Năm 2015, HTX Nga Yên tổ chức đại hội, chuyển đổi theo Luật HTX 2012. Sau chuyển đổi, HTX có 50 thành viên tham gia (giảm 89 thành viên) nhưng mức vốn góp là 3.000.000 đồng/thành viên (tăng 3 lần so với trước khi chuyển đổi).
Từ năm 2015 đến nay, HTX đã phát triển thêm một số khâu dịch vụ khác, như: Làm đất, tiêu thụ nông sản, gieo sạ, gặt đập, mạ khay, cấy máy.
Đẩy nhanh tiến độ sản xuất
Để đáp ứng nhu cầu phát triển của nền kinh tế, HTX Nga Yên đã đầu tư và phát triển dịch vụ mạ khay, cấy máy nhằm đem lại nhiều lợi ích cho thành viên và nông dân.
Ông Mai Đăng Bắc – Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTX, cho biết xuất phát từ việc gieo cấy truyền thống, người dân phải mất rất nhiều công sức và chi phí, nhất là những hộ gia đình thiếu nguồn lao động. Trong khi đó, nhân dân lại không có điều kiện để tiếp cận và ứng dụng các tiến bộ KH-KT tiên tiến vào sản xuất. Đây cũng là cơ hội để HTX phát triển loại hình dịch vụ này.
Khi mới đưa vào sản xuất, HTX đã thành công với quy mô 45 ha. Đến nay, HTX đang phục vụ các thành viên và người dân với trên diện tích 70 ha.
Kết quả cho thấy việc sản xuất bằng mạ khay, máy cấy so với gieo cấy thủ công đã tiết kiệm 40 – 50% chi phí đầu tư sản xuất, người nông dân bớt được ngày công lao động nhưng giá trị và hiệu quả trên cùng đơn vị diện tích được nâng cao.
Không dừng lại ở đó, dịch vụ gặt đập liên hợp cũng được các thành viên và người dân ủng hộ vì mang lại hiệu quả không nhỏ trong sản xuất.
Trước đây, khi vào vụ thu hoạch, người dân phải phụ thuộc hoàn toàn vào thợ máy phụt lúa. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ thu hoạch cũng như tiến độ sản xuất cây trồng của vụ kế tiếp.
Trước tình hình đó, HTX đã đấu nối, liên kết với một DN trên địa bàn đầu tư hai máy gặt đập liên hợp theo hình thức DN đầu tư vốn, HTX quản lý điều hành.
Năm 2016, HTX được UBND tỉnh lựa chọn xây dựng mô hình cơ giới hóa đồng bộ và được hỗ trợ 500 triệu đồng. Nhờ đó, HTX có thêm vốn mua 2 máy gặt đập liên hợp với tổng trị giá 958 triệu đồng.
Dịch vụ này đã giúp các thành viên và nông dân đẩy nhanh tiến độ thu hoạch. Các công đoạn gặt đập, đóng bao, vận chuyển đã được HTX giải quyết cơ bản, nhanh gọn.
HTX giúp nông dân yên tâm sản xuất nông nghiệp |
Sản xuất bền vững
HTX cũng bố trí 2 cán bộ kỹ thuật cùng với 1 cán bộ khuyến nông thường xuyên bám ruộng, bám đồng để nắm bắt quá trình sinh trưởng và phát triển của cây trồng cũng như diễn biến tình hình sâu bệnh để khuyến cáo nông dân chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh kịp thời.
Để các thành viên và người dân nâng cao ý thức sản xuất, HTX phối hợp với các công ty, DN, trạm bảo vệ thực vật (BVTV) của huyện, trạm khuyến nông, trung tâm học tập cồng đồng của xã… thực hiện chuyển giao KH-KT.
Trước đó, nông dân thường có thói quen vứt bao bì, vỏ chai thuốc BVTV bừa bãi ngoài đồng ruộng, kênh mương… gây ô nhiễm môi trường, nguồn nước.
Nhưng nhờ các buổi tập huấn, hội thảo chuyển giao KH-KT, các thành viên và người dân đã nắm được cách sử dụng nông dược an toàn, thu gom thuốc BVTV vào các bể chứa, sau đó đem tiêu hủy nhằm hướng tới nền sản xuất nông nghiệp bền vững.
Thông qua các buổi hội thảo, tập huấn, người dân áp dụng công nghệ sinh thái, trồng hoa trên bờ ruộng, bờ vườn để dẫn dụ thiên địch, kiểm soát các loại sâu hại trên đồng ruộng, thiết lập sự cân bằng hệ sinh thái đồng ruộng… Từ đó, giảm số lần xử lý nông dược, giảm chi phí đầu tư và nâng cao hiệu quả kinh tế trong sản xuất nông nghiệp, tăng thu nhập cho các thành viên và nông dân.
Đến nay, tổng nguồn vốn điều lệ của HTX là 300 triệu đồng. Thu nhập từ 1 ha của thành viên là 250.000 đồng, tăng 66,7% so với trước khi chuyển đổi theo Luật HTX 2012.
Ngoài tạo việc làm cho 50 thành viên, HTX còn thuê thêm 165 người để hoàn thành các dịch vụ khác. Nhờ sản xuất khoa học, HTX đã kiểm soát chặt chẽ chất lượng sản phẩm khi xuất ra thị trường. Các hợp đồng thu mua nông sản cũng được ký kết, giúp người dân chủ động trong sản xuất.
Như Yến