Mùa hè là thời điểm các HTX nghề muối ở miền Bắc tập trung sản xuất muối, nhưng trên nhiều cánh đồng muối hiện nay, số diện tích sản xuất đã bị thu hẹp.
Diêm dân không còn mặn mà
Cánh đồng muối của HTX Tam Đồng (Thái Bình) hiện chỉ còn một vài thành viên lớn tuổi làm việc. Dù đã chú trọng đầu tư theo hướng sản xuất sạch, nhưng diện tích bỏ hoang của HTX đã lên đến 70%, diện tích sản xuất chỉ còn gần 5ha.
Sản xuất giảm, nhưng đầu ra cũng không dễ dàng. Hiện, kho muối của các thành viên HTX Tam Đồng vẫn cao ngất vì chỉ chờ vào nhu cầu tiêu thụ của các làng nghề sản xuất nước mắm, mắm tôm, còn tiêu thụ trong dân rất ít. Một trong những nguyên nhân khiến muối của các thành viên khó tiêu thụ là do độ mặn thấp hơn so với sản phẩm ở các tỉnh phía Nam.
Được đánh giá cao hơn về chất lượng muối, nhưng ông Trần Thanh, Giám đốc HTX muối Khánh Nhơn (Ninh Hải, Ninh Thuận) cho biết, HTX cũng gặp khó khăn trong quá trình sản xuất.
Hiện nay, với lợi thế nguồn nước biển ngầm, các thành viên thực hiện khoan lòng đất lấy nguồn nước lên sản xuất muối. Cùng với đó, khí hậu nắng nóng cao giúp muối của HTX có độ mặn lớn. Tuy nhiên, muốn dẫn nước ngầm vào làm muối, HTX phải đầu tư tiền khoan giếng và nhiều chi phí khác.
Sản xuất muối phơi nước được các HTX ở miền Nam áp dụng. |
“Để khoan được chỗ có độ mặn cao thì chi phí sẽ vào khoảng 30-40 triệu đồng/m, ngoài ra thành viên còn phải đầu tư tiền làm đường điện, làm đường để vận chuyển muối mới có thể thu hút được doanh nghiệp và giúp thành viên đỡ vất vả”, ông Thanh chia sẻ.
Sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, chưa có cơ sở hạ tầng đồng bộ là thực trạng chung của không ít HTX nghề muối. Theo thống kê của Bộ NN&PTNT, hiện cả nước có 19 tỉnh, thành phố sản xuất muối, trong đó miền Bắc có 6 tỉnh, miền Trung có 6 tỉnh, miền Nam có 7 tỉnh với diện tích sản xuất khoảng 13 nghìn ha, trong đó phần lớn là do các HTX, tổ hợp tác sản xuất. Tuy nhiên, từ Hà Tĩnh trở ra các tỉnh miền Bắc hiện nay chủ yếu áp dụng phương pháp làm muối phơi trên cát, còn các tỉnh miền Nam sản xuất theo phương pháp phơi nước. Và trên thế giới hiện nay cũng chỉ còn Việt Nam duy trì phương thức sản xuất này.
Sản xuất muối bằng phương pháp phơi cát giúp HTX thu được những hạt muối nhẹ, có vị ngọt hậu, chứa nhiều yếu tố vi lượng tốt cho sức khỏe. Một số quốc gia như Hàn Quốc và Nhật Bản lại rất ưa chuộng loại muối được sản xuất bằng phương pháp này. Thế nhưng, tại hầu hết các HTX sản xuất muối, những giá trị đặc trưng chưa được phát huy, nên xảy ra tình trạng người dân, thành viên HTX nghề muối không mặn mà với nghề.
Hướng tới đa dạng hóa sản phẩm
Phát triển nghề muối là một trong những thế mạnh của Việt Nam. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, nghề làm muối hiện phụ thuộc nhiều vào thời tiết. Bên cạnh đó, muối làm ra chủ yếu là đóng bao bán thô nên thường bị ép giá. Cơ sở hạ tầng đồng muối của các HTX xuống cấp dẫn tới năng suất, chất lượng không cao. Việc áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất chưa được quan tâm nhiều nên tổn thất sau thu hoạch vẫn còn lớn.
“Việc phụ thuộc nhiều vào nguồn thu mua từ các cơ sở chế biến thủy hải sản, khiến khâu tiêu thụ muối của thành viên bị động, giá muối bất ổn”, ông Trần Thanh, Giám đốc HTX muối Khánh Nhơn cho biết.
Cùng với đó là khả năng và tính liên kết sản xuất - tiêu thụ muối giữa HTX và doanh nghiệp còn hạn chế khiến người dân, thành viên luôn rơi vào cảnh bất lợi.
Để giải quyết được những khó khăn trên, vấn đề đặt ra là các địa phương cần vào cuộc, hỗ trợ HTX quy hoạch lại diện tích sản xuất muối để có thể giảm chi phí, nâng chất lượng hạt muối, bảo đảm xây dựng được chuỗi giá trị ổn định.
Theo các chuyên gia, điều đầu tiên là cần quan tâm hỗ trợ các HTX phát triển đồng bộ, cố gắng đa dạng hóa sản phẩm thông qua đầu tư chế biến nhằm khai thác lợi thế của từng vùng miền.
Chẳng hạn như ở miền Bắc, các HTX cần tập trung vào sản xuất muối theo phương pháp thủ công, sản xuất ra các loại muối giàu vi chất, tốt cho sức khỏe nhằm đáp ứng nhu cầu sử dụng muối của người tiêu dùng miền Bắc, đồng thời có thể đa dạng hóa sản phẩm muối theo hướng kết hợp giữa muối ăn, muối sức khỏe, muối làm đẹp để có thể xuất khẩu cho các nước có nhu cầu muối nhạt.
Còn các HTX ở miền Nam nên tập trung nhiều hơn vào sản xuất muối công nghiệp, muối phơi nước. Tuy nhiên, cần hỗ trợ các HTX hoàn thiện cơ sở hạ tầng, logistics để hạ chi phí sản xuất.
HTX muối Tuyết Diêm (Phú Yên) là một trong những điển hình về thích ứng với thị trường. Không còn những vụ muối mặn chát như trước, vụ muối năm nay, các thành viên HTX đã giảm bớt được khó khăn nhờ chú trọng sản xuất theo chuỗi giá trị. HTX chuyển từ sản xuất muối nền sang sử dụng bạt chuyên dụng, thực hiện khoan giếng sâu 10m ngay tại ruộng để lấy nước biển sạch lên làm muối, nên muối luôn đạt chất lượng cao và thu hút được doanh nghiệp thu mua, không còn tình trạng muối tồn kho.
Sản xuất muối thảo dược tại HTX Hải sản Nguyên Phát giúp nâng cao giá trị và mở rộng đầu ra cho hạt muối. |
Để giúp HTX phát triển bền vững, Liên minh HTX Việt Nam đã hỗ trợ HTX thiết bị, công nghệ sản xuất kinh doanh (bạt nhựa, máy bơm, ống nhựa, dây điện, máy vi tính, phần mềm, máy in), đồng thời cùng các ban ngành tư vấn, hỗ trợ HTX tổ chức và hoạt động theo chuỗi giá trị, từ đó góp phần nâng cao thu nhập của thành viên và phát triển nghề muối.
Hay như HTX Hải sản Nguyên Phát (TP.Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) đã đẩy mạnh thu mua muối cho thành viên và người dân, sau đó xây dựng nhà kho, nhà xưởng chế biến muối. Hiện, HTX tiến sản xuất muối ủ thảo dược để tiêu thụ trong nước và xuất khẩu. Bà Cao Thị Diệu Thúy, Giám đốc HTX cho biết, những tháng đầu năm nay, HTX đã xuất bán được khoảng 5 tấn muối ủ thảo dược sang Hàn Quốc và Nhật Bản với giá cao gấp hàng chục lần so với muối thô, từ đó giúp bảo đảm thu nhập cho thành viên.
Theo thống kê, nhu cầu sử dụng muối phục vụ sinh hoạt và phục vụ ngành công nghiệp chế biến của Việt Nam hiện vào khoảng 1,5-1,6 triệu tấn/năm, dự báo đến năm 2030 đạt khoảng 2 triệu tấn/năm. Tuy nhiên, mỗi năm, Việt Nam vẫn phải nhập khẩu 500 nghìn tấn muối, trong khi năng lực sản xuất muối từ các HTX, doanh nghiệp có nhiều dư địa để tăng lên. Chính vì vậy, việc các HTX nâng cao giá trị hạt muối bằng việc đầu tư cơ sở hạ tầng kết hợp chế biến là giải pháp căn cơ.
Điều này không chỉ giúp các HTX nghề muối nâng cao năng lực cạnh tranh với tư thương trong hoạt động sản xuất kinh doanh, mà còn từng bước thu hút sự liên kết của doanh nghiệp trong quảng bá sản phẩm, xây dựng thương hiệu cho ngành muối.
Huyền Trang