Năm 2019, tỉnh Hà Giang đặt mục tiêu tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng tiêu chí đối với 38 xã đã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM), phấn đấu có thêm 5 xã đạt chuẩn, nâng tổng số xã đạt chuẩn NTM vào năm 2020 lên 43 xã, đời sống kinh tế, tinh thần của người dân được cải thiện.
Trong quá trình triển khai thực hiện, tỉnh sẽ gắn kết quả xây dựng NTM với mục tiêu giảm nghèo bền vững, bảo đảm nâng cao ổn định chất lượng đời sống của người dân, không nóng vội, chạy theo thành tích, tập trung tối đa các nguồn lực để hỗ trợ người dân phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập.
Mở hướng đi mới
Ông Nguyễn Minh Tiến - Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang, cho biết nhân rộng mô hình HTX nông - lâm nghiệp toàn thôn là chủ trương lớn trong phát triển kinh tế, xã hội, đồng thời, đóng vai trò chủ lực trong chương trình xây dựng NTM tại các địa phương trên địa bàn tỉnh.
Các HTX toàn thôn được thành lập với sứ mệnh hỗ trợ, tổ chức sản xuất, kinh doanh, là điểm tựa cho thành viên phát triển kinh tế, thực hiện các nhiệm vụ của bộ máy lãnh đạo quản lý thôn, bảo đảm các vấn đề môi trường, an toàn vệ sinh lao động, an ninh trật tự xã hội…
Sau gần 5 năm phát triển, đến nay, hàng loạt các HTX toàn thôn điển hình trên địa bàn tỉnh Hà Giang được hình thành,như: HTX Chế biến rượu ngô men lá truyền thống xã Thanh Vân (huyện Quản Bạ); HTX Chè Phìn Hồ xã Thông Nguyên (huyện Hoàng Su Phì), HTX Quang Tiến (huyện Bắc Quang)…
Với hiệu quả cao, các HTX toàn thôn đã và đang có những đóng góp tích cực vào quá trình xây dựng NTM tại địa phương, với doanh thu nhiều tỷ đồng, trực tiếp cung ứng đầu vào, đầu ra cho thành viên, tạo việc làm cho hàng trăm lao động.
Điển hình như HTX Rau 20-10 (xã Quyết Tiến, Quản Bạ, Hà Giang), tổ chức liên kết 70 hộ trồng rau, hoa. Hằng năm, HTX thu mua hơn 200 tấn rau bán ra thị trường, doanh thu trung bình năm khoảng 2 tỷ đồng.
HTX Cam VietGAP xã Vĩnh Hảo (huyện Bắc Quang), với sản lượng trung bình 18 - 20 tấn quả/ha, giá cam bán tại vườn luôn duy trì mức 15.000 - 20.000 đồng/ kg, đem lại thu nhập cao hơn gấp nhiều lần trồng ngô, lúa truyền thống.
Nâng tầm ảnh hưởng
Không chỉ đóng vai trò bảo đảm tiêu chí số 13 (hình thức tổ chức sản xuất) trong Bộ tiêu chí xây dựng NTM, các HTX toàn thôn trên địa bàn tỉnh Hà Giang đang đóng góp trực tiếp vào nhiều tiêu chí về kinh tế, xã hội, môi trường, an ninh trật tự xã hội, vệ sinh thực phẩm…
Với những ảnh hưởng tích cực trong xây dựng NTM, những năm qua, việc phát triển HTX luôn được tỉnh Hà Giang quan tâm và có nhiều chính sách hỗ trợ. Qua đó, khu vực kinh tế HTX ngày càng phát triển, cả về số lượng và hình thức, từng bước nâng cao hiệu quả hoạt động.
Các HTX đang góp phần phát triển sản xuất các sản phẩm thế mạnh, đặc thù tại các địa phương như: Cam, dược liệu, chè, dứa, mía, nuôi ong, chăn nuôi gia súc… và liên kết với các doanh nghiệp để tiêu thụ sản phẩm cho người dân.
Tính đến nay, toàn tỉnh có 285 HTX nông nghiệp hoạt động theo Luật HTX 2012. Trong đó, trồng trọt có 58 HTX; dược liệu có 13 HTX; chăn nuôi có 29 HTX; lâm nghiệp 5 HTX; thủy sản 7 HTX; nước sạch nông thôn 17 HTX; dịch vụ tổng hợp 70 HTX và 86 HTX toàn thôn.
Đánh giá về vai trò của các HTX, ông Nguyễn Đức Vinh - Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Hà Giang, cho hay: “Những năm qua, các HTX trên địa bàn tỉnh đã chủ động đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động, áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, dịch vụ, đem lại lợi ích lớn cho người dân”.
Sau khi chuyển đổi mô hình theo Luật HTX 2012, một số HTX đã chủ động xây dựng phương án hoạt động phù hợp, đã tạo thêm việc làm cho lao động nông thôn, góp phần thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, hoàn thành tiêu chí trong xây dựng NTM, xóa đói, giảm nghèo nhanh và bền vững.
Hưng Nguyên