Cai Lậy có nhiều cây trồng thế mạnh có thể trở thành cây kinh tế bền vững cho người dân (Ảnh tư liệu) |
Những đổi mới tích cực
Số liệu từ Phòng NN&PTNT huyện Cai Lậy cho biết, toàn huyện hiện có 14.400 ha vườn cây ăn trái ở các xã phía nam Quốc lộ 1, sản lượng thu hoạch mỗi năm trên 291.600 tấn.
Qua các chính sách hỗ trợ, ngành nông nghiệp huyện đã khuyến khích nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, chuyên canh các loại cây ăn trái cho hiệu quả kinh tế cao như sầu riêng, chôm chôm, vú sữa, bưởi da xanh...
Điển hình, sầu riêng đang là cây trồng chủ lực của huyện với diện tích hơn 8.400 ha. Việc ứng dụng tốt khoa học – kỹ thuật giúp hiệu quả của mô hình ngày càng gia tăng. Trung bình mỗi ha sầu riêng xử lý nghịch vụ, nông dân thu lợi nhuận 500 - 700 triệu đồng/năm.
Sở hữu hơn 1 ha trồng sầu riêng, gia đình ông Bùi Xuân Kè (xã Long Tiên) đang có nguồn thu nhập ổn định trên 500 triệu đồng/năm. Với hơn 10 năm kinh nghiệm, ông Kè đang nắm vững kỹ thuật xử lý cây ra hoa nghịch vụ, đồng thời hiểu rõ tầm quan trọng của việc tuân thủ quy định ATLĐ và vệ sinh thực phẩm.
“Khoảng 3 năm trở lại đây, ý thức về sản xuất an toàn của các chủ vườn tại địa phương được nâng cao rõ rệt. Các hộ tham gia tập huấn ATLĐ đầy đủ, tuân thủ các nguyên tắc an toàn trong quá trình sản xuất. Tình trạng lạm dụng thuốc hóa học độc hại không còn giúp sức khỏe người sản xuất được đảm bảo”, ông Kè vui vẻ nói.
Với mục tiêu phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững, huyện Cai Lậy đang đẩy mạnh hỗ trợ, khuyến khích nông dân tham gia mô hình liên kết sản xuất an toàn, khôi phục và cải tạo các vùng chuyên canh cây ăn trái phù hợp với điều kiện tự nhiên, nhu cầu của thị trường.
HTX trở thành điểm tựa phát triển cây thế mạnh trên địa bàn huyện (Ảnh TL) |
An toàn, hiệu quả hơn với HTX
Cây vú sữa từng là cây trồng thế mạnh trên địa bàn xã Mỹ Long, tuy nhiên, những ảnh hưởng của sâu bệnh cùng giá cả thị trường bấp bênh khiến diện tích loại cây này giảm mạnh.
Mọi chuyện chỉ bắt đầu khởi sắc vào năm 2018, khi trái vú sữa Việt Nam mở thành công cánh cửa xuất khẩu sang thị trường Mỹ. HTX dịch vụ nông nghiệp Mỹ Long trở thành một trong những đơn vị đầu tàu dẫn dắt người dân phát triển các sản phẩm xuất khẩu.
Để đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp xuất khẩu, HTX Mỹ Long đã đồng hành cùng nông dân để phát triển vùng chuyên canh quy mô xấp xỉ 15 ha, ứng dụng kỹ thuật mới và chú trọng các yếu tố ATLĐ, vệ sinh thực phẩm.
Đơn cử, trong quá trình chăm sóc vú sữa, các hộ liên kết với HTX được tập huấn để biết cách sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật đúng cách, giúp nâng cao chất lượng sản phẩm, đảm bảo an toàn cho sức khỏe người sản xuất cũng như người dùng.
Có 7 công vườn, ông Lê Văn Quốc (xã Mỹ Long) chia sẻ có HTX đồng hành, địa phương hỗ trợ, người trồng vú sữa có điểm tựa để phát triển, vườn được chăm sóc kỹ, trái bán được giá hơn.
“Để không đánh mất uy tín, chúng tôi luôn được HTX nhắc nhở phải tuân thủ đúng quy định về ATLĐ, vệ sinh thực phẩm. Hộ nào vi phạm quy định như sử dụng thuốc không đúng cách, khi phun thuốc không đeo khẩu trang, mặc đồ bảo hộ… sẽ bị phạt nặng”, ông Quốc nhấn mạnh.
Bên cạnh sự hiện diện đầy ấn tượng của HTX Mỹ Long, đến nay, toàn huyện Cai Lậy đã thành lập 6 HTX nông nghiệp, phát huy vai trò trong liên kết nông dân sản xuất theo quy trình VietGAP gắn với ATLĐ, ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm, từng bước cải thiện và nâng cao thu nhập cho thành viên.
Nhật Minh