HTX GÓP PHẦN XÓA NGHÈO TRONG VÙNG DÂN TỘC THIỂU SỐ
Có được kết quả này, ngoài sự nỗ lực của mỗi HTX, là sự hỗ trợ tích cực của lãnh đạo và Ban chỉ đạo đổi mới phát triển KTTT, HTX tỉnh Yên Bái, qua đó từng bước đổi mới về tổ chức và hoạt động, khẳng định rõ hơn về vai trò, vị trí của HTX trong nền kinh tế, góp phần bảo đảm an sinh xã hội khu vực nông thôn miền núi, vùng đồng bào dân tộc.
Nhiều chính sách hỗ trợ HTX
Theo ông Đỗ Nhân Đạo, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Yên Bái, tỉnh đã có nhiều chính sách về thu hút nhân lực, hỗ trợ đào tạo cho cán bộ làm việc tại HTX, nhất là các HTX vùng cao, vùng sâu, vùng đồng bào dân tộc.
Đến thời điểm này, số cán bộ quản lý đạt trình độ sơ cấp, trung cấp là 726 người, bằng 48% tổng số cán bộ quản lý HTX trên toàn tỉnh, số cán bộ quản lý đạt trình độ cao đẳng, đại học 320 người, bằng 21,5%.
Ông Đỗ Nhân Đạo, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Yên Bái: KTTT, HTX trên địa bàn thời gian qua phát triển nhanh chóng, bền vững là nhờ sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị.
Về nguồn kinh phí hỗ trợ cho các HTX, từ năm 2017 đến nay, năm nào Liên minh HTX tỉnh cũng có tờ trình báo cáo với UBND tỉnh, Ngân hàng Nhà nước tỉnh Yên Bái và các ngân hàng thương mại cho vay số tiền từ 100-200 tỷ đồng để các HTX xây dựng cơ sở hạ tầng, xây dựng nhà xưởng, máy móc thiết bị, phương tiện vận tải và sản xuất, kinh doanh.
“Với mục tiêu đổi mới toàn diện về tổ chức và hoạt động của HTX, tổ hợp tác đảm bảo đúng nguyên tắc, khắc phục những hạn chế, yếu kém, phát triển đa dạng các loại hình HTX, tổ hợp tác, tập trung phát triển HTX nông nghiệp đa ngành nghề gắn với các vùng nguyên liệu, vùng đồng bào dân tộc thiểu số”, ông Đạo nói.
Theo ông Nguyễn Thế Phước, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Yên Bái, để hỗ trợ cho KTTT, HTX trên địa bàn phát triển, thời gian qua, tỉnh Yên Bái đã phê duyệt và triển khai “Đề án củng cố, phát triển HTX, tổ hợp tác giai đoạn 2017-2020, định hướng đến 2030”. Đặc biệt, từ Quyết định 1804/QĐ-TTg ngày 13/11/2020 của Chính phủ phê duyệt chương trình hỗ trợ phát triển KTTT, HTX giai đoạn 2021-2025, các sở, ngành liên quan đang nghiên cứu để tham mưu cho lãnh đạo tỉnh ban hành Chính sách hỗ trợ phát triển HTX, THT giai đoạn 2021-2025 với những chính sách hỗ trợ phù hợp, tạo đà cho khu vực KTTT tỉnh tiếp tục phát triển, tạo thêm nhiều cơ hội việc làm cho người lao động tại địa phương, đặc biệt là lao động nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Cùng với đó, nhiều HTX đã thay đổi tư duy, sáng tạo, lựa chọn sản phẩm của mình theo hướng đi riêng, đặc thù gắn với Chương trình OCOP của tỉnh, nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng khả năng cạnh tranh, hoàn thiện chuỗi giá trị từ sản xuất đến chế biến và tiêu thụ sản phẩm, nâng cao thu nhập cho thành viên.
Sản phẩm OCOP của các HTX trên địa bàn tỉnh Yên Bái được nhiều đơn vị, doanh nghiệp bày bán và nhận được sự hưởng ứng mua sắm của người dân. |
“Năm 2020, trong số 75 sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên được UBND tỉnh công nhận, có 59 sản phẩm là của các HTX, chiếm gần 80% tổng số sản phẩm OCOP của toàn tỉnh”, ông Phước cho biết.
Tạo sự bình đẳng giữa các vùng, các dân tộc
Có thể thấy, việc phát triển theo chuỗi giá trị, với hạt nhân là HTX đã và sẽ tạo cơ hội việc làm, thu nhập, giúp nâng cao chuỗi giá trị sản phẩm vùng miền, nhất là mặt hàng nông sản phát triển theo chiều hướng hội nhập sâu rộng vào chuỗi nông sản, cải thiện chất lượng dịch vụ.
Tuy nhiên, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Yên Bái Đỗ Nhân Đạo cũng thẳng thắn nhìn nhận, quy mô của nhiều HTX còn nhỏ lẻ, nhất là khu vực miền núi, vùng dân tộc nội lực yếu, thiết bị, công nghệ lạc hậu.
Mô hình liên doanh, liên kết còn hạn chế, chất lượng sản phẩm còn thiếu sức cạnh tranh, nhất là các HTX trong vùng cao, vùng khó khăn, vùng đồng bào dân tộc sinh sống. Bên cạnh đó, tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp cũng đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các HTX, tổ hợp tác.
Hoạt động xúc tiến thương mại còn đơn lẻ, quy mô nhỏ, chưa thu hút được nhiều HTX, cơ sở sản xuất tham gia. Phần lớn các HTX chưa có sự liên kết với nhau trong tổ chức sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, hoặc có liên kết, nhưng thiếu chặt chẽ và thiếu bền vững, nên chưa phát huy được hết tiềm năng.
Nguồn lực Nhà nước phân bổ cho xây dựng HTX sản xuất gắn với chuỗi giá trị còn hạn chế. Hiện chưa có ngân sách riêng để hỗ trợ HTX, mà phải sử dụng kinh phí từ Chương trình Mục tiêu quốc gia nông thôn mới, giảm nghèo bền vững, mức hỗ trợ chưa quy định cụ thể.
Nhiều HTX chưa đáp ứng được yêu cầu của sản xuất hàng hóa lớn và thị trường do chưa thực hiện sản xuất theo quy trình an toàn, còn xem nhẹ việc xây dựng thương hiệu và chưa đầu tư nhiều vào thiết kế bao bì nhãn mác, truy xuất nguồn gốc sản phẩm.
Tại cuộc làm việc mới đây của Liên minh HTX Việt Nam và Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) với lãnh đạo UBND tỉnh Yên Bái, ông Chang Hee Lee, Giám đốc ILO tại Việt Nam đánh giá cao sự phát triển của các HTX trong vùng núi, vùng đồng bào dân tộc của tỉnh Yên Bái trong thời gian qua.
Ông Chang Hee Lee, Giám đốc ILO tại Việt Nam đánh giá cao sự phát triển của các HTX trên địa bàn tỉnh Yên Bái thời gian qua.
Tuy nhiên, ông Chang Hee Lee cũng cho rằng, để KTTT, HTX trên địa bàn tỉnh Yên Bái phát triển, dù có sự hỗ trợ của các tổ chức phi chính phủ, của Chính phủ Việt Nam và sự nỗ lực vươn lên của các HTX thì các HTX, đặc biệt là khu vực yếu thế là vùng núi, vùng dân tộc đang phải đối mặt với những thách thức lớn về nguồn nhân lực, thị trường tiêu thụ, sự cạnh tranh về chất lượng, giá cả hàng hóa và nhất là khoa học kỹ thuật.
“Cần phải tăng cường hỗ trợ đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, có sự hỗ trợ về khoa học kỹ thuật để nâng cao chất lượng, mẫu mã sản phẩm, từ đó gia tăng giá trị sản phẩm, thúc đẩy các chuỗi cung ứng có trách nhiệm và đạo đức kinh doanh có trách nhiệm về môi trường, tạo việc làm bền vững, nâng cao thu nhập, giảm nhanh đói nghèo và tạo sự bình đẳng giữa các vùng, các dân tộc với nhau”, ông Chang Hee Lee nói.
Phạm Duy