Sáng ngày 3/8, tại tỉnh Hà Nam đã diễn ra hội nghị “Phát triển nông nghiệp theo mô hình Chuỗi giá trị nông nghiệp công nghệ cao (CNC), tầm nhìn và chiến lược từ trong nước ra quốc tế”.
Hội nghị do UBND tỉnh Hà Nam phối hợp với Viện kinh tế Nông nghiệp hữu cơ, Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn (Bộ NN&PTNT tổ chức. Chủ tịch Nguyễn Ngọc Bảo cùng đoàn cán bộ của Liên minh HTX Việt Nam đã đến dự.
Lợi thế về trồng rau, củ
Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Văn Oang - Giám đốc Sở KH&ĐT tỉnh Hà Nam, nhận định Hà Nam hội đủ điều kiện để trở thành một địa phương chuyên canh các sản phẩm nông nghiệp như rau, củ, quả.
Cụ thể, Hà Nam nằm cuối hệ thống sông Hồng, có diện tích đất phù sa lớn, mưa nhiều, chất đất tốt, hệ thống kênh ngòi hỗ trợ cho việc tưới tiêu…
Tỉnh giáp ranh với nhiều tỉnh thành, trong vùng Đồng bằng Bắc bộ, có các tuyến đường quốc lộ chạy qua, nên giao thông thuận lợi, gần các cảng vận chuyển như Nội Bài (1,5h chạy xe), Hải Phòng (2h chạy xe)…
Trong thời gian qua, dưới sự chỉ đạo của lãnh đạo Tỉnh ủy, Hà Nam đã hình thành vùng phát triển nông nghiệp CNC, tập trung chủ yếu ở vùng hạ lưu sông Châu Giang, đặc biệt là 2 huyện Bình Lục và Lý Nhân.
Tỉnh cũng đã cam kết 10 điểm hỗ trợ cơ chế, chính sách cho DN đầu tư vào tỉnh, như cam kết cung cấp điện 24/24h, cấp giấy phép kinh doanh trong 3 ngày…
Ông Lê Thành - Viện trưởng Viện kinh tế nông nghiệp hữu cơ - cũng có chung nhận định “Hà Nam là địa phương có vị trí giao thông thuận lợi, thuận tiện trong việc đưa các sản phẩm rau củ quả sang các địa phương khác tiêu thụ, cũng như đem đi xuất khẩu. Vị trí địa lý của Hà Nam sẽ giúp chi phí logistics giảm khoảng 15 - 20% so với các nơi khác”, ông Thành bổ sung thêm.
Thêm vào đó, nguồn nhân lực của Hà Nam, ở hiện tại và tương lai rất phù hợp với mô hình nông nghiệp CNC. Ông Thành phân tích: Hiện tại, các hộ dân tại Hà Nam có truyền thống trồng các loại rau củ quả, thuận lợi cho việc triển khai. Còn trong tương lai, sinh viên từ các trường đại học được di dời về đây sẽ là nguồn nhân lực chất lượng cao rất tốt cho sự đầu tư này. Do đó, Viện Kinh tế nông nghiệp hữu cơ đã phối hợp với công ty Lavifood quyết định sẽ đầu tư nhà máy chế biến cùng các dịch vụ hậu cần trong khâu sản xuất chế biến rau, củ, quả tại Hà Nam.
Dự kiến, nhà máy này sẽ có tổng mức đầu tư lên tới 90 tỷ đồng, đạt công suất 150.000 tấn/ năm, đủ để xử lý các sản phẩm rau, củ, quả trên diện tích 1.200 - 1.500 ha. Ông Thành hy vọng sẽ nhận được sự vào cuộc của tất cả các cấp chính quyền địa phương.
“Việc xây dựng các nhà máy chế biến sẽ là lõi để phát triển các vùng trồng nguyên liệu, phát triển các tổ chức sản xuất, nhất là các HTX” |
Điểm nhấn trong phát triển kinh tế
“Với việc xây dựng nhà máy chế biến này, sẽ kéo theo hàng loạt các dịch vụ hậu cần đi kèm, như tổng kho dự trữ, dịch vụ vận chuyển… qua đó sẽ xây dựng được cả một hệ thống chuỗi giá trị cho không chỉ Hà Nam, mà còn là vùng Đồng bằng sông Hồng”, ông Thành nhấn mạnh.
Việc xây dựng chuỗi giá trị này sẽ tạo ra việc làm cho một số lượng lớn lao động trong tỉnh, giúp tăng thu nhập của người dân, từ đó tăng GDP của tỉnh.
Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam Nguyễn Ngọc Bảo nhấn mạnh việc xây dựng chuỗi hợp tác sẽ là điểm nhấn trong quá trình phát triển bền vững nền kinh tế của tỉnh.
Chủ tịch Nguyễn Ngọc Bảo phân tích, việc xây dựng các nhà máy chế biến sẽ là lõi để phát triển các vùng trồng nguyên liệu, phát triển các tổ chức sản xuất, nhất là các HTX.
Thực tiễn thời gian qua cho thấy, các HTX, hộ nông dân, chủ trang trại chỉ có gắn với chuỗi giá trị mới có thể phát triển bền vững. Trong đó, gắn với các nhà máy chế biến mới có thể phát triển bền vững, lâu dài.
Liên minh HTX Việt Nam đã cùng Viện Kinh tế nông nghiệp hữu cơ khảo sát mô hình của công ty Lavifood và nhận thấy đây là mô hình tốt để giúp người dân tiếp cận với mô hình chuỗi giá trị.
Ông Phạm Ngô Quốc Thắng - Giám đốc công ty Lavifood, cho biết nhu cầu của rau củ quả trên thế giới rất lớn, từ đó khẳng định tính đúng đắn và tương lai của chuỗi giá trị rau củ quả này. Đồng thời, ông Thắng cũng đã giới thiệu về quy trình, năng lực xử lý của nhà máy.
Phát biểu tổng kết Hội nghị, ông Nguyễn Tiến Đông, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam, ghi nhận sự quan tâm của các bên đối với tình hình nông nghiệp của tỉnh, nhất là Viện Kinh tế Nông nghiệp hữu cơ và Liên minh HTX Việt Nam.
Ông Đông cam kết sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi để dự án được triển khai và hi vọng dự án nhà máy chế biển sản phẩm của công ty Lavifood sẽ đạt được nhiều thành tựu quan trọng, góp phần vào phát triển kinh tế xã hội tại địa phương.
Hồng Nhung