Xã Nậm Đét hiện có tổng diện tích trồng quế trên 1.700 ha, trong đó có 1.200 ha đang cho thu hoạch, trên 500 ha rừng quế được cấp chứng nhận quế hữu cơ. Với giá trị kinh tế cao, tiêu thụ dễ dàng, phong trào trồng quế đã lan tỏa ra 6/8 thôn của xã, với tổng số hơn 400 hộ tham gia.
Phát huy thế mạnh
Sản xuất quế trên diện tích lớn, song quy mô sản xuất nhỏ lẻ, thiếu liên kết, hoạt động xúc tiến thị trường lỏng lẻo khiến năng suất, chất lượng quế chưa cao, thị trường chịu sự thao túng của tư thương, người trồng quế thường xuyên phải đối mặt với tình trạng bị ép giá.
Trước đòi hỏi từ thực tiễn, HTX Quế hữu cơ Nậm Đét được thành lập, đứng ra điều hành sản xuất, tổ chức mạng lưới thu mua đặt tại vùng trồng quế, mở rộng đầu ra, nâng cao giá trị sản xuất, bảo vệ quyền lợi và an toàn lao động (ATLĐ) cho người dân.
HTX Nậm Đét hiện có 7 thành viên đều là những hộ trồng, kinh doanh quế lâu năm tại địa phương. Bên cạnh phát triển các sản phẩm quế, HTX còn triển khai đồng thời các ngành nghề khác như bán buôn nông - lâm sản nguyên liệu, trồng cây gia vị, dược liệu, trồng và chăm sóc rừng...
Ông Triệu Phúc Vẩy - Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTX, chia sẻ: “HTX ra đời với mục tiêu tạo việc làm cho 100 lao động trở lên, xây dựng vùng sản xuất quế hữu cơ đáp ứng tiêu chuẩn và hợp tác với các công ty, doanh nghiệp để chế biến sản phẩm quế xuất khẩu sang các thị trường cao cấp với giá trị cao”.
Để hiện thực hóa mục tiêu, ngay sau khi thành lập, HTX đã đẩy mạnh đầu tư KH-KT, hiện đại hóa cơ sở vật chất, nhà xưởng, kho bãi, máy móc… với quyết tâm xây dựng quy trình sản xuất, chế biến, tiêu thụ quế khoa học, bảo đảm điều kiện ATLĐ, hướng đến sự phát triển bền vững.
Cơ giới hóa gắn với ATLĐ, HTX đẩy mạnh hoạt động đào tạo, nâng cao kỹ thuật chăm sóc, khai thác, chế biến quế theo tiêu chuẩn an toàn cao, hoạt động sử dụng máy móc trong quá trình thu hoạch, bảo quản cũng được giám sát chặt chẽ, bảo đảm an toàn và hiệu quả.
Cây quế đang mang lại cho người dân Nậm Đét nguồn thu hơn 20 tỷ đồng/năm |
Vị “ngọt” từ quế
Chia sẻ về sự ra đời của HTX, Giám đốc Triệu Phúc Vẩy cho biết: “Trước đây, tuy cây quế sinh trưởng và phát triển tốt tại địa phương nhưng việc mạnh ai nấy làm, KH-KT chưa được coi trọng, tỷ lệ chế biến thấp… khiến sản phẩm quế chủ yếu chỉ được bán ở dạng thô, giá trị không cao”.
Ngoài ra, hệ thống đường giao thông nhỏ hẹp khiến quá trình thu hoạch quế gặp nhiều khó khăn, nhiều sản phẩm phụ của cây quế như cành lá quế, gỗ quế không thể vận chuyển ra khỏi nương quế để tiêu thụ được, gây thất thoát và lãng phí lớn.
Với những hoạt động tích cực, HTX đang có những đóng góp quan trọng trong việc đưa cây quế trở thành cây trồng chủ lực tại địa phương. Đến nay, xã Nậm Đét đã xây dựng và vận hành 2 xưởng sơ chế quế trên địa bàn xã, phục vụ nhu cầu của gần 50% người dân trồng quế.
“Quế sau khi sơ chế có giá trị cao gấp 2 - 3 lần so với quế thô đã góp phần nâng cao thu nhập cho người dân. Riêng năm 2018, thu nhập bình quân người trồng quế tăng 23% so với năm 2017. Thu nhập từ cây quế đem lại cho nền kinh tế địa phương ước đạt trên 20 tỷ đồng/ năm”, Giám đốc Triệu Phục Vẩy cho hay.
Hơn 10 năm phát triển mô hình trồng quế, anh Triệu Kim Vảng (thôn Nậm Tống Hạ) chia sẻ: “Nhờ tuân thủ đúng quy trình sản xuất an toàn, áp dụng kỹ thuật mới, 4 ha đồi quế của nhà tôi đang cho thu hoạch ổn định. Căn nhà 3 tầng gần 1 tỷ đồng, tivi, tủ lạnh, xe máy… của nhà tôi hiện tại đều là từ cây quế mà ra”.
Hưng Nguyên