Nghề nuôi rắn được xuất hiện từ lâu đời ở Vĩnh Sơn song chủ yếu là người nuôi chờ giá cao mới bán. Chăn nuôi không có quy trình công nghệ, nên dẫn đến hao hụt, dịch bệnh, thất thoát nhiều. Với mong muốn phát triển nghề nuôi và chế biến rắn của địa phương, HTX Thịnh Hưng đã đẩy mạnh áp dụng kỹ thuật nuôi rắn sinh sản, nhằm giảm bớt sự phụ thuộc vào tự nhiên.
Không phụ thuộc thiên nhiên
Để phát triển đàn rắn hiệu quả, ngoài con giống, thức ăn đóng vai trò rất quan trọng. Với cách chăn nuôi rắn truyền thống, thức ăn như cóc, nhái, chuột được khai thác hoàn toàn ngoài tự nhiên, nên khi có khi không. Lúc khan hiếm, giá cóc, nhái rất cao, làm ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất của các hộ chăn nuôi.
Được sự chung sức của Hội đồng Khoa học tỉnh, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh, HTX đã sử dụng 100% thức ăn mới (gà vịt con thải loại) thay thế cho thức ăn truyền thống.
Từ đó, HTX chủ động về thức ăn. Giá thức ăn thay thế chỉ bằng 1/2 giá thức ăn truyền thống, nên chi phí đầu tư cho con rắn giảm. Bên cạnh đó, HTX còn tạo thêm việc làm cho nhiều lao động ở những ngành nghề khác, như chăn nuôi gà, vịt để lấy trứng ấp và tổ chức ấp nở gà vịt con làm thức ăn cho rắn.
Theo ông Nguyễn Văn Thịnh - Giám đốc HTX, trước đây, cóc, nhái, chuột là thức ăn chính cho rắn. Nguồn cóc, nhái phục vụ nghề nuôi rắn mỗi năm lên đến hàng trăm tấn, khiến các loài sinh vật này ngoài tự nhiên ngày càng khan hiếm, dễ dẫn đến mất cân bằng sinh thái. Việc thay thế thức ăn cho rắn giúp ích rất lớn cho môi trường, đồng thời giúp HTX chủ động hơn trong sản xuất.
Để hạn chế ảnh hưởng của quá trình chăn nuôi rắn đến sức khỏe và các vật nuôi khác, HTX đã xây dựng khu vực chuồng nuôi riêng biệt. Mỗi chuồng có kích thước dài 50 cm, rộng 30 cm, sâu 30 cm, đủ để nuôi một con.
Rượu rắn - sản phẩm được ưa chuộng của HTX |
Lợi ích thiết thực
Giám đốc Nguyễn Văn Thịnh cho biết, rắn là loài ở rất sạch, nên chuồng trại phải xây dựng rất công phu, bảo đảm mát về mùa hè, ấm về mùa đông. Nếu không chúng rất dễ mắc bệnh viêm phổi, viêm gan, sưng mật. Nếu rắn bị dịch bệnh thì coi như mất trắng, vì hiện nay có rất ít thuốc chữa bệnh cho rắn.
Nuôi rắn, lượng phân thải rất ít, còn các phụ phẩm của rắn như bộ nội tâm được HTX tận dụng làm thức ăn cá trê lai. Xác rắn lột cũng được bán để làm thuốc chữa bệnh.
Do vậy, việc đầu tư hệ thống tiêu thoát riêng cho khu vực nuôi rắn của HTX ít tốn kém và không ảnh hưởng đến môi trường, vì chất thải từ chăn nuôi rắn đã được xử lý riêng, không tiêu thoát chung với các chất thải sinh hoạt khác, nên dễ quản lý được các mầm bệnh.
Hiện nay, việc tiêu thụ rắn ở HTX khá thuận lợi, do nhu cầu thị trường rất lớn. Rắn không chỉ bán trong nước, mà còn xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, Đài Loan, Hàn Quốc…
Rắn là động vật hoang dã, nên trong quá trình chăn nuôi, HTX đã nghiêm chỉnh chấp hành việc quản lý rất chặt chẽ của địa phương. Từ rắn mới nở cho đến rắn trưởng thành đều được HTX ghi chép trong sổ sách và có sự xác nhận của cơ quan chức năng. Việc mua bán, vận chuyển rắn đi tiêu thụ đều có giấy phép của Chi cục Kiểm lâm huyện.
Ngoài sản xuất rắn giống và rắn thịt, HTX đã sản xuất nhiều sản phẩm từ rắn, như rượu rắn, da rắn… HTX cũng liên kết với các doanh nghiệp tham gia chế biến các sản phẩm từ rắn, như thuốc rắn, cao rắn…
Nghề nuôi và chế biến rắn của HTX đã tạo việc làm, thu nhập ổn định cho người dân, đặc biệt là nâng cao giá trị, chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm của sản phẩm từ rắn, qua đó góp phần bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân, bảo vệ môi trường sinh thái và đa dạng sinh học.
Như Yến