Xây dựng cánh đồng mẫu lớn là điều kiện thuận lợi giúp HTX ứng dụng kĩ thuật và bảo vệ môi trường |
Hoạt động theo Luật HTX 2012, thực hiện công khai tài chính sau mỗi vụ lúa, chia lãi cho thành viên đúng theo quy định, giúp cho thành viên nâng cao thu nhập đã giúp HTX thu hút được nhiều người tự nguyện tham gia.
Bảo vệ môi trường sinh thái
Thành lập năm 2013, HTX có diện tích là 206 ha, có 93 hộ tham gia thành viên. Hiện nay, mô hình trồng trồng lúa trên Cánh đồng mẫu lớn (CĐML) đã mang lại hiệu quả kinh tế cao và góp phần bảo vệ môi trường sản xuất cũng như sức khỏe con người.
CĐML của HTX có diện tích 100 ha với toàn bộ 93 hộ thành viên tham gia. Thành viên HTX đã áp dụng chương trình 3 giảm 3 tăng; 1 phải 5 giảm trong sản xuất.
Diện tích lúa của HTX được chăm sóc theo quy trình quản lý cộng đồng, cùng nhau phòng trừ dịch bệnh nên rất hiệu quả, ít tốn kém.
Hình ảnh các thành viên vừa thăm đồng vừa bắt ốc bưu vàng, bắt cua, làm cỏ là hình ảnh không lạ lẫm đối với người dân nơi đây.
Trước đây, sau khi sạ, bà con nông dân đều phải phun thuốc diệt cỏ, thuốc phòng trừ sâu bệnh. Thuốc phun xuống đồng làm chết sâu bệnh đồng thời cũng làm chết các loại động vật khác, các loại tôm, cua, cá, ốc chẳng còn chỗ sống.
Nhưng khi được tập huấn các kiến thức mới trong trồng trọt và bảo vệ cây trồng, 100% các thành viên trong HTX đã thay đổi thói quen phun thuốc trừ sâu, nên các loại động vật trên đồng ruộng sinh sôi nảy nở trở lại.
Nếu canh tác lúa như trước đây, 1 ha lúa, tính từ lúc sạ đến lúc thu hoạch phải mất gần 8 lần phun các loại thuốc bảo vệ thực vật (BVTV). Nhưng nay, khi sạ lúa trong 40 ngày đầu, các thành viên HTX không phun thuốc phòng trừ sâu bệnh. Trường hợp ruộng có dịch bệnh thì phun thuốc theo hướng dẫn của cán bộ khuyến nông.
Nhiều chân ruộng từ đầu đến cuối vụ không phun thuốc BVTV, giúp các thành viên tiết kiệm được tiền mua thuốc.
Giải quyết rác thải từ thuốc BVTV
Nhằm giảm thiểu nguy cơ gây ô nhiễm môi trường do tác hại của rác thải từ thuốc BVTV gây nên, HTX đã xây dựng các bể chứa bao gói thuốc BVTV sau khi sử dụng trên các tuyến đường thuộc khu vực sản xuất lúa tập trung của bà con nông dân và tổ chức phát động thu gom rác thải thuốc BVTV ở địa phương.
Các thành viên HTX cũng được tập huấn những kiến thức về việc sử dụng thuốc BVTV an toàn, hiệu quả; tác hại của rác thải thuốc BVTV, cách thu gom và tiêu hủy rác thải thuốc BVTV đúng quy định…
Nhờ đó, rác thải từ thuốc BVTV đã được giải quyết, góp phần hạn chế ô nhiễm môi trường và nâng cao ý thức của các thành viên và người dân trong quá trình sản xuất. Người dân đã loại bỏ dần thói quen vứt bỏ các loại bao bì thuốc BVTV tùy tiện trên đồng ruộng. Đây là điều kiện thuận lợi để HTX tiếp tục nhân rộng ứng dụng KHKT vào sản xuất nhằm hướng đến một nền nông nghiệp xanh, bền vững.
Ngoài áp dụng KHKT, Hội đồng quản trị và Ban giám HTX đã làm tốt các dịch vụ như: hợp đồng máy gặt đập liên hợp và máy cày, máy xới giúp các công đoạn sản xuất của người dân thuận tiện, giảm chi phí thuê nhân công.
Trước đây tới mùa thu hoạch, các thành viên phải chạy đôn chạy đáo kiếm thợ gặt, tìm máy suốt, rồi lo phơi sấy, tìm thương lái thu mua để bán… bây giờ mọi thứ đã có hợp đồng sẵn từ trước do HTX chủ động tìm kiếm, thành viên và người dân chỉ việc báo ngày thu hoạch là đội dịch vụ của HTX đến làm và mang lúa về tận nhà.
Ngoài sản xuất lúa trên CĐML, HTX cũng phát triển diện tích 4 ha rau màu theo chuẩn VietGAP. Nhờ tuân thủ nghiêm quy trình chăm sóc từ làm đất, chọn giống, chăm sóc, thu hoạch… diện tích rau của HTX mang lại lợi nhuận 50 triệu đồng/năm, sau khi trừ các chi phí.
Đa dang dịch vụ, chú trọng áp dụng KHKT và bảo vệ môi trường đã giúp diện tích của HTX Tân Thuận Phát dù lớn nhưng mang lại hiệu quả kinh tế cao, đồng thời giúp người dân dần thay đổi tư duy sản xuất, thích ứng với lối sản xuất quy mô lớn, có sự liên kết chặt chẽ để bảo đảm cả đầu vào và đầu ra.
Như Yến