Thành lập từ năm 2010 với vị trí gần với HTX dệt lanh Lùng Tám, thế nhưng rất ít khách du lịch biết đến HTX này.
Nhằm tạo thêm tour du lịch trải nghiệm cho du khách khi đến với huyện, năm 2018, Quản Bạ đã quy hoạch và kiện toàn lại HTX. HTX đã được bố trí ở khu vực giao thông qua lại, thuận tiện cho du khách đến tham quan. Hiện nay, 29 thành viên của HTX đều đã chú trọng sản xuất với mong muốn tạo ra các sản phẩm đáp ứng nhu cầu du khách.
Thu nhập hàng trăm triệu đồng
Với mong muốn bảo tồn và phát triển nghề truyền thống, HTX Dệt lanh Cán Tỷ (Quản Bạ, Hà Giang) được thành lập không chỉ giúp phụ nữ tại địa phương khởi nghiệp, mà còn chắp cánh cho sản phẩm vải lanh vươn xa.
Bà Sùng Thị Máy - Phó Giám đốc HTX, cho biết: Thời gian đầu, chị em khởi nghiệp gặp nhiều khó khăn về thị trường tiêu thụ, sản phẩm thường bị tồn kho, dẫn đến hư hỏng... Tuy nhiên, nhờ có sự quan tâm và hỗ trợ của lãnh đạo các cấp đã kết nối với các doanh nghiệp, khách hàng, đặc biệt là tạo điều kiện cho các thành viên HTX tham dự hội chợ toàn quốc tại Hà Nội và các địa phương, sản phẩm vải lanh, thổ cẩm của HTX được nhiều người biết đến và ưa chuộng.
Hiện nay, các sản phẩm của HTX đã góp mặt ở nhiều tỉnh, thành trong nước và nước ngoài. Ngoài nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho các thành viên, HTX còn góp phần bảo tồn và giữ gìn giá trị bản sắc văn hóa truyền thống của cộng đồng người Mông ở địa phương.
Chị Mua Thị Hầu - thành viên HTX, chia sẻ: “Từ khi tham gia HTX, tôi có thêm thu nhập cho gia đình và được học hỏi nhiều về các hoa văn hiện đại trên trang phục. Mỗi tháng, trung bình tôi thu nhập 5 - 6 triệu đồng từ thêu, may trang phục”.
Từ năm 2015 trở lại đây, HTX đã có thị trường tiêu thụ ổn định, nguồn thu từ bán sản phẩm vải lanh cao hơn. Bên cạnh công việc làm nương rẫy, ngày càng nhiều chị em phụ nữ tham gia HTX để có thêm nghề phụ và thu nhập, góp phần nâng cao đời sống cho gia đình.
Với hai xưởng thêu, may và một gian hàng trưng bày giới thiệu sản phẩm tại xã, ngoài dệt vải lanh, may trang phục dân tộc, HTX còn làm thêm nhiều sản phẩm thêu, vẽ sáp ong trên nền vải lanh, túi xách, túi đựng điện thoại, vỏ ga, khăn trải bàn, gối xe, búp bê...
Các sản phẩm của HTX được tiêu thụ ổn định tại một số thị trường như: Hà Nội, Đà Nẵng, Hội An... Nhiều đơn vị khác cũng thường xuyên nhập sản phẩm của HTX với số lượng lớn để bán tại địa phương và xuất sang nước ngoài.
Trung bình mỗi tháng, gian hàng trưng bày giới thiệu sản phẩm tại thôn Đầu Cầu I của HTX tiếp đón khoảng 100 lượt du khách đến trải nghiệm và mua sản phẩm. Doanh thu của HTX tại các lễ hội và hội chợ toàn quốc đạt trên 100 triệu đồng/lần. trung bình mỗi năm, tổng thu nhập của HTX đạt vài trăm triệu đồng.
Ngày càng nhiều chị em phụ nữ tham gia HTX để có thêm nghề phụ và thu nhập |
Bảo tồn và phát triển nghề
Để bảo tồn và phát triển nghề dệt vải lanh của đồng bào dân tộc Mông tại HTX, tỉnh Hà Giang đã đề ra các chính sách khuyến khích, như: Hỗ trợ giống và khoa học kỹ thuật cho đồng bào khi gieo trồng cây lanh; phối hợp với các nghệ nhân là phụ nữ dân tộc Mông mở các lớp sơ chế, nhuộm và dệt vải lanh cho các em gái dân tộc Mông… Vì vậy, nghề dệt vải lanh của phụ nữ dân tộc Mông tại HTX không ngừng được phát triển và mang lại hiệu quả kinh tế thiết thực.
Với mong muốn nâng cao tay nghề cũng như đáp ứng nhu cầu khách hàng, HTX thường xuyên tổ chức cho các thành viên đi học hỏi thêm về các mẫu sản phẩm dân tộc Mông của địa phương khác; hiện đại hóa các họa tiết mà vẫn mang đậm nét văn hóa dân tộc và nâng cấp máy móc ngày một hiện đại hơn; đồng thời mở rộng quy mô sản xuất và kết nối thêm nhiều thị trường tiêu thụ.
Khi du khách đến với các làng nghề truyền thống của Hà Giang nói chung và nghề dệt vải lanh của đồng bào dân tộc Mông ở HTX Cán Tỷ nói riêng không những được tham quan nơi sản xuất, tiếp xúc với các nghệ nhân của làng nghề mà còn được trực tiếp thao tác các quy trình cũng như các công đoạn trong quá trình sản xuất để tạo ra sản phẩm.
Đặc biệt, HTX còn phối hợp với các nghệ nhân chuyên thêu, may các họa tiết trên trang phục các dân tộc ở nước Pháp sang hướng dẫn các thành viên về cách phối màu, họa tiết hiện đại, để các sản phẩm phù hợp với khách hàng nước ngoài.
Qua đó, sản phẩm lanh của HTX vươn ra các nước nhiều hơn. Đây cũng là một cách để quảng bá văn hóa truyền thống của vùng cao nguyên đá đến với thế giới, cũng như tạo thêm thu nhập và góp phần giảm nghèo bền vững cho người dân địa phương.
Hoàng Lê