Trên diện tích 120ha, HTX công nghệ cao phát triển tôm Bạc Liêu (huyện Hòa Bình) đã đầu tư hàng tỷ đồng thực hiện nuôi tôm trong nhà lưới. Nhờ áp dụng phương pháp theo công nghệ cao, quy trình sản xuất tôm của HTX không sử dụng thuốc kháng sinh, giảm thiểu nhân công lao động, hạn chế tác động bất lợi của thời tiết, năng suất cao, bảo đảm chất lượng nên sản phẩm được thị trường ưa chuộng. Thời gian tới, HTX tiếp tục chuyển giao công nghệ hiện đại này cho nông dân để cùng phát triển sản xuất và nâng cao thu nhập.
Thiếu đất, khó tiếp cận vốn...
Không chỉ HTX tôm Bạc Liêu, mà hiện nay đã có một số HTX chú trọng ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất như HTX nho Evergreen (Ninh Thuận) áp dụng kỹ thuật bao trái bằng túi nilon trên diện tích 100ha; HTX Tân Nông Phát (Bình Dương) áp dụng hệ thống tưới nhỏ giọt, nhà lưới giúp tiết kiệm nguồn nước, giảm lượng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật, từ đó thu lãi gần tỷ đồng/năm...
HTX nho Evergreen sản xuất hiệu quả nhờ đầu tư ứng dụng công nghệ cao. |
Các chuyên gia cho biết, ứng dụng công nghệ cao giúp các HTX giảm trung bình 25% chi phí phân bón, thức ăn chăn nuôi; 50% chi phí thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y; 36% chi phí thuê lao động và giảm 44% lượng nước sử dụng so với trước đó nhưng lại cho năng suất cây trồng, vật nuôi cao. Những HTX trên đã khẳng định hiệu quả của mô hình nông nghiệp công nghệ cao, từng bước nâng số lượng HTX đầu tư theo hướng hiện đại. Theo Liên minh HTX Việt Nam, hiện cả nước có 26.040 HTX, trong đó có 16.953 HTX nông nghiệp; số HTX nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất là 1.292 HTX.
Tuy mang lại hiệu quả lớn, nhưng thực tế cho thấy, số HTX đầu tư ứng dụng theo hướng công nghệ cao hiện vẫn còn khiêm tốn vì chỉ chiếm 8% tổng số HTX nông nghiệp trên cả nước.
Nguyên nhân được các chuyên gia đưa ra là do trong quá trình hoạt động, HTX còn gặp không ít khó khăn trong đầu tư, mở rộng quy mô. Đặc biệt là sản xuất nông nghiệp công nghệ cao cần đầu tư đồng bộ, muốn vậy phải có diện tích đủ lớn để ứng dụng khoa học kỹ thuật, cơ giới hóa. Tuy nhiên, không ít HTX phải đi thuê đất của các hộ dân để tổ chức sản xuất theo quy mô lớn.
Điển hình như HTX Dịch vụ nông nghiệp tổng hợp An Phát (Hà Nội) đang phải thuê lại hơn 20 ha đất của người dân ở một số thôn của xã Trung Mầu, huyện Gia Lâm. Theo Ban giám đốc HTX, chỉ cần tính giá thuê là 2 tạ thóc (tương đương hơn 1 triệu đồng)/sào/năm thì chi phí đầu tư cho sản xuất hàng năm của HTX là không hề nhỏ. Đó là chưa kể việc vận động hộ dân cho thuê đất rất khó khăn và tiềm ẩn nhiều rủi ro khi phát sinh mâu thuẫn, tranh chấp do chưa có quy định cụ thể về việc thuê, cho thuê ruộng đất. Đây chính là một trong những nguyên nhân khiến HTX An Phát và nhiều HTX chưa yên tâm đầu tư cho nông nghiệp công nghệ cao.
Ngoài khó khăn về quỹ đất, thiếu vốn cũng chính là “lực cản” đối với không ít HTX. Chia sẻ với VnBusiness, ông Lê Văn Tám, Giám đốc HTX Sông Hồng (Hà Nội) cho biết: Năm 2012, HTX bắt đầu hình thành khu nhà màng ứng dụng công nghệ cao để trồng rau, củ an toàn và hữu cơ đi liền với nuôi tôm. Tuy nhiên, HTX gặp khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn tín dụng để đầu tư máy móc, trang thiết bị sản xuất vì không có tài sản thế chấp hoặc có nhưng được định giá rất thấp.
“Đa số thành viên phải tự thế chấp tài sản riêng để có vốn đầu tư mở rộng sản xuất”, ông Tám chia sẻ.
Thời gian qua, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 30/NQ-CP ngày 7/3/2017, giao Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng thương mại, chủ lực là các ngân hàng thương mại nhà nước, dành khoảng 100.000 tỷ đồng từ nguồn vốn huy động của các ngân hàng để thực hiện chương trình cho vay đối với lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch với lãi suất ưu đãi.
Đặc biệt mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 340/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển kinh tế tập thể, HTX giai đoạn 2021 - 2030. Theo đó, phấn đấu đến năm 2030 cả nước có trên 5.000 HTX và 500 tổ hợp tác ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất và tiêu thụ nông sản.
Song, theo Liên minh HTX Việt Nam, đến nay, chỉ khoảng 11% số HTX tiếp cận được vốn vay, còn phần lớn vẫn tự xoay xở. Thiếu vốn khiến nhiều HTX không thể mở rộng sản xuất kinh doanh, còn những HTX muốn vươn lên tiếp cận công nghệ cao càng gặp nhiều khó khăn.
Dỡ “rào cản”, tăng sức bật
Theo Luật HTX năm 2012, các HTX sẽ được Nhà nước hỗ trợ ứng dụng khoa học kỹ thuật, tiếp cận vốn, đất đai… Riêng các HTX hoạt động trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp còn được giao đất, cho thuê đất phát triển sản xuất kinh doanh… Để cụ thể hóa những nội dung này, Chính phủ ban hành nhiều văn bản liên quan đến chính sách hỗ trợ, phát triển HTX.
Trong đó, Nghị định 46/2014 của Chính phủ về tiền thuê đất, thuê mặt nước quy định rất rõ: Các HTX nông nghiệp sẽ được miễn thuế thuê đất, thuê mặt nước cho toàn bộ thời gian thuê nếu sử dụng làm mặt bằng xây dựng trụ sở, sân phơi, nhà kho, xây dựng các cơ sở dịch vụ trực tiếp phục vụ sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản, làm muối... Đồng thời, giảm 50% tiền thuế thuê đất cho những HTX thuê làm mặt bằng sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, việc áp dụng các chính sách này tại HTX ở các địa phương còn nhiều bất cập.
Khó khăn về đất và vốn khiến HTX khó tiếp cận và mở rộng mô hình theo hướng công nghệ cao. |
Để khắc phục những khó khăn về đất đai, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Võ Thành Thống cho biết, các ngành chức năng tại mỗi địa phương cần chủ động cân đối quỹ đất chung, trong đó quan tâm bổ sung quy hoạch diện tích đất để HTX có thể sử dụng lâu dài. “Nếu chỉ sử dụng đất trong vòng 5 năm đổ lại và phải thuê với giá cao thì HTX không thể yên tâm đầu tư máy móc, cơ sở hạ tầng theo chuỗi công nghệ cao khép kín”, ông Thống phân tích.
Thứ trưởng Bộ KH&ĐT cũng nhấn mạnh, Liên minh HTX các tỉnh cần phối hợp chặt chẽ với Sở TN&MT thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ đất đai cho HTX như: Thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với các HTX đã có trụ sở, các hạng mục công trình gắn với đất đai cần cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; hỗ trợ việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp để tạo thửa lớn; hỗi trợ thủ tục giao thuê đất, bồi thường giải phóng mặt bằng đối với các vị trí theo quy hoạch để HTX có thể đầu tư xây dựng trụ sở làm việc, nhà kho, sân phơi... cũng như hoàn thiện và tiếp cận đầu tư theo hướng công nghệ cao.
Liên quan vấn đề về vốn, theo các chuyên gia, vốn vay ngân hàng đóng vai trò quan trọng đối với HTX sản xuất nông nghiệp nông thôn, đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Để tạo điều kiện cho các HTX tiếp cận được nguồn vốn ưu đãi, các ngân hàng cần xem xét bổ sung thêm các hình thức thế chấp, bảo lãnh tín dụng để HTX có nhiều cơ hội tiếp cận được hạn mức vay vốn phù hợp với nhu cầu.
Bên cạnh đó, mỗi ngân hàng cần phải tinh gọn quy trình lập hồ sơ vay vốn trong lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao nhằm đơn giản hóa, rút gọn thời gian thẩm định, kiểm duyệt và giải ngân để phù hợp với năng lực của HTX hiện nay.
Theo ông Lê Đức Thịnh, Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn, các ngân hàng thương mại cần có cơ chế định giá đất nông nghiệp phù hợp hơn, gắn liền đất nông nghiệp và các tài sản đầu tư trên đất như nhà kính, nhà lồng, dây chuyền công nghệ phục vụ sản xuất nông nghiệp đảm bảo việc định giá tài sản thế chấp hiệu quả tạo nhiều cơ hội cho HTX tiếp cận vốn vay ưu đãi.
Huyền Trang