HTX Sà Phìn A được thành lập từ tháng 9/2017, hiện có 20 thành viên chính thức và 20 thành viên liên kết, chuyên sản xuất các sản phẩm từ vải lanh truyền thống. Các thành viên HTX đa phần là những phụ nữ dân tộc, người có hoàn cảnh khó khăn, yếu thế.
Đổi mới sản xuất
Gần 2 năm hoạt động, bên cạnh tạo ra những sản phẩm đặc sắc, giúp quảng bá, giới thiệu nét văn hóa đặc trưng của đồng bào Mông, HTX đang tạo việc làm ổn định cho các thành viên, hộ liên kết và người lao động với thu nhập trung bình 3 - 5 triệu đồng/ người/tháng.
Khi được thành lập, được sự quan tâm, hỗ trợ từ chính quyền địa phương, HTX đã đẩy mạnh triển khai phương án sản xuất kinh doanh, đầu tư cơ sở, máy móc, lựa chọn địa điểm đặt gian hàng trưng bày, thu mua nguyên liệu... trở thành điểm tựa phát triển sản xuất cho thành viên.
Chị Sùng Thị Sy - Giám đốc HTX, chia sẻ: “Trước khi có HTX, nghề dệt vải lanh và thêu đã có từ lâu đời, tuy nhiên, hoạt động sản xuất nhỏ lẻ, sản phẩm làm ra chủ yếu để phục vụ gia đình, không dùng hết thì đem bán lẻ tại các chợ phiên nên thu nhập từ nghề thêu, dệt vải lanh rất thấp”.
Trước yêu cầu của thực tế, HTX được thành lập, trở thành đơn vị dẫn dắt trong sản xuất, nâng cao tay nghề, tạo ra những sản phẩm mang tính hàng hóa, hình thành chuỗi tiêu thụ, từ đó, gia tăng thu nhập, nâng cao an toàn lao động (ATLĐ) cho thành viên, hộ liên kết.
Về kỹ thuật, các thành viên HTX chú trọng đào tạo, nâng cao tay nghề. HTX đảm nhận toàn bộ các khâu từ thu mua cây lanh đến khi dệt thành vải. Các thành viên được phân công nhiệm vụ tùy vào khả năng, hình thành một chuỗi sản xuất liên hoàn.
Các thành viên cũng được tập huấn kỹ lưỡng, nắm vững các quy định về ATLĐ. Điển hình, trong quá trình sử dụng máy quay sợi, máy dệt, máy may… người lao động được tập huấn quy tắc vận hành máy móc an toàn, được trang bị đầy đủ trang thiết bị, đồ bảo hộ… nhằm bảo đảm an toàn trong quá trình sản xuất.
Sản phẩm của HTX đang nhận được phản hồi tích cực từ du khách |
Xây dựng thương hiệu
Về sản phẩm, HTX đã chủ động nắm bắt nhu cầu của thị trường, sáng tạo ra nhiều sản phẩm với kiểu dáng, mẫu mã, màu sắc, giá thành khác nhau. Bên cạnh những bộ trang phục truyền thống, các loại túi đựng iPad, điện thoại, vỏ gối, khăn quàng, trang phục cách điệu… cũng lần lượt ra đời.
Nhờ sản xuất an toàn, chất lượng vượt trội, mẫu mã đa dạng, các sản phẩm của HTX ngày càng được nhiều khách hàng trong và ngoài nước biết đến. Hiện tại, HTX đang có nhiều đơn đặt hàng từ các nước như Hà Lan, Đức, Mỹ. Năm 2018, các thành viên HTX đã sản xuất được trên 10.000 sản phẩm các loại, với doanh thu xấp xỉ 1 tỷ đồng.
Sản phẩm lanh trắng của HTX hiện đang được trưng bày tại điểm tham quan Dinh thự Họ Vương. Đến nay, sản phẩm đã tiếp cận được với gần 5.000 đoàn khách quốc tế và hơn 7.000 đoàn khách nội địa. Những sản phẩm thổ cẩm tự nhiên có độ bền lên tới 10 năm, càng dùng lâu càng mềm mịn, tốt cho da, được du khách đánh giá rất cao.
Giám đốc HTX Sùng Thị Sy chia sẻ: “Để làm ra được các sản phẩm thổ cẩm từ cây lanh có màu sắc đẹp, đường nét tinh xảo và độ bền cao phải trải qua hơn 40 công đoạn. Màu sắc để nhuộm sợi vải của HTX được pha chế hoàn toàn bằng các loại lá cây, củ quả trên rừng, cây chàm và sáp ong, nên màu sắc đẹp, độ bền màu cao”.
Không chỉ nâng cao chất lượng sản phẩm, gia tăng giá bán, việc sản xuất kỳ công, tỷ mỷ theo phương thức tự nhiên còn giúp HTX bảo đảm ATLĐ cho người sản xuất, bảo vệ sức khỏe của người dùng, đồng thời, giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường do phẩm màu, thuốc nhuộm hóa học.
Thời gian tới, HTX sẽ tiếp tục đổi mới sản xuất, mở rộng quy mô, đẩy mạnh cơ giới hóa gắn với ATLĐ, chủ động phát triển nguồn nguyên liệu tự nhiên, phối hợp tổ chức dạy nghề… hướng tới sự phát triển bền vững, vừa bảo đảm giá trị kinh tế, vừa nâng cao ATLĐ cho thành viên.
Sáu Ngạn