Nhiều năm nay, HTX Dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Tân Tiến (phường 12, TP Đà Lạt) trở thành địa chỉ cung cấp rau sạch tin cậy ở Lâm Đồng cũng như nhiều tỉnh, thành trên cả nước. Có được điều này là do HTX sớm ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất theo hướng an toàn sinh thái.
Công nghệ là chìa khóa thành công
Chủ tịch HĐQT HTX Dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Tân Tiến, ông Mai Văn Khẩn cho biết, HTX thu hút 20 hộ thành viên sản xuất trên diện tích 40 ha. Ngoài ra, HTX còn liên kết với các hộ dân sản xuất trên 80 ha với trên 50 loại nông sản.
Các HTX tại Lâm Đồng đang dẫn đầu trong cuộc cách mạng làm nông nghiệp sạch, công nghệ cao. (Ảnh TL). |
Để phát triển bền vững, HTX đã thực hành 5 giải pháp: Cải tạo đất bằng các chế phẩm sinh học hữu cơ; đầu tư nhà kính đi đôi với mở rộng hệ thống tưới nhỏ giọt; đảm bảo vườn ươm cây giống sạch từ vật liệu giá thể, nguồn nước đến các thiết bị, máy móc vận hành; nâng cao kiến thức và kỹ thuật sản xuất cho người lao động; thường xuyên tập hợp hộ thành viên để chuyển giao quy trình sản xuất công nghệ cao gắn với thị trường.
Hàng năm, các hộ thành viên HTX đều được các đơn vị chuyên ngành nông nghiệp tập huấn, chuyển giao các quy trình kỹ thuật sản xuất rau theo tiêu chuẩn VietGAP như chuyển đổi giống mới, canh tác trên giá thể, sử dụng hệ thống tự động tưới phun mưa, nhỏ giọt, không làm xói mòn đất, thích ứng biến đổi khí hậu…
Nhờ chú trọng áp dụng khoa học công nghệ, HTX Tân Tiến hoàn toàn chủ động trong sản xuất. Diện tích sản xuất đều đủ điều kiện cấp chứng nhận VietGAP. Sản phẩm trước khi đưa ra thị trường đều dán tem nhãn truy xuất nguồn gốc rõ ràng, cam kết đảm bảo chất lượng an toàn thực phẩm đối với người tiêu dùng.
Thời gian tới, nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường, HTX tiếp tục áp dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến, trong đó phấn đấu đến năm 2025 sẽ chuyển đổi toàn bộ 40 ha diện tích rau VietGAP hiện có sang áp dụng quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ.
Tương tự, HTX Thủy canh Việt cũng đang là điển hình trong sản xuất hiệu quả ở TP.Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng, với hơn 30.000m2 nhà màng công nghệ cao chuyên trồng các loại rau, củ, quả cao cấp như: bắp cải, súp lơ, ớt ngọt, cà rốt, cà chua, dưa lưới, dưa leo, gừng… từ giống ngoại nhập.
Bắt nhịp khoa học 4.0, các thành viên HTX đã chủ động nghiên cứu, xây dựng một hệ thống điều khiển tưới tự động hoàn toàn qua nền Vạn vật kết nối Internet (IoT-Internet of Things).
Hệ thống tự động thu thập các dữ liệu về môi trường (nhiệt độ, độ ẩm, cường độ ánh sáng, lượng mưa…), kết hợp nguồn dữ liệu về sinh học của cây trồng (đường kính thân cây, diện tích lá…) để máy tự đưa ra quyết định về lượng phân bón, chế độ tưới phù hợp, qua đó giảm thất thoát, bảo vệ môi trường.
Xây dựng các chuỗi giá trị bền vững
“Hệ thống tưới kết hợp bón chất dinh dưỡng theo công nghệ tự động được lập trình sẵn nên rất thấu hiểu cây trồng, giúp năng suất, chất lượng tăng 30 – 50%. Đây cũng là điều kiện để HTX giảm trên 70% lượng phân bón, không dùng thuốc bảo vệ thực vật hóa học”, anh Nguyễn Đức Huy, Giám đốc HTX Thủy canh Việt cho biết.
Công nghệ cao là chìa khóa giúp nông sản của HTX chinh phục thị trường trong nước và xuất khẩu. (Ảnh TL). |
Mô hình sản xuất của HTX Thủy canh Việt ngoài mang lại giá trị kinh tế cho các thành viên và nông dân, còn tạo ra giá trị xã hội. Đó là việc HTX đã chia sẻ công nghệ, hỗ trợ kiến thức, kinh nghiệm sản xuất cho nông dân trong và ngoài tỉnh để làm kinh tế tập thể theo hướng nông nghiệp hiện đại.
Ở Lâm Đồng, cũng có thể kể đến HTX rau sạch Vinh Sáng, hoạt động rộng trên địa bàn TP. Đà Lạt, huyện Đức Trọng và huyện Lạc Dương. Hiện, HTX đang có 5 ha nhà kính, trồng xen canh và luân canh khoảng 10 loại rau như dâu tây, bó xôi, sú ngọt, tần ô, cà chua beef, cà chua picota, dưa leo baby, củ cải baby, cải thảo...
Theo Sở NN&PTNT Lâm Đồng, toàn tỉnh hiện đang phát triển gần 50 mô hình HTX có liên kết với hơn 2.600 hộ thành viên sản xuất ổn định, bền vững trên diện tích 2.600ha các loại cây trồng như rau, hoa các loại, cà phê, chè, lúa, trái cây, dược liệu, dâu tằm, ca cao, mắc ca…
Không chỉ chú trọng làm kinh tế, các HTX ngày càng có ý thức hơn trong việc giảm ô nhiễm khí nhà kính, bảo vệ môi trường sinh thái. Đơn cử, HTX nông nghiệp Tân Tiến, TP. Đà Lạt đã nghiên cứu xây dựng nhà kính theo kiểu bán không gian - chỉ tập trung vào phần mái, còn xung quanh sẽ thiết kế mô tơ có thể cuốn màng kính ở hai bên hông cao lên hoặc bao bởi màng lưới.
Nhà kính bán không gian giúp HTX không phải làm lỗ thông khí, hạn chế hiệu ứng khí nhà kính làm tăng nhiệt độ. Rau màu được “hít thở” khí hậu mát mẻ trong lành vốn có của Đà Lạt sẽ mang đặc trưng, hương vị riêng và hạn chế nhiễm nấm trong quá trình trồng.
Trong thời gian tới, để tiếp tục phát huy vai trò “đầu tàu” trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, tỉnh Lâm Đồng dự kiến tiếp tục nhân rộng các mô hình sản xuất hiện đại, phát huy vai trò của HTX trong liên kết phát triển sản xuất lớn, tăng cường xây dựng thương hiệu, mở rộng thị trường trong nước và xuất khẩu, từ đó mang lại giá trị bền vững cho nông dân.
Hưng Nguyên