Ông Nông Quốc Thụy - Phó Trưởng phòng NN&PTNT huyện Ba Bể cho biết: “Những năm qua, huyện đã và đang tập trung chỉ đạo cơ quan chuyên môn phối hợp với chính quyền địa phương và các HTX trên địa bàn đẩy mạnh các hoạt động nhằm tháo gỡ khó khăn trong tiêu thụ nông sản”.
Đến nay, các HTX đang phát huy rất tốt vai trò “cầu nối” trong sản xuất tiêu thụ của mình, trong đó có thể kể đến hàng loạt cái tên như HTX Sang Hà, tổ hợp tác (THT) bí xanh xã Địa Linh, HTX Phương Đức, HTX Đồng Lợi, HTX chè Mỹ Phương…
Xã Quảng Khê với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp đang phát triển mạnh các mô hình trồng hồng không hạt. Những năm qua, cây hồng được xem là ưu thế đặc biệt mang lại nguồn thu nhập cao cho nhiều hộ dân trên địa bàn.
Ông Triệu Văn Chinh - Chủ tịch UBND xã Quảng Khê cho biết: “Để nâng cao hiệu quả của cây hồng không hạt, xã đang tích cực phối hợp với HTX Đồng Lợi xây dựng các phương án sản xuất an toàn, thúc đẩy cơ giới hóa gắn với an toàn lao động (ATLĐ), áp dụng kỹ thuật mới, nhằm đưa cây hồng trở thành cây chủ lực, bền vững của địa phương”.
HTX đang trở thành động lực thúc đẩy sản xuất an toàn, mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản tại Ba Bể |
Dong riềng cũng đang là cây trồng có tiềm năng lớn của huyện Ba Bể, với diện tích trên 360ha, tuy nhiên vẫn còn khoảng 145ha gặp khó về thị trường tiêu thụ. Để giải quyết khó khăn cho người dân, HTX Sang Hà (xã Cao Trĩ) đã làm việc với Công ty xuất nhập khẩu dong riềng Đồng Thắng (Hà Nội), để bao tiêu sản phẩm dong riềng tại các xã Khang Ninh, Thượng Giáo, Bành Trạch.
Bà Trương Thị Tuế - Giám đốc HTX Sang Hà cho biết: “Diện tích, sản lượng ngày càng tăng, tuy nhiên tính chuyên nghiệp thấp, sản xuất manh mún khiến dong riềng khó tiêu thụ. Vì vậy, HTX đang chủ động phối hợp với cơ quan chức năng, xây dựng vùng sản xuất tập trung, phát triển sản xuất an toàn, đảm bảo các yếu tố ATLĐ, nâng cao chất lượng sản phẩm, nhằm thu hút các doanh nghiệp, mở rộng thị trường tiêu thụ”.
Tại xã Mỹ Phương, chè đang là cây chủ lực với hơn 500ha. HTX chè Mỹ Phương đang là đơn vị dẫn dắt, định hướng người trồng chè trong xã phát triển sản xuất an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, đẩy mạnh xây dựng thương hiệu, hình thành chuỗi giá trị, tạo điều kiện để sản phẩm chè của địa phương vươn xa hơn.
Theo Phòng NN&PTNT huyện Ba Bể, các loại cây trồng chính trên địa bàn huyện như cây bí xanh thơm, hồng không hạt, dong riềng, nghệ được đưa vào trồng phổ biến và đã mang lại hiệu quả kinh tế rõ rệt, tuy nhiên việc mở rộng diện tích theo hướng tự phát cũng như khâu tiêu thụ chưa có sự gắn kết, dẫn tới mất cân đối cung - cầu.
Nhận thấy vai trò của khu vực kinh tế hợp tác trong phát triển sản xuất nông nghiệp bền vững, huyện Ba Bể đang dành nhiều nguồn lực để hỗ trợ các HTX,THT trên địa bàn mở rộng quy mô, nâng cao hiệu quả hoạt động, trở thành “bệ đỡ” phát triển sản xuất, đảm bảo ATLĐ, nâng cao đời sống cho thành viên, người lao động.
Văn Nguyễn