Trồng dược liệu được đánh giá là mang giá trị kinh tế cao, đạt khoảng 100 triệu đồng/ha/năm, vì vậy là lựa chọn của không ít người dân tại nhiều địa phương miền núi phía Bắc.
Phát triển vùng dược liệu sạch
Nhằm nâng cao thu nhập và hướng đến sản xuất bền vững, HTX Thuận Hằng đầu tư trồng 4,1 ha cây dược liệu, trong đó 1 ha cây sâm bố chính, 3 ha cát sâm, 0,1 ha khôi nhung. Sản phẩm sau khi thu hoạch cung cấp cho một doanh nghiệp ở Quảng Bình theo hợp đồng bao tiêu.
Lúc đầu đi vào phát triển vùng dược liệu, HTX gặp không ít khó khăn do người dân không đồng thuận cao. Nhưng sau khi được thuyết phục và thấy những lợi ích của cây dược liệu hữu cơ đối với sức khỏe cũng như môi trường sinh thái, người dân trong xã đã đồng lòng phát triển vùng dược liệu.
Trong quá trình sản xuất, doanh nghiệp hỗ trợ HTX chăm sóc, phòng trừ sâu, bệnh hại theo đúng quy trình sản xuất hữu cơ, tuyệt đối không sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật có hoạt chất hóa học. Tất cả các công đoạn sản xuất từ làm cỏ, chăm bón đều phải hoàn toàn tự nhiên. Thay vì lạm dụng thuốc diệt cỏ như nhiều nơi khác, HTX dùng dao để phát cỏ.
Tuân thủ nghiêm quy trình sản xuất giúp HTX đáp ứng tiêu chuẩn của doanh nghiệp thu mua dược liệu. |
Những ngày đầu còn bỡ ngỡ, nhưng sau thời gian được hỗ trợ, đến nay, các thành viên đã nắm được quy trình từ cách chọn lọc cây trồng, cải tạo đất, nuôi dưỡng, bảo vệ cây trồng cũng như thu hoạch, sơ chế.
Hiện nay, HTX liên kết và tổ chức thành công chuỗi sản xuất khép kín từ trồng, sản xuất đến tiêu thụ cây dược liệu, đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều so với các loại cây lương thực.
Ông Lê Văn Dương, thành viên HTX Thuận Hằng cho biết, có HTX đứng ra thu mua sản phẩm, triển khai các dịch vụ, bà con nông dân yên tâm để đầu tư sản xuất, không còn canh cánh nỗi lo tìm đầu ra cho sản phẩm sau thu hoạch.
Đa lợi ích
Ngoài trồng dược liệu trên diện tích riêng biệt, HTX còn tận dụng đất dưới tán rừng để sản xuất. Cách làm này không chỉ tạo nguồn nguyên liệu phục vụ chế biến, mà còn bảo vệ môi trường sinh thái và ổn định khí hậu. Những loại cây dược liệu HTX đang trồng phù hợp sống dưới tán rừng không yêu cầu ánh sáng mạnh và không làm ảnh hưởng đến sinh trưởng của cây lâu năm, đồng thời còn thúc đẩy người dân tăng cường trách nhiệm bảo vệ rừng, phục vụ phát triển kinh tế.
Trong quá trình sản xuất, HTX tích cực tuyên truyền và hướng dẫn người dân trồng và bảo vệ rừng. Bởi khi rừng phát triển sẽ tạo thành vùng đệm bảo vệ vùng dược liệu, từ đó tạo nền tảng mở rộng diện tích.
Trồng dược liệu hữu cơ giúp nâng cao ý thức bảo vệ môi trường của người dân. |
Dược liệu vốn là cây không xa lạ đối với người dân xã Thái Sơn. Tuy nhiên, trước đây, các hộ chủ yếu khai thác trong tự nhiên, không lưu tâm đến việc bảo tồn, đặc biệt là phát triển thông qua trồng mới khiến các loại cây này có nguy cơ bị cơ cạn kiệt.
Trong bối cảnh ấy, việc HTX Thuận Hằng chú trọng sản xuất theo theo hướng hữu cơ không chỉ bảo tồn nguồn dược liệu mà còn nâng cao ý thức bảo vệ môi trường trong cộng đồng.
Đặc biệt, khi HTX đi vào hoạt động, mối liên kết “4 nhà” được hình thành, tạo sự gắn kết theo chuỗi. Tham gia mối liên kết này, người dân từng bước nâng cao kỹ năng trồng, thu hái dược liệu, được tiếp cận với cách thức làm kinh tế mang tiêu chuẩn rõ ràng, góp phần nâng cao trình độ và tạo ra nguồn thu nhập ổn định lâu dài.
Định hướng trong thời gian tới, HTX sẽ liên kết với người dân, HTX trên địa bàn tỉnh để mở rộng diện tích, đồng thời giải quyết tình trạng thiếu đất sản xuất. Ban giám đốc cũng sẽ xây dựng xưởng sơ chế nhằm bảo đảm chất lượng dược liệu khi cung cấp cho doanh nghiệp.
Mô hình liên kết trồng cây dược liệu của HTX Thuận Hằng đang trở thành điểm sáng trong phát triển sản xuất, góp phần quan trọng vào tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với bảo vệ môi trường nông thôn.
Như Yến