Trước đây, HTX đóng gói sản phẩm bằng túi nilon nhằm bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm và tạo hình thức đẹp, hấp dẫn người mua. Tuy nhiên, việc làm này đã vô tình tạo ra một lượng lớn rác thải nhựa khó tiêu hủy. Trước thực tế đó, ông Phạm Xuân Trường, Giám đốc HTX đã thực hiện ý tưởng dùng giấy kraft để làm bao bì thay thế túi nilon.
Đầu tư hàng trăm triệu đồng
HTX đã đầu tư gần 100 triệu đồng cho việc thiết kế lại logo, hình thức tem nhãn, in bao bì đóng gói sản phẩm. Mỗi vỏ bao bì được thiết kế nhỏ gọn, hình ảnh bắt mắt và có đầy đủ thông tin cần thiết về sản phẩm của HTX. Trên vỏ bao bì, HTX còn dán tem truy xuất nguồn gốc, bảo đảm sản phẩm đến tay người tiêu dùng rõ ràng và chất lượng.
HTX Mỳ Chũ Xuân Trường sử dụng bao bì giấy đóng gói sản phẩm |
Khi phát triển ý tưởng này, Giám đốc Phạm Xuân Trường đã nghiên cứu kỹ thực tế đóng gói sản phẩm và thị hiếu của người tiêu dùng để cho ra đời 3 loại bao bì kích cỡ tương ứng trọng lượng 450g, 800g và 1kg để đóng gói.
Chi phí cho in ấn, sản xuất bao bì bằng chất liệu giấy kraft được ông Trường tiết lộ "tốn gấp 4 -5 lần so với sử dụng bao bì bằng túi nilon". Bù lại, vỏ giấy kraft vừa an toàn cho người tiêu dùng vừa thân thiện với môi trường vì được làm từ bột gỗ…
Theo tính toán của HTX, mỗi năm toàn tỉnh có hơn 1,2 nghìn hộ tham gia sản xuất, xuất bán hơn 20 nghìn tấn mỳ gạo, nếu tất cả các cơ sở sản xuất đều sử dụng túi giấy kraft để đóng gói sản phẩm thì sẽ giảm được một lượng lớn rác thải từ túi nilon.
Cuối năm 2019, tại Hội chợ cam, bưởi và các sản phẩm đặc trưng huyện Lục Ngạn, nhiều khách hàng tỏ ra thích thú với ý tưởng sử dụng giấy kraft đóng gói mỳ của HTX Xuân Trường. Ý tưởng này đã được ngành công thương tỉnh Bắc Giang đánh giá cao, sản phẩm Mỳ Chũ Xuân Trường được UBND huyện Lục Ngạn chọn tham gia đánh giá, xếp hạng sản phẩm OCOP năm 2019.
Thương hiệu nông sản
Là một thương hiệu nông sản đặc trưng của tỉnh Bắc Giang, mỳ Chũ của HTX Xuân Trường không chỉ chú trọng đến yếu tố hình thức mà còn quan tâm đến chất lượng sản phẩm. Ông Trường chia sẻ điểm đặc biệt của mỳ gạo Chũ được làm ra bởi gạo bao thai hồng - loại gạo được trồng ở vùng đất đồi Lục Ngạn nên hạt gạo rất chắc, to, khi nấu lên rất thơm. Có lẽ chính vì thế mà mỳ Chũ có một hương vị rất riêng, đậm đà khó quên.
Mỳ Chũ được làm bởi gạo bao thai hồng |
Để có được sợi mỳ mỏng manh và dẻo dai như lá lúa, người làm mỳ phải tốn rất nhiều công sức. Gạo đem về nhặt, đãi, vo sạch, cho vào lu (một loại dụng cụ chứa được làm bằng đất nung) ngâm chừng 6-8h. Tiếp đến, gạo được xay ra thành bột bằng cối đá xanh để có được thứ bột deo dẻo, sanh sánh.
Bột được đem ra lọc đi lọc lại nhiều lần rồi ủ qua một đêm. Từ tờ mờ sáng, người làm nghề đã phải dậy sớm đem bột ra tráng thành bánh để kịp phơi cho được nắng. Một mẻ bánh thường có ít nhất 3 người chung tay chung sức, mỗi người thạo một khâu riêng, người tráng bánh lo cho bánh chín đúng độ, người cắt bánh lo cắt sao cho đều, người đem phơi, đem ủ và thái thành những sợi mì đều đặn… Ngay cả việc cuộn và bó sao cho các sợi mì sóng đều, mượt và có hoa văn đẹp như búi tóc của thiếu nữ cũng là cả một nghệ thuật mà không phải người làm mì nào cũng thực hiện được.
Nhờ cải tiến sản phẩm từ hình thức đến chất lượng, sản phẩm của HTX Mỳ Chũ Xuân Trường đã có mặt ở các siêu thị trong nước, hệ thống bán lẻ VinMart, siêu thị BigC, chợ đầu mối Đồng Xuân và nhiều chuỗi thực phẩm sạch. Bên cạnh đó, mỳ Chũ thương hiệu Xuân Trường còn được nhiều thương nhân xuất sang Trung Quốc, Nga, Hàn Quốc, Hồng Kông… Theo con đường xuất khẩu tiểu ngạch, mỗi tháng, HTX tiêu thụ hàng chục tấn mỳ.
Hoàng Lê