long GlobalGAP, ông Trần Đình Trung - Giám đốc HTX, cho biết bây giờ HTX không còn quá khó khăn vấn đề đầu ra như trước. Tất cả cơ sở vật chất phục vụ công tác trồng, chăm sóc, thu hoạch, bảo quản đều được HTX đầu tư bài bản. Người dân cũng tự nguyện đăng ký tham gia HTX, vì thấy được lợi ích của mô hình sản xuất sạch theo chuẩn toàn cầu.
Sản xuất theo quy trình GlobalGAP, thanh long không chỉ được trồng và chăm sóc nghiêm theo các quy định, mà công tác sau thu hoạch cũng được quan tâm đúng mức, bảo đảm không bị dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, vừa an toàn cho người dùng, vừa an toàn cho người trực tiếp sản xuất.
Nhờ tuân thủ và thực hành tốt quy trình, HTX đã được cấp chứng chỉ GlobalGAP. Toàn bộ sản phẩm làm ra đều được xuất khẩu qua các thị trường khó tính với giá cao. Các thành viên trong HTX giờ đây rất yên tâm bởi đầu ra của thanh long đã ổn định, duy trì giá cao.
Để có được điều đó, ngay từ đầu mùa vụ, HTX ký hợp đồng thu mua nông sản của các thành viên với mức giá ổn định theo đơn hàng của đối tác. Khi thanh long của thành viên đến kỳ thu hoạch, HTX sẽ kiểm tra các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm trước khi tiến hành thu hoạch và đóng gói xuất khẩu.
Trung bình mỗi tháng, HTX xuất khẩu hơn 20 tấn qua thị trường Pháp, Đức, Thụy Sĩ, Hà Lan, Mỹ và gần đây là Hàn Quốc. Nhờ thị trường rộng mở và giá cả ổn định, thu nhập của thành viên cao hơn trước 40 - 50%.
Giám đốc Trần Đình Trung cho biết khi xây dựng được thương hiệu, nhiều đối tác đã đến đặt hàng. Điều đó cho thấy, để thu hút được những đối tác khó tính, không có con đường nào khác là liên kết sản xuất sạch một cách bài bản. Đây là hướng đi phù hợp, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho nông dân, tạo đầu ra và bao tiêu sản phẩm rất tốt cho nông sản.
HTX nằm trong vùng thanh long trọng điểm của tỉnh |
Giải quyết vấn đề môi trường
Muốn tham gia và làm tốt quy trình sản xuất GlobalGAP, các thành viên buộc phải thay đổi tập quán sản xuất để nâng cao chất lượng nông sản, từ đó tránh lệ thuộc vào một thị trường.
Tại Thuận Tiến, nhờ làm tốt công tác quản lý và tuyên truyền, các thành viên đã nhận thấy vai trò quan trọng của quy trình sản xuất sạch mang lại. Nếu như trước đây, nhiều hộ dân trồng thanh long chuyên canh đã sử dụng phân gia súc, gia cầm chưa ủ hoai hoặc chưa qua xử lý kỹ thuật bón trực tiếp cho cây, gây tình trạng ô nhiễm môi trường trầm trọng thì nay, mọi việc đã khác.
Các thành viên đều phải tuân thủ nghiêm theo quy trình. Việc bón phân gì, sử dụng ra sao, liều lượng thế nào… đều phải thực hiện theo đúng yêu cầu, có sổ ghi chép và kiểm tra rõ ràng. Thành viên nào không tuân thủ đúng quy trình, thanh long không đạt tiêu chuẩn, HTX hoàn toàn đủ điều kiện để từ chối thu mua.
Theo Giám đốc Trần Đình Trung, việc trước đây các hộ sử dụng phân gia súc, gia cầm không ủ hoai mục bón cho thanh long nhằm tiết kiệm chi phí. Tuy nhiên, phân chưa qua ủ hoai bón cho cây làm mất VSATTP vì nhiều vi sinh vật có hại chưa được tiêu diệt, gây mùi hôi thối, đặc biệt là phát sinh ruồi nhặng.
Việc chuyển sang sản xuất thanh long GlobalGAP ngoài ý nghĩa bảo đảm VSATTP, giúp nâng cao giá trị kinh tế, qua đó còn góp phần thay đổi thói quen sản xuất, bảo vệ môi trường sinh thái theo hướng phát triển nông nghiệp bền vững, nhất là môi trường đất và nước. Trong đó, việc HTX hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc kích thích, thuốc diệt cỏ… cũng góp phần không nhỏ.
Nhờ chú trọng sản xuất theo tiêu chuẩn quốc tế, hiện nay, 60 - 70% thanh long của HTX được xuất sang các thị trường nước ngoài. Điều này giúp HTX chủ động sản xuất, hạn chế bị phụ thuộc thị trường.
Như Yến