Đan cỏ bàng vốn là nghề truyền thống của người dân xã Phú Mỹ. Ngày trước, nghề đan cỏ bàng chỉ là công việc kiếm thêm thu nhập vào thời điểm nông nhàn, hoặc vào những thời điểm khó khăn, ít việc. Đã có thời, diện tích lớn cỏ bàng bị bỏ hoang, nghề thủ công mỹ nghệ bị mai một. Nhưng với quyết tâm của HTX Phú Mỹ và các thành viên là đưa nghề này trở thành nghề chính, đan cỏ bàng tưởng chừng đã bị mai một thì nay đã "hồi sinh" và có bước phát triển ổn định, mang lại thu nhập cho người dân nơi đây.
Sản phẩm "xanh", thân thiện môi trường
Đến thăm HTX Phú Mỹ bất kỳ thời điểm nào trong năm, du khách sẽ thấy rất nhiều sản phẩm được tạo ra từ cỏ bàng như túi thời trang, nón, giỏ xách, chiếu, đệm, hộp đựng viết… trông rất tinh tế và đẹp mắt.
Theo Ban giám đốc HTX, các thành viên và người dân giờ ngoài đan cỏ bàng truyền thống thì còn học thêm những cách đan mới, làm ra nhiều sản phẩm theo xu thế thị trường. Khi sản phẩm làm ra, HTX thu mua lại và xử lý thêm các khâu may hậu kỳ, rồi xuất bán. Hiện, HTX liên kết được với một số đối tác tiêu thụ sản phẩm.
Khi liên kết với doanh nghiệp, các đơn vị này có đội ngũ thiết kế chuyên nghiệp, trực tiếp hướng dẫn thành viên và bà con sản xuất những sản phẩm cao cấp từ cây cỏ bàng, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách cũng như tăng giá trị sản phẩm.
Niềm vui của người dân với những sản phẩm đẹp mắt và thân thiện môi trường từ cỏ bàng. Ảnh TL. |
Việc tự tay làm những sản phẩm từ nguyên liệu dân dã, đồng quê, đưa sản phẩm đi các tỉnh, thành trong cả nước là niềm tự hào, khơi dậy khả năng sáng tạo của thành viên, người dân.
Nhờ chinh phục được thị trường, năm 2019, HTX đạt doanh thu trên 1 tỷ đồng và ký được nhiều đơn hàng lớn từ các đối tác ở TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Quảng Nam... Đặc biệt, các đơn hàng từ các khách sạn đặt túi xách, mũ, thố đựng gia vị ngày càng tăng khi nhu cầu thay thế các sản phẩm nhựa đang được nhân rộng.
“Với đặc tính chống ẩm về mùa đông và thoáng mát về mùa hè, đặc biệt là có thể thay thế các sản phẩm nhựa góp phần bảo vệ môi trường, hiện các sản phẩm làm từ cây cỏ bàng đang được thị trường đón nhận”, anh Lý Hoàng Bảo, Giám đốc HTX cho biết.
Giám đốc HTX Phú Mỹ cũng cho biết thêm, HTX đang tập trung vào các dòng sản phẩm hữu dụng như: giỏ đựng bình giữ nhiệt, nệm em bé, đệm văn phòng, túi xách... bằng cỏ bàng, không sơn phết hay xử lý bảo quản để chinh phục thị trường nước ngoài. Ban đầu, khách chủ yếu là giới văn phòng, nay có thêm công ty du lịch, tiểu thương các chợ cũng lấy hàng để bán lại cho du khách. Nhiều khách hàng hài lòng quay lại đặt thêm sản phẩm và giới thiệu bạn bè cùng mua.
Bảo tồn vùng cỏ bàng và sếu đầu đỏ
Để sản xuất ổn định, HTX cần có nguồn nguyên liệu lớn. Chính vì vậy, làm thành phẩm, HTX kết hợp cùng địa phương trồng và bảo tồn diện tích cỏ bàng có sẵn.
HTX chú trọng đầu tư phân bón, hướng dẫn người dân cách chăm sóc thu hoạch đúng cách (nhổ cả cây chứ không cắt) để cỏ bàng không bị kiệt quệ. Nhờ sự hỗ trợ của một dự án, người dân đã bảo tồn những khu vực đất ngập nước, tạo môi trường thuận lợi cho cỏ bàng phát triển. Kết quả là HTX đã bảo vệ được 1.200ha đồng cỏ, phục hồi gần 80ha và trồng mới 20ha cỏ bàng.
Cỏ bàng cho thu hoạch quanh năm, nhưng nhiều nhất là vào mùa nước nổi, từ tháng 8 - 11 hàng năm. Nhờ đó, sếu đầu đỏ là loài chim đẹp, quý hiếm, có tên trong sách Đỏ thế giới và Việt Nam đã chọn nơi đây làm nơi trú ngụ. Đây là điều mà người dân xã Phú Mỹ rất vui mừng vì trước đây, có một thời gian do người dân khai thác tự do, tận diệt cỏ bàng, khiến cây mai dương xâm lấn, nên diện tích cỏ bàng dần thu hẹp, là một trong những nguyên nhân biến đổi khí hậu. Đây cũng là nguyên nhân làm sếu sợ hãi bay đi, sinh kế của người dân cũng bị ảnh hưởng.
Người dân thu hoạch cỏ bàng. |
Theo Ban giám đốc HTX, giờ đây, những cánh đồng cỏ bàng mọc um tùm xưa kia đã trở thành vùng nguyên liệu đắt giá cho các sản phẩm thân thiện môi trường. Hiện, bình quân mỗi thành viên trong HTX có thể kiếm thêm trên dưới 3 triệu đồng/tháng từ đan cỏ bàng.
Hiện, nguồn cỏ bàng có sẵn nên HTX Phú Mỹ nghiên cứu quy trình sản xuất ống hút từ cỏ bàng nhằm đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Song song đó là thực hiện quản lý việc khai thác hợp lý, không làm kiệt quệ hệ sinh thái đồng cỏ, từ đó đảm bảo phát triển được làng nghề truyền thống bền vững và sinh kế ổn định cho người dân.
Như Yến