HTX Nam Hưng thành lập vào tháng 12/2008 với 16 thành viên. Đến năm 2014, HTX chuyển đổi theo Luật HTX 2012, thực hiện sản xuất trên cánh đồng lớn 53ha và liên kết với các doanh nghiệp sản xuất lúa giống và lúa lương thực.
Giải quyết ô nhiễm môi trường
Với định hướng phát triển theo chuỗi giá trị, mô hình sản xuất của HTX đã nhận được sự hỗ trợ của địa phương và các các ban ngành. Đến nay, HTX có một trạm bơm điện với công suất 2.100 m3/giờ, hệ thống điện ba pha, nhà trạm, công cụ dụng cụ... đã giúp cho quá trình sản xuất của các thành viên trở lên dễ dàng và thuận tiện.
Bên cạnh đó, HTX huy động thành viên góp vốn bổ sung đầu tư 2 giàn xới tay và 3 máy bơm chạy dầu trị giá gần 100 triệu đồng. HTX đã được Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh đào tạo tập huấn, hướng dẫn sản xuất lúa theo quy trình mới.
Theo đó, các thành viên áp dụng kỹ thuật sản xuất 3 giảm, 3 tăng (giảm lượng giống gieo, giảm lượng phân bón, giảm thuốc trừ sâu; Tăng năng suất, tăng chất lượng và tăng hiệu quả).
Sản xuất theo mô hình cánh đồng lớn giúp thuận tiện cho việc áp dụng khoa học kỹ thuật, cơ giới hóa, từ đó hạn chế ô nhiễm môi trường. |
Theo ban giám đốc HTX, thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) đa số đều có tính hóa học cao. Việc sử dụng nhiều lượng, nhiều lần sẽ đem lại nguy cơ có hại cho cây trồng và môi trường nước và đất. Nếu bà con áp dụng tốt kiến thức về phòng trừ dịch hại tổng hợp (IPM), gieo sạ đúng liều lượng hạt giống chất lượng tốt, bón phân cân đối, hợp lý, sử dụng những loại phân bón chuyên dùng cho lúa có bổ sung các nguyên tố dinh dưỡng trung vi lượng thì việc hạn chế sâu bệnh sẽ tốt hơn. Khi áp dụng 3 giảm thì năng suất không giảm mà có chiều hướng tăng và điều chủ yếu là tăng lợi nhuận cho người nông dân trồng lúa.
Bên cạnh đó, HTX cùng địa phương xây dựng bể đựng và xử lý vỏ bao thuốc BVTV, tiến hành tập huấn và hướng dẫn người dân xử lý đúng cách bao bì đựng thuốc.
Nhờ đó, thành viên và người dân có ý thức hơn đối với việc xúc sạch vỏ bao thuốc BVTV trước khi bỏ vào bể chứa. Lượng vỏ bao sau khi được thu gom về bể chứa được xử lý bằng cách ngâm và rửa lại bằng nước vôi trong một thời gian nhất định trước khi trở thành rác thông thường.
Từ một vài bể ban đầu, đến nay, HTX đã cùng người dân và chính quyền địa phương đầu tư xây dựng được hàng chục bể chứa vỏ bao thuốc BVTV tại các điểm thuận tiện trên cánh đồng, giúp giảm đáng kể tình trạng ô nhiễm môi trường, đồng ruộng từ bao bì đựng thuốc BVTV.
Ngoài ra, HTX còn hướng dẫn người dân thu gom rơm để bán hoặc thu gom rơm để ủ phân hữu cơ. Cách làm này giúp tăng độ màu mỡ cho diện tích đất canh tác, hạn chế chi phí đầu tư và điều quan trọng hơn là góp phần giải quyết bài toán ô nhiễm môi trường do đốt rơm rạ sau mỗi vụ thu hoạch.
Ổn định đầu vào và đầu ra
Nhờ sản xuất khoa học, lúa của HTX đáp ứng được các yêu cầu thu mua của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, HTX còn củng cố và tạo lòng tin đối với bà con nông dân. Số lượng người dân làm đơn xin tham gia HTX ngày càng nhiều, trong đó có đảng viên, đoàn viên, nông dân, phụ nữ, cựu chiến binh…Đến nay, HTX có 46 thành viên, diện tích canh tác 52ha, 15ha sản xuất lúa giống, 37ha sản xuất lúa lương thực.
Đối với15ha HTX lúa giống, HTX liên kết với Trung tâm giống Bạc Liêu cung cấp giống đầu vào và bao tiêu đầu ra. Đối với lúa lượng thực, 10ha HTX ký hợp đồng với Công ty giống cây trồng Miền Nam bao tiêu sản phẩm, sản xuất cây lúa lai F1, năng suất khoảng 9-10 tấn/ha; 27ha HTX liên kết với Nhà máy Vĩnh Lộc An Giang trực tiếp thu mua lúa cao sản của nông dân với năng suất bình quân khoảng 5-7 tấn/ha. Doanh thu bình quân khoảng 100 triệu đồng/ha/năm, thu nhập của thành viên cũng dần dần ổn định và tăng lên.
Dịch vụ sấy lúa giúp kéo dài thời gian bảo quản, nhất là vào mùa mưa lũ. |
Hiện tại, ngoài sản xuất lúa, HTX còn cung cấp dịch vụ nông nghiệp: bơm tưới, làm đất, sấy lúa cho 107ha đất cho nông dân, mỗi năm 3 vụ với chi phí hợp lý. HTX cũng duy trì mối liên kết 4 nhà: nhà khoa học, nhà nước, nhà nông và doanh nghiệp để phát triển theo hướng bền vững, bảo vệ môi trường và có đầu ra ổn định.
Kể từ khi thành lập đến nay đã 8 năm, HTX Nam Hưng trải qua biết bao thăng trầm trong hoạt động, có lúc tưởng chừng như phải giải thể vì không có hướng đi rõ ràng. Tuy nhiên nhờ sự đổi mới trong việc chuyển đổi theo Luật HTX 2012, HTX giúp người dân gắn bó với đồng ruộng, đưa sản xuất thích ứng với kinh tế thị trường nhờ đa dạng dịch vụ và sản xuất theo hướng hàng hóa bền vững. Đây cũng là mô hình kinh tế tiêu biểu được các cấp ngành lấy làm điểm để nhân rộng.
Huyền Trang