Theo thống kê, toàn tỉnh Bắc Giang hiện có trên 600ha trồng cây dược liệu, tập trung tại các huyện Sơn Động, Lục Ngạn, Lục Nam, Yên Dũng, Việt Yên, Tân Yên… Các vùng chuyên canh được hình thành, tạo chuỗi liên kết, phát triển sản xuất an toàn, đem lại thu nhập cao cho người dân.
Sơn Động đang là huyện đi đầu của tỉnh Bắc Giang trong phát triển sản xuất cây dược liệu. Toàn huyện hiện có 41ha cây dược liệu, với các giống hiệu quả cao như kim tiền thảo, ba kích, nghệ, ngải Đài Loan... được trồng nhiều ở các xã An Bá, Yên Định, Tuấn Đạo, Tuấn Mậu, Thanh Luận.
Để nâng cao hiệu quả sản xuất, nhiều HTX dược liệu trên địa bàn huyện được thành lập, liên kết người dân trong sản xuất, tìm kiếm thị trường. Có thể kể đến HTX nấm dược liệu Sơn Động, bắt đầu với 4.000 bịch nấm linh xanh từ năm 2015, đến nay đã thu hút 150 hộ thành viên, lợi nhuận bình quân đạt 400 triệu đồng/năm.
Ông Nông Văn Rót – Giám đốc HTX chia sẻ: “So với sản xuất nông nghiệp thuần túy, trồng nấm dược liệu cho thu nhập gấp 2-3 lần. Liên kết với HTX, thành viên được hướng dẫn kỹ thuật sản xuất an toàn, đảm bảo quy định an toàn lao động (ATLĐ), vệ sinh thực phẩm, đồng thời được hỗ trợ các dịch vụ đầu vào, thị trường tiêu thụ, giúp người dân yên tâm sản xuất”.
Cây dược liệu đang mở ra hướng đi mới mang lại hiệu quả, an toàn cao cho người dân tỉnh Bắc Giang |
Huyện Việt Yên hiện có gần 20ha trồng cây dược liệu tại các xã Minh Đức, Thượng Lan, Việt Tiến, Nghĩa Trung. Việc chuyển đổi từ đất trồng lúa, trồng màu kém hiệu quả sang trồng cây dược liệu đang tạo bước ngoặt nâng cao hiệu quả, ATLĐ trong quá trình sản xuất của người dân.
HTX dược liệu Khánh Hòa (thôn Bình Minh, xã Minh Đức) đang là đơn vị “đầu tàu” dẫn dắt hoạt động sản xuất tại Việt Yên. Khởi động với 2ha đất sản xuất, 7 thành viên tham gia, đến nay HTX đã nâng tổng diện tích lên gần 13ha trồng thảo dược.
Nhờ liên kết chặt chẽ với doanh nghiệp trong sản xuất và tiêu thụ, thành viên HTX được tiếp cận với phương thức sản xuất an toàn, giàu khoa học và được bao tiêu 100% sản phẩm. Đến nay, HTX đã ký kết được hợp đồng tiêu thụ với 32 doanh nghiệp cả trong và ngoài nước, mở ra hướng đi bền vững cho thành viên và các hộ dân liên kết.
Với động lực từ HTX dược liệu Tân Mỹ, huyện Yên Dũng đang phát triển gần 50ha cây dược liệu, tập trung chủ yếu ở các xã Đức Giang, Tiền Phong, Nội Hoàng với các loại cây như nhân trần, kim tiền thảo, địa liền, hương bài, cà gai leo...
Ông Trần Văn Tú - Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Sở NN&PTNT Bắc Giang), cho biết tỉnh đặt mục tiêu đến năm 2020 cung ứng được 60%, năm 2030 cung cấp 80% số giống dược liệu sạch bệnh, có năng suất, chất lượng cao, đưa cây dược liêu thành sản phẩm chủ lực của tỉnh.
Để hoàn thành mục tiêu, các địa phương cần đẩy mạnh phát triển các vùng sản xuất tập trung, tăng cường xúc tiến thương mại để mở rộng thị trường tiêu thụ, hình thành mạng lưới liên kết sản xuất để bảo đảm tính ổn định và lâu dài.
“Trong quá trình phát triển, vai trò của các HTX đặc biệt quan trọng, không chỉ tập trung sản xuất, nâng cao lợi nhuận, các HTX cần chú trọng áp dụng các biện pháp sản xuất an toàn, đảm bảo ATLĐ, nâng cao đời sống, sức khỏe cho thành viên, người lao động và người dân trên địa bàn”, ông Tú nhấn mạnh.
Văn Minh