Việc ứng dụng khoa học – công nghệ trong sản xuất nhằm phát triển nông nghiệp sạch được thị xã Đông Triều đẩy mạnh bằng việc sử dụng giống mới có năng suất, chất lượng cao, các trang trại trồng trọt sử dụng giống nuôi cấy mô, sạch bệnh, hệ thống tưới tiết kiệm, canh tác cây trồng trong nhà màng, nhà lưới hiện đại.
Đổi mới cách thức sản xuất
Đông Triều hiện có gần 900 ha trồng na, trong đó xã An Sinh chiếm khoảng 50% tổng diện tích. Để tạo ra các nông sản sạch, từ năm 2018 đến nay, các hộ trồng na trên địa bàn đã tích cực chuyển đổi diện tích trồng na truyền thống sang áp dụng quy trình VietGAP, thân thiện môi trường.
Đông Triều đang xây dựng thành công các cây trồng kinh tế chủ lực, mang lại giá trị cao. (Ảnh TL). |
HTX na dai Đông Triều đang là một trong những lá cờ đầu trong xây dựng mô hình trồng na VietGAP theo hướng hàng hóa trên địa bàn thị xã. Trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt, sản xuất sạch chính là chìa khóa vàng để HTX chinh phục thị trường.
Ông Nguyễn Minh Sơn, thành viên liên kết của HTX, cho hay nhờ sự đồng hành của địa phương và HTX na dai Đông Triều, gia đình ông triển khai canh tác hơn 1,2 ha na theo quy trình VietGAP.
Khi áp dụng quy trình VietGAP, việc sử dụng phân bón, thuốc trừ sâu, đều được gia đình ông Sơn ghi lại trong nhật ký nông vụ, đảm bảo tính hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả và thân thiện môi trường. Đơn cử, trong việc dùng phân bón, nếu trước đây cứ mỗi gốc na tốn 1 bao phân, để tự hoai mục ngấm vào đất, thì nay ông tiến hành đánh luống xung quanh gốc na, sau đó mới bón phân theo tỷ lệ và lấp đất.
“Việc áp dụng sản xuất VietGAP giúp sản phẩm na của gia đình tôi và các hộ trong xã có năng suất cao hơn 15 – 30%, mẫu mã đẹp. Đặc biệt là việc truy xuất nguồn gốc rất thuận lợi, đảm bảo tiêu chuẩn an toàn và có giá bán cao hơn”, ông Sơn chia sẻ.
Được biết, theo tiêu chuẩn đóng gói của HTX, những quả na đạt chuẩn sẽ được bọc xốp, dán nhãn có mã QR truy xuất và xếp vào thùng theo trọng lượng 10 kg trước khi dán nhãn. Với những quả na này, người tiêu dùng chỉ cần dùng phần mềm quét mã QR của điện thoại là có thể dễ dàng truy được nguồn gốc của sản phẩm.
Tăng giá trị bền vững
Bên cạnh cây na, thị xã Đông Triều với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng tuyệt vời đang phát triển mạnh mô hình trồng cây dược liệu hữu cơ, mở ra hướng đi mới, giúp hàng trăm hộ dân trên địa bàn nâng cao thu nhập, vươn lên làm giàu.
Phát huy tiềm năng này đồng thời mong muốn đáp ứng nhu cầu thị trường khi xu hướng tiêu dùng về các sản phẩm nguồn gốc tự nhiên, thân thiện với môi trường, HTX Dược liệu xanh Đông Triều được thành lập và chú trọng vào sản xuất vùng dược liệu theo tiêu chuẩn GACP – WHO.
Cây dược liệu đang mở ra hướng đi mới, hiệu quả cao cho nhiều hộ nông dân ở Đông Triều. (Ảnh TL) |
Hiện, HTX phát triển trồng ba kích, trà hoa vàng, kim ngân, hà thủ ô, địa hoàng, đinh lăng... Các loại cây dược liệu được trồng và chăm sóc theo hướng “nông nghiệp xanh”, không sử dụng phân bón, thuốc trừ sâu hóa học, đảm bảo nguồn nguyên liệu đầu vào chuẩn sạch, không gây nguy hại cho sức khỏe người dùng và môi trường thiên nhiên.
Đến nay, 10 sản phẩm dược liệu của HTX đã được đưa ra thị trường. Tất cả đều được chiết xuất 100% từ các thảo dược thiên nhiên lành tính, không hóa chất, không chất bảo quản và được kiểm soát chặt chẽ trước khi đến tay người tiêu dùng nên đảm bảo chất lượng, hiệu quả và an toàn. Đây cũng chính là nền tảng vững chắc giúp các sản phẩm của HTX Đông Triều ngày càng có chỗ đứng vững chắc trên thị trường.
Theo đại diện Phòng NN&PTNT thị xã Đông Triều, thời gian qua, thị xã đã xây dựng và hoàn thiện xong việc quy hoạch các vùng sản xuất tập trung theo hướng chuyên môn hóa, phát huy tối đa thế mạnh sản xuất trên địa bàn như xây dựng cánh đồng mẫu lớn, vùng chuyên canh cây hoa màu, rau, củ, quả…
Theo thống kê, trong 5 năm qua, thị xã đã chuyển đổi trên 800 ha đất vườn tạp, đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả. Từ đó, góp phần hình thành các vùng sản xuất tập trung trồng các loại cây chủ lực, giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Hiện, thị xã đã quy hoạch và thực hiện vùng trồng trọt với 37 vùng lúa chất lượng cao, diện tích 1.490ha; 3 vùng trồng vải tập trung với diện tích 601ha, 7 vùng trồng na dai, vùng trồng hoa tập trung tại xã Bình Khê với diện tích 30ha... Cùng với đó, thị xã cũng quan tâm phát triển các cây trồng mới có hiệu quả kinh tế cao như thanh long ruột đỏ, cam đường canh, các mô hình trồng rau an toàn…
Để tiếp tục nâng cao hiệu quả lĩnh vực nông nghiệp, thời gian tới, thị xã sẽ tiếp tục đẩy mạnh các biện pháp phát triển sản xuất nông nghiệp tập trung gắn với an toàn sinh thái.
Đặc biệt với lĩnh vực trồng trọt, thị xã sẽ tập trung chuyển đổi phù hợp chủ trương tái cơ cấu ngành nông nghiệp, nhằm thu hút nguồn lực đầu tư, tập trung đẩy mạnh cơ giới hóa, chuyển giao khoa học công nghệ, khuyến nông, hỗ trợ xây dựng thương hiệu nông sản có lợi thế. Đồng thời, đẩy mạnh ngành công nghiệp chế biến, tạo ra sản phẩm giá trị và tiêu thụ nông sản lâu dài cho người dân.
Nhật Minh