Trước đây, các thành viên HTX chủ yếu chăn nuôi gà và trồng cây ăn quả, trồng rừng, nuôi lợn chỉ ở quy mô nhỏ. Sau nhiều năm nuôi gà, tính toán tổng thể thì thu nhập không cao, dễ xảy ra dịch bệnh, tỷ lệ rủi ro lớn. Từ kinh nghiệm chăn nuôi, các thành viên nhận thấy lợn đen vẫn được thị trường ưa chuộng nên quyết tâm sản xuất theo quy mô hàng hóa.
Không còn ô nhiễm môi trường
Ý thức được vấn đề bảo vệ môi trường trong sản xuất, các thành viên chủ động đầu tư khu vực chuồng trại chăn nuôi lợn đen cách xa khu dân cư. Theo Ban giám đốc HTX, cách làm này giúp việc phòng, chống dịch bệnh thuận lợi hơn. Hiện tại, HTX đã đầu tư xây dựng hệ thống chuồng trại với tổng diện tích trên 1.000 m2, chia làm 4 khu riêng biệt, nuôi 300 con lợn đen bản địa, trong đó có 35 lợn nái sinh sản, 2 lợn đực giống và hơn 200 con lợn thương phẩm. Diện tích đất còn lại đang được trồng các loại cây ăn quả xen canh với cây sưa đỏ.
Để xử lý chất thải, HTX xây dựng hầm biogas đặt ở cuối khu vực chuồng trại. “Nhờ xây dựng hầm biogas, trang trại giảm ô nhiễm đáng kể, người dân sống quanh khu vực cũng không phàn nàn vì mùi hôi bốc lên vào những ngày trời nắng gắt hay mưa dầm”, anh Triệu Văn Định, thành viên HTX chia sẻ.
Trang trại được đặt xa khu dân cư để bảo đảm vệ sinh môi trường trong chăn nuôi. |
Hầm biogas làm nhiệm vụ phân hủy phân, tạo thành gas đốt và điện thắp sáng giúp HTX tiết kiệm 3-4 triệu đồng mỗi tháng. Bên cạnh đó, phụ phẩm khí sinh học được tận dụng làm phân bón vừa bảo đảm vệ sinh, vừa tăng năng suất cây trồng, giúp giảm chi phí đầu tư trong sản xuất nông nghiệp.
Ngoài việc xây hầm biogas, HTX bố trí khu trang trại thông thoáng, nơi chứa thức ăn để cao ráo, gọn gàng. Ngay cổng vào có khu vực sát khuẩn và bể chứa vôi bột khử khuẩn. Ngoài ra còn có nhà cho thành viên và người lao động nghỉ ngơi sau khi chăm sóc lợn.
Theo Ban giám đốc HTX, yếu tố môi trường sạch sẽ là sự đầu tư hiệu quả lâu dài, là động lực để thành viên tập trung sản xuất. Trong chăn nuôi, nếu chuồng trại được bảo đảm, vệ sinh sạch sẽ thì bệnh dịch cũng được hạn chế.
Phát triển bền vững
Nhờ bảo đảm được yếu tố môi trường, đàn lợn của HTX luôn khỏe mạnh, miễn nhiễm với dịch bệnh. Lợn đen là sản phẩm được thị trường ưa chuộng, lại được kiểm soát nghiêm ngặt nên không có dư lượng kháng sinh. Vì vậy, HTX được các đơn vị tin tưởng ký kết hợp đồng thu mua lợn hơi với số lượng lớn. Ngoài ra, các thành viên HTX còn nhận chế biến thành các sản phẩm giò, xúc xích để đa dạng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu thị trường.
Theo Ban giám đốc HTX Minh Hậu, năm 2019, doanh thu từ chăn nuôi đạt khoảng 4 tỷ đồng, trừ các loại chi phí vẫn có lãi gần 2 tỷ đồng. Riêng 6 tháng đầu năm nay, HTX đã xuất bán trên 10 tấn lợn, thu trên 1 tỷ đồng.
Đặc biệt, trước tình hình dịch tả lợn châu Phi bùng phát mạnh những năm qua, HTX không bị ảnh hưởng và thiệt hại, nên hiệu quả chăn nuôi càng cao khi giá bán lợn thương phẩm tăng.
Khu "vui chơi" giúp nâng cao chất lượng lợn thương phẩm. |
Ngoài nuôi lợn thương phẩm, đến nay, HTX Minh Hậu đã chủ động được hoàn toàn về con giống. HTX luôn hạn chế tối đa người lạ vào khu chăn nuôi, nên dịch bệnh được kiểm soát tốt hơn so với các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ. HTX cũng bắt đầu mở rộng sang nuôi lợn rừng, vì đây cũng là vật nuôi bản địa và cho giá trị kinh tế cao.
Từ hiệu quả chăn nuôi 2 năm qua và dự báo tình hình chăn nuôi lợn bản địa sẽ tiếp tục khả quan trong thời gian tới, HTX Minh Hậu mong muốn được các cấp, ngành quan tâm, hỗ trợ để mở rộng quy mô, trở thành mô hình nuôi lợn bản địa điển hình của huyện và tỉnh.
Theo đánh giá của lãnh đạo huyện Yên Minh, mô hình chăn nuôi của HTX Minh Hậu góp phần bảo tồn và phát triển giống lợn đen bản địa, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa đi đôi với tạo việc làm và giảm nghèo bền vững. Huyện sẽ tiếp tục đồng hành cùng HTX trong việc hỗ trợ kinh phí mở rộng chuồng trại, con giống, thức ăn, vắc xin phòng trị bệnh để HTX có thể cung cấp lợn thương phẩm và con giống chất lượng cho người dân và các đơn vị ở trong và ngoài tỉnh.
Như Yến