Từ nguồn vốn xây dựng nông thôn mới (NTM), năm 2018, xã Yên Trạch lựa chọn mô hình nuôi bò lai Sind, với tổng đàn 27 con, để phát triển. Đến nay, đàn bò đang cho hiệu quả ổn định, trong đó, có 5 con đã sinh sản để người dân tiếp tục nhân rộng.
Tương tự, xã Hải Yến lựa chọn xây dựng mô hình nuôi lợn thương phẩm, với sự tham gia của 16 hộ dân, tổng đàn là 160 con. Nét mới trong thực hiện mô hình nuôi lợn thương phẩm ở Hải Yến là 16 hộ dân đều tham gia tổ hợp tác (THT) chăn nuôi.
Thúc đẩy sản xuất
Ông Hứa Văn Sáng - Tổ trưởng THT chăn nuôi xã Hải Yến, cho biết: “Các hộ chăn nuôi tham gia THT sẽ thuận lợi từ việc được tập huấn, mua chung một số loại vật tư chăm sóc, bảo vệ đàn lợn. Các hộ cũng có thể chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ nhau trong quá trình chăm sóc cũng như tái đàn”.
Trong năm 2018, từ nguồn vốn hỗ trợ phát triển sản xuất của chương trình NTM, huyện còn hỗ trợ xây dựng các mô hình trồng hồng không hạt Bảo Lâm ở xã Gia Cát; mô hình trồng nghệ đen ở xã Hồng Phong.
Tổng nguồn vốn thực hiện các mô hình phát triển sản xuất ở các xã đã đạt chuẩn và xã phấn đấu đạt chuẩn NTM năm 2018 trên địa bàn huyện trên 2,6 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách hỗ trợ 1,4 tỷ đồng, còn lại là vốn đối ứng của nhân dân.
Trước đó, năm 2017, cùng với nguồn vốn NTM, 17 hộ dân thôn Yên Thủy 2 (xã Yên Trạch) đã đóng góp thêm tiền để đầu tư trồng 1,5 ha cây Hoàn ngọc (một loại cây dược liệu), hiện đang cho kết quả bước đầu tích cực.
Giai đoạn 2015 - 2017, huyện hỗ trợ các xã đạt chuẩn NTM xây dựng được 6 mô hình phát triển sản xuất, trong đó, có những mô hình đem lại hiệu quả ban đầu như: Mô hình nuôi lợn nái, mô hình nuôi bò bán chăn thả, trồng rau an toàn…
Ông Hoàng Quy - Phó Chủ tịch UBND huyện Cao Lộc, cho biết: “Để các mô hình phát huy hiệu quả bền vững, huyện đã chủ động hướng dẫn các xã lựa chọn các mô hình sản xuất theo hướng tập trung, có trọng tâm, trọng điểm, ưu tiên hỗ trợ nhân rộng các mô hình đã thực hiện có hiệu quả trên địa bàn”.
Các HTX đang thúc đẩy tái cơ cấu nông nghiệp, xây dựng NTM tại Cao Lộc |
Dấu ấn của HTX
Trong các mô hình sản xuất, mô hình trồng rau an toàn đang được huyện Cao Lộc chọn làm điểm, với sự tham gia của hàng loạt các HTX nông nghiệp kiểu mới (hoạt động theo Luật HTX 2012).
Tại xã Gia Cát, mô hình trồng rau an toàn được thực hiện bởi HTX Rau củ quả sạch Gia Cát. HTX được Nhà nước đầu tư 18 nhà lưới với diện tích 1.500 m2 để trồng rau sạch và cây rau giống các loại.
Ngoài trồng rau tại các nhà lưới, rau an toàn còn được HTX trồng ở một số thửa ruộng với tổng diện tích gần 6 ha. Để nâng cao chất lượng và sản lượng, 100% thành viên HTX được cơ quan chuyên môn các cấp tập huấn, chuyển giao kỹ thuật.
Ông Thi Văn Huấn - Phó Giám đốc HTX Gia Cát, cho biết: “Việc sản xuất rau an toàn được HTX đặc biệt chú trọng. Vì vậy, qua kiểm tra của cơ quan chuyên môn, chất lượng rau của HTX bảo đảm an toàn theo quy định”.
Năm 2017, ngoài trồng các loại rau như cải ngồng, cải làn, bắp cải… HTX còn liên kết với công ty Thương mại xuất nhập khẩu An Phát (Hà Nội) trồng củ cải giống nhập từ Hàn Quốc.
Tại xã Tân Liên cũng đang triển khai khoảng 30 ha rau các loại. Hàng năm, xã phối hợp với cơ quan chuyên môn của huyện tập huấn cho người dân về kỹ thuật trồng, chăm sóc rau.
Để sản xuất tập trung, hiệu quả, đầu tháng 10/2017, xã thành lập HTX Rau củ quả Nà Hán. Theo ông Hoàng Văn Sang, Chủ tịch UBND xã Tân Liên, việc thành lập HTX sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho người trồng rau được tập trung hơn, được giao lưu, tiếp cận với các thị trường tiêu thụ.
Sự hiệu quả trong sản xuất, kinh doanh, giúp các HTX tạo dấu ấn đậm nét trong phát triển kinh tế, xã hội, xây dựng NTM, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho người dân địa phương.
Hưng Nguyên