Năm 2016, HTX Nông nghiệp - Dịch vụ Ia Ring được thành lập trên cơ sở dự án khuyến nông “Xây dựng mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm hồ tiêu Chư Sê”.
Đây là HTX kiểu mới liên kết với doanh nghiệp (DN) để thu hút người trồng hồ tiêu tham gia sản xuất và tiêu thụ theo hướng an toàn, bền vững.
Mô hình mới
Chư Sê là thủ phủ hồ tiêu của tỉnh Gia Lai. Những năm trước, giá hồ tiêu tăng cao đã mang lại nguồn thu nhập ổn định cho nhiều hộ gia đình nơi đây. Tuy nhiên, thời gian gần đây, giá hồ tiêu xuống thấp đã ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống, sản xuất của người nông dân.
Trước thực tế này, năm 2016, Cục KTHT và PTNT (Bộ NN&PTNT) đã hỗ trợ Chi cục PTNT (Sở NN&PTNT Gia Lai) triển khai dự án khuyến nông “Xây dựng mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm hồ tiêu Chư Sê”.
Đặc biệt, xây dựng một HTX kiểu mới liên kết với DN theo chuỗi giá trị hồ tiêu để thu hút người trồng hồ tiêu tham gia sản xuất và tiêu thụ theo hướng an toàn, bền vững, năng suất và chất lượng.
Trên cơ sở các tổ hợp tác (THT) liên kết sản xuất hồ tiêu tại xã Ia Tiêm (huyện Chư Sê) đã hoạt động từ những năm trước còn manh mún, chưa thực sự hiệu quả, năm 2016, Chi cục PTNT đã triển khai dự án với ưu tiên kết nối với công ty Phân bón Quế Lâm Tây Nguyên, Hiệp hội Hồ tiêu Chư Sê cùng các cơ quan chuyên môn của huyện để thường xuyên mở các lớp tập huấn về quy trình sản xuất hồ tiêu bền vững.
Đặc biệt, nâng cấp các THT liên kết sản xuất hồ tiêu trước đây lên HTX, hoạt động theo mô hình liên kết với DN cung ứng vật tư nông nghiệp cùng với tiêu thụ sản phẩm theo giá cả thị trường.
Được sự quan tâm hỗ trợ của các cấp, các ngành của tỉnh và huyện Chư Sê, HTX Nông nghiệp - Dịch vụ Ia Ring được thành lập và đi vào hoạt động theo mô hình mới, qua đó từng bước phát huy hiệu quả, giúp các thành viên HTX tiếp cận và ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất.
Vườn tiêu của một thành viên HTX Ia Ring |
Hướng đi đúng đắn
Là một trong những thành viên đầu tiên của HTX, ông Đặng Văn Tám - thôn Ia Ring (xã Ia Tiêm), chia sẻ: HTX giúp người trồng hồ tiêu chúng tôi tiếp cận những tiến bộ khoa học kỹ thuật và đặc biệt là liên kết với “4 nhà” để tạo ra sản phẩm hồ tiêu chất lượng.
Bên cạnh đó, các thành viên HTX được học tập, trao đổi kinh nghiệm về kỹ thuật chăm sóc hồ tiêu chất lượng bền vững theo mô hình VietGAP, để có giấy chứng nhận xây dựng thương hiệu trong sản xuất và tiêu thụ.
“Sau 3 năm tham gia, tôi áp dụng đúng quy trình tập huấn về phát triển hồ tiêu bền vững theo hướng hữu cơ. Theo đó, chi phí đầu tư phân bón, thuốc bảo vệ thực vật giảm hơn so với trước đây. Hiện tại, vườn hồ tiêu của gia đình phát triển tốt”, ông Tám cho biết.
Cũng là thành viên của HTX, ông Nguyễn Văn Hương (cùng thôn) cho biết gia đình ông trồng khoảng 1.000 trụ hồ tiêu và tham gia tổ liên kết sản xuất hồ tiêu bền vững từ lúc mới thành lập cho đến khi thành lập HTX. Đây là nơi đại diện tổ liên kết giao dịch với các công ty phân bón và các cơ quan của tỉnh, huyện nhằm chuyển giao những tiến bộ khoa học kỹ thuật cho người dân.
“Hoạt động của HTX rất hữu ích, giúp định hướng lâu dài cho chúng tôi mở rộng thị trường và tăng lợi nhuận”, ông Hương khẳng định.
Ông Trần Quốc Hưng - Chủ tịch HĐQT HTX Nông nghiệp - Dịch vụ Ia Ring, cho biết: “Mô hình hoạt động của HTX kiểu mới liên kết với DN đang vận hành khá tốt. Năm nay, HTX liên kết với các công ty cung ứng 80 tấn phân bón các loại cùng giống hồ tiêu bảo đảm chất lượng. Hiện HTX đang tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm hồ tiêu do các thành viên HTX sản xuất”.
Nguyễn Hồng