HTX Vạn Phúc, thị trấn Nước Hai, huyện Hòa An, tỉnh Cao Bằng thành lập năm 2006 và chuyển đổi hoạt động theo Luật HTX năm 2012 vào năm 2015. Đây là HTX phi nông nghiệp hoạt động trên nhiều lĩnh vực như khai thác vật liệu cát, sỏi, sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng và kinh doanh vận tải.
Tiếp cận vốn đang là "rào cản"
Đến nay, HTX Vạn Phúc có 10 thành viên cùng tham gia góp vốn với tổng vốn điều lệ 10 tỷ đồng. Từ khi HTX chuyển đổi và hoạt động theo Luật HTX năm 2012, trong quá trình hoạt động, HTX luôn chú trọng bảo toàn nguồn vốn để mở rộng đầu tư sản xuất, kinh doanh. Nhờ đó, quy mô hoạt động sản xuất kinh doanh của HTX tăng theo từng năm.
Theo ông Trần Trung Phúc, Giám đốc HTX Vạn Phúc, từ khi chuyển đổi hoạt động theo mô hình mới, đến nay, HTX hoạt động rất ổn định, nhờ đó, các thành viên và người lao động có việc làm, tăng thu nhập.
“Hoạt động của HTX luôn hướng vào đáp ứng các nhu cầu của xã hội… thông qua việc cung cấp các dịch vụ có chất lượng, giá cả phù hợp”.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tham quan gian hàng giới thiệu sản phẩm OCOP của các HTX. |
Mặc dù tổng doanh thu năm 2019 của HTX Vạn Phúc đạt 49 tỷ 790 triệu đồng, duy trì việc làm cho khoảng 55 lao động với mức lương bình quân năm 2019 đạt 5-6 triệu đồng/người/tháng. Tuy nhiên, bước sang năm 2020, cũng như nhiều HTX, doanh nghiệp khác trong cả nước, HTX Vạn Phúc gặp vô vàn khó khăn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh bởi ảnh hưởng "kép" từ đại dịch Covid-19.
Bên cạnh đó, việc tiếp cận các nguồn vốn khó khăn cũng là "rào cản" lớn khiến cho nhiều ý tưởng, mục tiêu mà HTX Vạn Phúc cũng như nhiều HTX khác đặt ra chưa được như mong muốn. Đơn cử, như HTX vận tải Nhơn Trạch, theo ông Phan Huy Sự, Giám đốc HTX , với số lượng gần 6.000 xe, gần 10.000 lao động, nhu cầu về vốn của HTX để trả tiền lãi và tiền gốc cho ngân hàng, chi phí nhiên liệu, tiền lương cho người lao động và các chi phí khác hàng tháng là rất lớn.
Ông Phan Huy Sự cho biết, việc tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi là hết sức khó khăn. Để giải quyết việc trước mắt, một số thành viên HTX thậm chí phải vay nóng với lãi suất cao, ảnh hưởng đến thu nhập. Điều này cũng đi ngược với chủ trương tích cực chống tín dụng đen.
“Cần phải hỗ trợ ưu đãi cho HTX vận tải về vấn đề tín dụng, qua đó giảm thiểu tiêu cực, giảm chi phí, tăng năng suất, tăng thu nhập, ổn định đời sống và giúp cho HTX phát triển bền vững”, Giám đốc HTX Vận tải Nhơn Trạch kiến nghị.
Theo tìm hiểu, một trong những lý do các HTX phi nông nghiệp khó tiếp cận vay vốn của các ngân hàng thương mại do đa số các HTX không đáp ứng được những điều khoản, thủ tục cho vay. Theo Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX Trung ương, thực tế hiện nay chưa đến 20% các HTX có khả năng tự lực vốn sản xuất kinh doanh, trong khi đó, khả năng tiếp cận nguồn vốn tín dụng lại vô cùng hạn chế, chỉ chiếm dưới 1%. Rõ ràng, vấn đề vốn vẫn là “điểm nghẽn”, khó khăn lớn nhất của HTX, thiếu vốn khiến nhiều HTX không thể mở rộng sản xuất kinh doanh.
Đến năm 2025 cả nước có 15.000 HTX
Theo đánh giá của Liên minh HTX Việt Nam, KTHT trong lĩnh vực phi nông nghiệp có nhiều lợi thế để tiếp tục phát triển về số lượng, qui mô, tài sản, lao động, năng suất và hiệu quả, đóng vai trò ngày càng quan trọng trong nền kinh tế.
Xưởng sản xuất của HTX Vĩnh Phúc tại thị trấn Nước Hai, huyện Hòa An, tỉnh Cao Bằng (Ảnh:TL) |
Tuy nhiên, ngoài những khó khăn cố hữu về câu chuyện vốn, nhân lực...như đã nói, cũng phải nhìn nhận một cách thực tế khách quan, KTHT trong lĩnh vực phi nông nghiệp còn chiếm tỷ trọng thấp trong tổng sản phẩm xã hội ngành công nghiệp, dịch vụ. Phát triển chưa đều ở các địa phương và các lĩnh vực có tiềm năng và thế mạnh; qui mô và hiệu quả hoạt động chưa như mong đợi.
Nguyên nhân là do các chính sách và bố trí nguồn lực hỗ trợ cho KTHT trong lĩnh vực phi nông nghiệp chưa được chú trọng. Chưa có chính sách thu hút cán bộ chuyên môn cao về công tác tại HTX phi nông nghiệp. Chưa tạo điều kiện cho HTX phi nông nghiệp thuê đất dài hạn đầu tư cơ sở sản xuất và giảm tiền thuê đất, chưa áp dụng thuế VAT và thuế thu nhập cá nhân ưu đãi đối với HTX phi nông nghiệp. Chưa có chính sách tạo thuận lợi cho HTX phi nông nghiệp tiếp cận thông tin, nhận chuyển giao công nghệ mới.
Để thúc đẩy phát triển KTHT, HTX phi nông nghiệp trong những năm tới, Liên minh HTX Việt Nam đã đặt ra mục tiêu cụ thể phát triển KTHT trong lĩnh vực phi nông nghiệp. Đến năm 2030 có 260.000 THT; 25.000 HTX, thu hút 8 triệu thành viên và tạo việc làm cho 4,5 triệu lao động thường xuyên. 100% cán bộ quản trị điều hành HTX được đào tạo và có năng lực quản trị, các thành viên và người lao động được phổ biến kiến thức và đào tạo nghề; vốn điều lệ và tổng tài sản tăng bình quân 10%/năm; tốc độ đổi mới công nghệ bình quân là 20%/năm; tỷ lệ HTX hoạt động có hiệu quả từ 80% trở lên.
Rõ ràng, để đạt được mục tiêu phát triển KTTT trong lĩnh vực phi nông nghiệp nhanh và bền vững, ngoài các Nghị quyết, chương trình của Đảng, Nhà nước, sự chỉ đạo quyết liệt của các bộ, ngành và Liên minh HTX Việt Nam, các HTX cần chủ động chú trọng vào nâng cao chất lượng, tăng cường nhiều hình thức liên kết, hợp tác đa dạng để hoạt động có hiệu quả. Củng cố và nâng cao hiệu quả các HTX đang hoạt động; khuyến khích khởi nghiệp, đổi mới, sáng tạo, liên kết chuỗi giá trị bằng mô hình HTX; sáp nhập các HTX để tăng qui mô, thành lập các liên hiệp HTX nhằm nâng cao năng lực canh tranh.
Phạm Duy