Phú Lương vốn được mệnh danh là vùng "đất lúa" của huyện Phú Vang với tổng diện tích trồng lúa xấp xỉ 1.100ha/vụ, sản lượng đạt 7.600 tấn, chiếm 20% tổng sản lượng lúa toàn huyện. Sản xuất trên quy mô lớn, nhưng tiềm năng của cây lúa chỉ thực sự được khẳng định khi các HTX nông nghiệp ra đời.
Điểm sáng tiên phong
HTX nông nghiệp Phú Lương 1 trở thành đơn vị tiên phong liên kết với doanh nghiệp để tổ chức sản xuất lúa hữu cơ trên địa bàn. 50 hộ thành viên HTX cùng các hộ dân liên kết phát triển thành công 130ha trồng lúa hữu cơ, với các giống lúa mới, chất lượng cao như BT7, DT39…
Ông Nguyễn Thụ - Giám đốc HTX Phú Lương 1 cho biết: "Khoảng 3 năm trở lại đây, HTX bắt tay với Tập đoàn Quế Lâm đưa hai giống lúa chất lượng cao BT7 và DT39 vào canh tác, hình thành vùng sản xuất lúa hàng hóa. Vào chuỗi liên kết, người dân sẽ được hỗ trợ vật tư, bao tiêu sản phẩm với mức giá ổn định, cao hơn thị trường".
Để tham gia vào mô hình, các hộ trồng lúa phải tuân thủ tuyệt đối quy trình sản xuất an toàn theo chuẩn VietGAP, không dùng các loại thuốc trừ sâu, phân bón, hóa chất độc hại, ưu tiên sử dụng các chế phẩm sinh học, đảm bảo các yếu tố an toàn lao động, bảo vệ môi trường.
Ông Trần Hữu Ích (thôn Lê Xá Đông) chia sẻ: "Sản xuất hữu cơ khó hơn, nhưng được sự hỗ trợ về kỹ thuật, quy trình sản xuất an toàn, cách sử dụng máy móc, thiết bị…, mọi việc trở nên dễ dàng hơn. Không chỉ gia tăng hiệu quả kinh tế, phương thức sản xuất mới còn mang lại sự an toàn trong sản xuất, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, đảm bảo sức khỏe cho người sản xuất".
Phú Lương đang gặt hái nhiều thành công với mô hình liên kết sản xuất lúa hữu cơ |
Lan tỏa mạnh mẽ
Cùng với HTX Phú Lương 1, các HTX Phú Lương 2 và Phú Lương 3 cũng đang đẩy mạnh phát triển sản xuất an toàn, đưa các giống lúa mới chất lượng cao vào sản xuất trên diện tích hơn 700ha lúa/vụ. Ngoài cung cấp lúa thương phẩm cho thị trường, HTX còn tiêu thụ lúa giống cho Công ty cổ phần Giống cây trồng và vật nuôi tỉnh.
Ông Trần Nam (thôn Đông B) cho hay: "Trước đây, tôi và các hộ trong xã chủ yếu gieo cấy giống truyền thống như Khang dân, Bao thai, chất lượng sản phẩm thấp, tiêu thụ rất khó. Được sự hỗ trợ của HTX, chúng tôi đưa giống mới VT-NA2 vào sản xuất, năng suất lúa đạt trên 60 tạ/ha, chất lượng sản phẩm tăng, thị trường mở rộng và giá bán cũng cao và ổn định hơn".
Theo tính toán của các hộ trồng lúa, sản xuất lúa theo quy trình an toàn đem lại thu nhập cao hơn 5 - 6 triệu đồng/ha so với canh tác lúa thường. Không chỉ được bao tiêu, mức giá bán lúa khô còn cao hơn giá thị trường 500 – 1.000 đồng/kg. Ý thức về sản xuất an toàn, an toàn lao động được nâng lên, các hộ tự giác trang bị đồ bảo hộ, thu gom rác thải tập trung và xử lý theo đúng quy định.
Giám đốc HTX Phú Lương 3, ông Lê Thẻo khẳng định: "Trước sự biến động của thị trường, cạnh tranh hàng hóa ngày càng tăng, liên kết sản xuất và hình thành chuỗi giá trị là yếu tố quyết định thành công. Để đảm phát triển bền vững, bên cạnh hiệu quả kinh tế, sản xuất an toàn mới là điều kiện tiên quyết".
Hòa Thanh