Với các giải pháp thúc đẩy toàn diện từ đào tạo nhân lực đến chuyển giao khoa học - công nghệ, xây dựng thị trường…, xã Bình Tân đã xây dựng thành công nhiều trang trại, gia trại chăn nuôi được đầu tư quy mô theo hình thức công nghiệp và bán công nghiệp, trong đó có nhiều mô hình liên kết chăn nuôi hiệu quả cao.
Nâng cao thu nhập
Trước đây, đời sống của người dân xã Bình Tân chủ yếu dựa vào cây lúa. Sau khi kết thúc vụ mùa, đất bỏ hoang, người dân thường không có việc làm, thu nhập bấp bênh, cuộc sống gặp rất nhiều khó khăn.
Để giải quyết vấn đề trên và hỗ trợ nông dân sản xuất, năm 2014, xã thành lập tổ hợp tác chăn nuôi bò với gần 20 thành viên tham gia. Đa số các thành viên là hộ nghèo, cận nghèo, gia đình có hoàn cảnh khó khăn.
Mô hình chăn nuôi an toàn sinh học ở Bình Tân đang cho hiệu quả tích cực (Ảnh TL). |
Khi tham gia mô hình, mỗi thành viên được hỗ trợ vay vốn 20 - 50 triệu đồng. Đồng thời, được tập huấn, chuyển giao khoa học - kỹ thuật, nắm chắc quy trình chăn nuôi hữu cơ, thân thiện môi trường.
Gia đình anh Nguyễn Văn Sương, ấp Gò Tranh, là một trong những hộ đi đầu và vươn lên khá giả nhờ vào việc nuôi bò theo quy trình hữu cơ, an toàn sinh học.
Trang trại của gia đình anh Sương hiện có hơn 10 con bò thịt và bò giống, bình quân mỗi năm thu về 50-60 triệu đồng tiền lãi từ việc bán bò con, bò thịt và các phế phẩm từ bò.
Theo anh Sương, chăn nuôi theo chuẩn hữu cơ đòi hỏi kỹ thuật cao hơn. Hệ thống chuồng trại phải đảm bảo kiên cố, thoáng mát, trang bị đầy đủ phương tiện, được vệ sinh sạch sẽ, khử khuẩn định kỳ.
Thức ăn chăn nuôi là các loại thực phẩm sạch, không có hóa chất độc hại. Hiện, anh Sương đang trồng cỏ trên diện tích 0,1 ha để đảm bảo nguồn thức ăn sạch cho đàn bò. Nguồn chất thải từ chăn nuôi được thu gom, xử lý đúng quy định, tránh ô gây ô nhiễm môi trường. Một phần có thể ủ hoai để phục vụ trồng trọt, hoặc để bán.
Không nuôi bò, gia đình ông Nguyễn Thanh Hữu, ấp Cái Đôi Đông, lại đang có được thành công tích cực từ chăn nuôi gà theo hướng an toàn sinh học.
Với gần 0,5 ha đất vườn, ông Hữu xây dựng 3 ô chuồng với 3 hệ thống điện sưởi ấm cho gia cầm. Nhờ áp dụng kỹ thuật trong chăn nuôi nên đàn gà ít bị dịch bệnh. Hàng năm, gia đình ông cung cấp cho thị trường hơn 9.000 con gà, lợi nhuận bình quân khoảng 160 triệu đồng/năm.
Cải tiến kỹ thuật, bảo vệ môi trường
Để nâng cao hiệu quả sản xuất, ông Hữu cùng nhiều hộ chăn nuôi gà trên địa bàn xã Bình Tân đã liên kết lại với nhau, thành lập Tổ hợp tác chăn nuôi gà Bình Tân.
Đến nay, Tổ hợp tác có 8 thành viên, cung cấp hơn 30.000 con gà/năm. Đây là tín hiệu đáng mừng, hứa hẹn việc chăn nuôi gà tiếp tục được duy trì và phát triển hơn nữa trong thời gian tới.
Vai trò của các HTX, tổ hợp tác sẽ được nâng cao trong thời gian tới (Ảnh TL). |
Theo UBND xã Bình Tân, những năm gần đây, hoạt động chăn nuôi trên địa bàn xã đạt nhiều kết quả khả quan. Bởi, công tác kiểm soát dịch bệnh được thực hiện tốt và giá cả đầu ra của sản phẩm ổn định. Đồng thời, người dân tự giác liên kết lại với nhau để thành lập các HTX, tổ hợp tác, qua đó tránh được tình trạng chăn nuôi nhỏ, lẻ, thiếu bền vững.
Để các mô hình chăn nuôi tiếp tục duy trì và phát huy hiệu quả, thời gian tới, các ngành chức năng tiếp tục hỗ trợ người dân tổ chức lại sản xuất theo hướng tập trung, trang trại, gia trại. Ứng dụng kỹ thuật an toàn sinh học, bảo vệ môi trường gắn với bảo đảm thị trường tiêu thụ.
Xã cũng sẽ tiếp tục đẩy mạnh việc nhân rộng các mô hình chăn nuôi ra toàn địa bàn, đồng thời vận động người chăn nuôi thành lập các tổ hợp tác, hướng tới thành lập HTX. Tăng cường phối hợp các ngành liên quan mở nhiều lớp tập huấn chuyển giao khoa học - kỹ thuật trong việc chăm sóc đàn bò và gà cho người dân.
Ngoài ra, xã sẽ tiếp tục vận động, khuyến khích người dân liên kết với các doanh nghiệp để được cung cấp con giống, thức ăn... có chất lượng, giảm rủi ro, tăng hiệu quả kinh tế và cung cấp cho thị trường những sản phẩm chất lượng cao, an toàn.
Nhật Minh