HTX Lan Rừng đang sản xuất các mặt hàng thổ cẩm như: túi xách, ba lô, quần áo, khăn, túi xách tay hay những sản phẩm trang trí nội thất tại nhà hàng, khách sạn…
Sản phẩm thân thiện môi trường
Nguyên liệu chính để làm ra sản phẩm thổ cẩm là sợi cây đay (cây lanh) có sẵn tại địa phương. Để có sản phẩm thổ cẩm hoàn chỉnh phải trải qua nhiều các công đoạn tỉ mỉ và vô cùng kì công như tuốt đay, se sợi, dệt, nhuộm vẽ sáp ong, thêu...
Nếu như một số làng nghề thổ cẩm đã hiện đại hóa việc dệt nhuộm bằng các loại máy móc thì tại HTX Lan Rừng vẫn giữ được quy trình sản xuất truyền thống.
Các sợi vải được dệt bằng tay và nhuộm màu từ củ, quả, lá cây rừng như củ nghệ, chàm, củ nâu... kết hợp họa tiết thổ cẩm đã tạo ra những sản phẩm có vẻ đẹp độc đáo, tinh tế và thân thiện với môi trường.
Theo chị Cung Thanh Mai, Giám đốc HTX, các loại lá cây rừng được rửa sạch sau đó giã nhỏ hoặc luộc với nước để lấy dung dịch nhuộm. Ưu điểm của các sản phẩm dệt nhuộm thủ công là có màu sắc gần gũi với thiên nhiên, độ bền màu cao gấp 3-4 lần so với nhuộm hóa chất. Mùi thơm dễ chịu, đảm bảo các chỉ tiêu sinh thái như không có các chất gây ung thư và dị ứng da. Đây là điều kiện quan trọng mà khách nước ngoài vô cùng quan tâm.
![]() |
Các thành viên nhuộm màu thủ công. |
Quy trình nhuộm vải từ các lại cây và lá rừng tuy mất nhiều thời gian và công sức nhưng lại giảm lượng nước thải độc hại ra môi trường, sông ngòi. Ngoài ra, bã thải từ quá trình nhuộm được dùng thay thế phân bón hóa học, giúp người nông dân giảm chi phí đầu vào cho nông nghiệp, giảm ô nhiễm môi trường đất do sử dụng phân hóa học.
Nhuộm thủ công nên sản phẩm thổ cẩm của HTX có gam màu trầm khác hẳn với hoa văn sặc sỡ của những cơ sở sản xuất khác. Để làm ra một mảnh vải, các thành viên phải mất ít nhất 2 tuần, còn muốn hoàn chỉnh một bộ quần áo phải mất tới... 1 năm. Với bàn tay khéo léo và thẩm mỹ tinh tế, các thành viên luôn tỉ mỉ, đặc biệt là kiên trì đến cùng để hoàn thành sản phẩm.
“Màu từ cây rừng bền lắm, đi nắng đi mưa nhiều cũng chẳng phai. Mình nhuộm màu cực hơn một chút, mất thời gian nhiều hơn nhưng bán được giá hơn, lại bảo vệ môi trường và bảo đảm sức khỏe cho người mặc”, Giám đốc Cung Thanh Mai cho biết.
"Làm mới" sản phẩm truyền thống
Theo Ban giám đốc HTX, du lịch Sapa ngày càng phát triển chính là lợi thế cho những người làm nghề dệt thổ cẩm. Tuy nhiên, để “hút” khách, HTX phải đẩy mạnh đa dạng mẫu mã, sản xuất những sản phẩm có tính ứng dụng cao. Bên cạnh đó là đầu tư máy móc, phát triển đội ngũ kinh doanh để tiếp thị sản phẩm chuyên nghiệp. Từ đó, sản phẩm thổ cẩm Lan Rừng đã có chỗ đứng nhất định trên thị trường.
HTX trở thành địa điểm mua sắm tin cậy của rất nhiều du khách thông qua 5 gian hàng ở phố Cầu Mây, thị xã Sapa và Trung tâm thông tin và xúc tiến du lịch Lào Cai.
![]() |
Các thành viên đang thực hiện công đoạn thêu sản phẩm (Ảnh: Đình Sơn) |
Ngoài phục vụ khách du lịch mua lẻ tại hệ thống các cửa hàng, gian trưng bày, sản phẩm của HTX còn xuất khẩu sang thị trường các nước Úc, Mỹ theo một số đơn đặt hàng với các sản phẩm là đồ trang trí nội thất gia đình, nhà hàng, khách sạn, quà tặng lưu niệm…
Không chỉ giúp lưu giữ và phát triển nghề truyền thống, HTX Lan Rừng đang tạo việc làm, thu nhập ổn định cho 30 lao động, nhân viên bán hàng. Đồng thời, HTX thu mua sản phẩm và đặt hàng với 200 phụ nữ đồng bào dân tộc thiểu số tại các xã trong huyện. Từ đây, những người phụ nữ dân tộc thiểu số đã được nâng cao nhận thức, địa vị trong gia đình và xã hội.
Huyền Trang