Phát biểu tại Hội nghị Ban Chấp hành Liên minh HTX Việt Nam lần thứ 2 khóa VI, nhiệm kỳ 2020-2025 diễn ra ngày 8/3, Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam Nguyễn Ngọc Bảo cho biết, đối với HTX, phát triển sản phẩm là điều vô cùng quan trọng, muốn phát triển và xây dựng thương hiệu cho sản phẩm thì phát triển theo chuỗi là điều các HTX không thể bỏ qua.
Điểm nhấn từ chuỗi giá trị
Để người tiêu dùng có được một sản phẩm chất lượng, HTX phải trải qua 3 quy trình đó là: làm dịch vụ đầu vào như: phân bón, thức ăn chăn nuôi, kỹ thuật…; sản xuất ra sản phẩm và dịch vụ đầu ra gồm: thu hoạch, sơ chế, chế biến, liên kết tiêu thụ sản phẩm…
Tuy nhiên, do sản xuất nhỏ lẻ, không ít HTX chỉ tập trung vào công đoạn sản xuất, còn việc liên kết đầu vào và đầu ra thường bị bị bỏ ngỏ. Từ đó, gây khó khăn trực tiếp cho thành viên và người dân, dẫn đến tình trạng đứt gãy trong sản xuất và rơi vào tình trạng “được mùa, mất giá”.
Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam Nguyễn Ngọc Bảo đánh giá cao vai trò của các chuỗi giá trị trong việc nâng cao hiệu quả của các HTX. |
Để khắc phục khó khăn này, việc phát triển mô hình HTX kiểu mới theo mô hình chuỗi giá trị là hướng đi đúng đắn, giúp HTX thích ứng với thị trường. Đặc biệt hiện nay, mô hình kinh tế tập thể, HTX được đánh giá là đóng vai trò nòng cốt trong việc phát triển kinh tế xã hội.
Trên thực tế, việc phát triển chuỗi giá trị cho các HTX trong nhiều năm nay đã được Liên minh HTX Việt Nam dành nhiều nguồn lực hỗ trợ, nhất là 3 năm gần đây. Theo báo cáo tại Hội nghị, trong giai đoạn 2018-2020, Liên minh HTX Việt Nam đã hỗ trợ xây dựng 185 mô hình HTX phát triển theo chuỗi giá trị ở 63 tỉnh, thành phố. Trong đó có 182 mô hình HTX trong lĩnh vực nông nghiệp, 3 mô hình HTX phát triển trong lĩnh vực phi nông nghiệp.
Điều này cho thấy chủ trương của BCH Liên minh HTX Việt Nam là hoàn toàn đúng đắn, tiếp tục đưa mục tiêu phát triển HTX theo chuỗi giá trị trở thành xu thế trong thời gian tới. Đặc biệt, thông qua các mô hình chuỗi giá trị này, bản thân các HTX đã nâng cao hiệu quả sản xuất khi đảm bảo được đầu vào cho thành viên, kết nối được với các doanh nghiệp lớn để mở rộng đầu ra, thậm chí là đầu tư cho sơ chế, chế biến để nâng cao giá trị sản phẩm.
Tiêu biểu như HTX thủy sản Xuyên Việt, HTX thanh long Tầm Vu, HTX thanh long Mỹ Tịnh An, HTX Rạch Gầm… Cũng phải nói thêm, việc xây dựng chuỗi giá trị gắn với xây dựng HTX đã giúp các thành viên trong các HTX có tiếng nói mạnh mẽ hơn, có năng lực đàm phán trong giao dịch với đối tác là các doanh nghiệp ở trong và ngoài nước.
Hướng tới mục tiêu bền vững
Xây dựng HTX phát triển theo chuỗi giá trị là một trong những giải pháp quan trọng, hướng tới hoàn thành mục tiêu phát triển bền vững của toàn ngành nông nghiệp. Thời gian qua, một số HTX đã phát triển sản xuất theo mô hình chuỗi giá trị và đạt được hiệu quả rõ rệt, tuy nhiên số lượng chưa nhiều và chưa phân bổ đều ở các lĩnh vực, ngành nghề.
Nguyên nhân là do hoạt động sản xuất của HTX ở nhiều vùng trên cả nước vẫn mang tính nhỏ lẻ, manh mún, khó hình thành những khu sản xuất tập trung để áp dụng KHKT cũng như kiểm soát các vấn đề liên quan đến chất lượng sản phẩm. Sản xuất nhỏ lẻ còn gây khó khăn trong việc thu hút thành viên, tạo nền tảng cho HTX mở rộng quy mô.
Hội nghị Ban Chấp hành Liên minh HTX Việt Nam lần thứ 2 khóa VI, nhiệm kỳ 2020-2025 diễn ra theo hình thức trực tuyến. |
Bên cạnh đó, mối liên kết giữa HTX với các cấp như xã, huyện còn lỏng lẻo nên chưa huy động được nguồn lực từ địa phương, từ đó gây khó khăn trong việc nhân rộng các mô hình chuỗi giá trị.
Để hình thành, phát triển các HTX sản xuất theo chuỗi giá trị, việc hỗ trợ HTX là một trong những nhiệm vụ được Liên minh HTX Việt Nam nhiệm kỳ 2020-2025 tiếp tục đặt lên hàng đầu.
Tuy nhiên, để các mô hình này phát triển theo hướng bền vững, Phó Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam Nguyễn Văn Thịnh gợi mở rằng, cần tập trung xem xét nên phát triển chuỗi theo chiều rộng hay chiều sâu hoặc vừa phát triển theo chiều rộng, vừa phát triển theo chiều sâu.
“Nếu phát triển theo chiều rộng thì các HTX ở 63 tỉnh thành trên cả nước sẽ được tạo điều kiện hỗ trợ. Còn phát triển theo chiều sâu thì sẽ có ít HTX được hỗ trợ phát triển theo chuỗi. Còn việc vừa phát triển theo chiều rộng vừa phát triển theo chiều sâu thì việc phân bố nguồn vốn cần tính toán hợp lý”, Phó Chủ tịch Nguyễn Văn Thịnh nhấn mạnh.
Hiện nay, 70% HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, chính vì vậy, trong thời gian tới, Liên minh HTX Việt Nam sẽ tập trung phát triển các mô hình HTX ứng dụng công công nghệ cao phát triển theo chuỗi trong lĩnh vực nông nghiệp.
Ngoài sự hỗ trợ của Liên minh HTX Việt Nam, bản thân các HTX cũng cần chủ động nâng cao năng lực trong quản lý, liên kết với địa phương và thu hút thành viên. Theo Phó Chủ tịch Nguyễn Văn Thịnh, khi làm tốt được những điều này, HTX sẽ thu hút được các nguồn hỗ trợ, nhất là nguồn vốn tín dụng. Tiếp đến là khi thành viên tăng sẽ tạo thuận lợi cho việc sản xuất trên cánh đồng lớn, ứng dụng công nghệ cao và thu hút doanh nghiệp.
“Nếu mô hình chỉ có 7-8 thành viên thì sẽ khó mang lại hiệu quả kinh tế. Quy mô có đủ lớn thì việc phát triển theo chuỗi sẽ thuận lợi hơn, từ đó sẽ tạo tính lan tỏa cao hơn”, Phó Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam Nguyễn Văn Thịnh nhấn mạnh.
Huyền Trang