Hiện nay, HTX phát triển sản xuất trên diện tích 50ha với cây trồng chủ lực là cam Canh, cam V2 và cam lòng vàng. Sản phẩm của HTX là 1 trong 6 sản phẩm tham gia Chương trình “mỗi xã phường một sản phẩm” (OCOP) tại tỉnh Quảng Ninh và đã tạo được thương hiệu thông qua phương thức sản xuất theo chuỗi giá trị.
Được mùa, được giá, được thương hiệu
Được thành lập vào tháng 7/2014, lúc đầu đi vào hoạt động, HTX Vạn Yên gặp không ít khó khăn do thiếu kinh nghiệm trong quản lý, điều hành HTX.
Tuy nhiên, từ đầu năm 2016, nhờ quyết tâm sản xuất theo mô hình chuỗi giá trị, HTX đã nâng cao công tác quản lý, điều hành; tập trung xây dựng thương hiệu, liên kết chặt chẽ giữa các thành viên HTX trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm... Nhờ đó, HTX khắc phục được những yếu kém, khó khăn trong sản xuất và ngày càng hoạt động chuyên nghiệp và hiệu quả hơn.
Đến nay, sản phẩm cam tươi của HTX đã được gắn mác, bao bì OCOP, được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm. Sản phẩm của HTX từ đó đã có chỗ đứng trên thị trường và nghề trồng cam đã trở thành nghề mang lại thu nhập ổn định cho các thành viên.
Bà Lê Thị Bảy - thành viên HTX, cho biết cam Vạn Yên vốn đã có tiếng, nay tham gia OCOP nên sản phẩm được khách hàng tin tưởng hơn. Nhờ đó, giá cả cũng ổn định, đầu ra thuận lợi.
Ông Trần Văn Hậu - Giám đốc HTX, cũng cho rằng việc tham gia chương trình OCOP đã “chắp cánh” thêm cho cây cam Vạn Yên. Với quy trình sản xuất khoa học (trồng cam theo quy trình VietGAP), sự chủ động trong sản xuất, HTX đã thu hút được doanh nghiệp tham gia vào chuỗi sản xuất nông sản.
Người dân trồng cam cũng được hỗ trợ cây giống, phân hữu cơ; tham gia các lớp tập huấn chuyển giao kỹ thuật để cải thiện sản xuất, nâng cao chất lượng cây trồng chủ lực của tỉnh.
Dù hoạt động tại địa phương có truyền thống sản xuất cam, nhưng để trồng và phát triển bền vững những giống cam mà HTX đang lựa chọn là điều không hề đơn giản, nhất là trong điều kiện thời tiết nhiều biến động, sâu bệnh xuất hiện ngày càng nhiều.
Chương trình OCOP đã “chắp cánh” thêm cho cây cam Vạn Yên |
Phát triển bền vững
Để xây dựng thương hiệu, HTX quán triệt các thành viên không vì lợ ích cá nhân mà đua nhau mở rộng diện tích, không để ý đến quy trình kỹ thuật, phân bón, thuốc trừ sâu.
Tùy thuộc vào đầu ra, mỗi năm, HTX sẽ mở rộng diện tích một cách phù hợp. Bên cạnh đó, quy trình sản xuất an toàn, không sử dụng hóa chất, giúp sản phẩm của HTX giữ được vị thơm ngon, là sản phẩm sạch và được người tiêu dùng ưa chuộng.
Với quy trình sản xuất khoa học, HTX đã tạo ra những vườn cam an toàn, thoáng đãng, trong lành, từ đó thu hút khách du lịch đến tham quan, thưởng ngoạn, nhất là khi cam vào mùa. Hiện nay, vườn cam của HTX đã nằm trong điểm phát triển nông nghiệp gắn với phát triển du lịch cộng đồng của huyện Vân Đồn.
Để phát triển lâu dài và bài bản, HTX đã đầu tư xây dựng hệ thống đường, điện để hoàn thiện cơ sở hạ tầng nhằm phát triển du lịch cộng đồng, mở rộng thị trường tiêu thụ cho quả cam.
Bên cạnh đó, HTX cũng phối hợp với ngành du lịch địa phương, liên kết chặt chẽ các điểm du lịch trong huyện, tỉnh để tạo ra những sản phẩm du lịch nông nghiệp mang tính đặc thù, hấp dẫn du khách.
Việc đầu tư phát triển du lịch nông nghiệp tại HTX nông trang Vạn Yên là hết sức cần thiết khi góp phần nâng cao chất lượng và tính hấp dẫn của mô hình sản xuất, từ đó nâng cao đời sống người dân và tạo ra những sản phẩm du lịch đặc sắc.
“Chúng tôi rất mong chính quyền các cấp, doanh nghiệp, các nhà đầu tư quan tâm hơn nữa tới mô hình sản xuất của HTX để chuỗi liên kết phát triển sản xuất gắn với du lịch sinh thái theo hướng an toàn, bền vững ngày càng phát triển, giúp nông dân vươn lên làm giàu”, ông Hậu nói.
Như Yến