Nhận thấy thế mạnh của địa phương có truyền thống trồng rau màu với điều kiện thổ nhưỡng và khí hậu thuận lợi, những người đứng đầu HTX Nà Tu bàn bạc và thống nhất với các thành viên tập trung chuyên canh cây rau màu thay cho việc sản xuất nhiều lĩnh vực (tinh dầu sả, sản xuất đũa, chế biến lâm sản…) như trước.
Thay đổi phương thức sản xuất
Cẩm Giàng là một xã của huyện Bạch Thông và giáp với TP Bắc Kạn nên đầu ra cho nông sản tương đối rộng mở. Đặc biệt là thời gian gần đây, khách du lịch đến ngày một đông đã tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất rau màu theo hướng hàng hóa.
Tuy nhiên, các thành viên và người dân vốn quen với lối canh tác truyền thống, không chú trọng áp dụng khoa học kỹ thuật, lại lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật nên rau màu chỉ đạt số lượng mà không bảo đảm được chất lượng. Đi liền với đó là tình trạng ô nhiễm môi trường, đặc biệt là đất trồng thị thoái hóa, khô cằn theo thời gian.
Để giải quyết tình trạng này, HTX chủ động chuyển đổi hình thức sản xuất từ nhỏ lẻ, không bảo đảm chất lượng sang sản xuất tập trung gắn liền với bảo vệ môi trường sinh thái.
Hạn chế sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật hóa học trong sản xuất giúp bảo đảm chất lượng nông sản và bảo vệ môi trường. |
Để làm được điều này, các thành viên chuyển đổi và góp ít nhất 1.000m2 đất, tạo thành vùng sản xuất rộng lớn, đồng thời làm quen với quy trình trồng rau an toàn bằng cách tham gia các lớp tập huấn, hướng dẫn từ khâu làm đất, chọn giống, chăm sóc, thu hoạch… HTX luôn kiểm soát chặt chẽ việc sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật. Do vậy, HTX đã được Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản tỉnh Bắc Kạn cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn về thực phẩm cho sản phẩm rau.
Đây là cơ hội để HTX tiếp cận với các thị trường trong và ngoài tỉnh, đồng thời giải "bài toán" ô nhiễm môi trường. Chị Hoàng Thị Thủy, thành viên HTX cho biết, canh tác theo quy trình VietGAP giúp giảm hẳn việc dùng phân bón, thuốc trừ sâu hóa học. Thậm chí, đối với trồng cà chua, các thành viên còn không sử dụng một hóa chất bảo vệ thực vật nào.
Chỗ dựa cho nông dân
Hiệu quả thực hiện mô hình sản xuất rau an toàn tại HTX Nà Tu đã tạo ra sự khác biệt với cách làm cũ, không chỉ 47 hộ thành viên mà nhiều nông dân trong xã cũng có sự thay đổi rõ nét về nhận thức và kỹ thuật sản xuất rau an toàn.
Hiện tại, HTX tập trung trồng một số loại rau như: bắp cải, cà chua, rau bí, các loại rau cải, khoai tây... Theo Ban giám đốc HTX, trồng rau an toàn giúp thành viên có thu nhập bình quân đạt 5 triệu đồng/người/tháng. Hộ có thu nhập cao nhất đạt trên 150 triệu đồng/năm.
Thấy được hiệu quả từ mô hình sản xuất của HTX Nà Tu, huyện Bạch Thông đã hỗ trợ HTX đầu tư hệ thống nhà màng trên diện tích 1.000m2. Trong đó, có hệ thống tưới phun sương, giếng khoan, đường điện… phục vụ trồng các loại rau ăn lá. Nhờ hệ thống lưới bao quanh nên ngăn cản được côn trùng xâm nhập phá hoại. Việc này giúp HTX giảm tối đa sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hóa học, rau dễ dàng đạt tiêu chuẩn an toàn.
Đầu tư trồng rau trong nhà lưới giúp nâng cao hiệu quả kinh tế và môi trường. |
Ngoài tập trung sản xuất rau an toàn, HTX còn tổ chức nuôi gà ta quy mô hơn 1.000 con với 5 hộ tham gia. Dịch vụ này không chỉ nâng cao thu nhập cho thành viên, đa dạng sản phẩm mà còn tạo nguồn phân bón phục vụ sản xuất rau.
Nhờ lựa chọn ngành nghề sản xuất phù hợp với thực tiễn, phát huy được tiềm năng, thế mạnh của địa phương, tổ chức sản xuất khoa học nên mô hình của HTX đã và đang phát huy hiệu quả kinh tế, nâng cao ý thức bảo vệ môi trường của người dân. HTX cũng trở thành cầu nối giữa chính quyền với người nông dân, là chỗ dựa của thành viên trong việc tổ chức sản xuất, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật.
Hiện, HTX phối hợp với Sở Công Thương, Liên minh HTX tỉnh tổ chức xúc tiến thương mại nhằm tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm nông sản cho thành viên, đồng thời tuyên truyền, hỗ trợ người dân tham gia hoặc liên kết với HTX để thuận tiện cho việc mở rộng sản xuất.
Như Yến