Với phương châm phát triển đồng thời nhưng không dàn trải. Lĩnh vực trồng trọt huyện Triệu Phong tập trung trọng điểm vào những cây trồng chủ lực là lúa, dưa hấu và hoa màu, nhằm phát huy tối đa tiềm năng của các loại cây, mang lại lợi ích kinh tế cao cho người sản xuất.
Động lực từ liên kết
Trong quá trình thúc đẩy phát triển trồng trọt theo hướng hàng hóa, thân thiện môi trường trên địa bàn huyện, vai trò của khu vực kinh tế hợp tác, với nòng cốt là các HTX, Tổ hợp tác được thể hiện vô cùng rõ nét.
Nông sản Triệu Phong ngày càng có tiếng nhờ sản xuất sạch theo hướng hàng hóa, giá trị gia tăng (Ảnh TL). |
Đơn cử, ở xã Triệu Trạch, dưới sự dẫn dắt của HTX, mô hình trồng sen kết hợp nuôi thả cá trên địa bàn xã cho thu nhập khá cao, giá trị đạt khoảng 100 triệu đồng/ha/năm. Các HTX cũng là nòng cốt để xã xây dựng các vùng rau màu có hiệu quả cao, với tổng diện tích hiện đạt trên 12 ha.
Hay trong quá trình xây dựng dưa hấu thành sản phẩm thế mạnh của địa phương, xã Triệu Trạch đã chỉ đạo xây dựng cánh đồng lớn tại các HTX Linh An, Long Quang, Vân Tường với diện tích 145 ha.
Điển hình như HTX Sản xuất kinh doanh dịch vụ tổng hợp Long Quang, hiện đang có 237 thành viên, trong đó 185 thành viên tham gia trồng dưa hấu, tổng diện tích khoảng 22 ha/2 vụ/năm.
Với sản lượng bình quân đạt 2,5 tấn/ha, giá bán trung bình 5.000 - 6.000 đồng/kg. Nhờ trồng dưa hấu, nhiều hộ có mức thu nhập 30 - 50 triệu đồng/năm, đặc biệt có một số hộ thu nhập lên đến 100 - 150 triệu đồng/năm.
Ông Phan Chiến, Giám đốc HTX Long Quang, cho biết để đảm bảo hiệu quả bền vững, thời gian qua, thành viên HTX đã chủ động phát triển mô hình trồng dưa theo hướng VietGAP, thân thiện môi trường, tạo ra những sản phẩm sạch, giàu sức cạnh tranh.
Cụ thể, trong quá trình sản xuất, đất trồng của HTX được xử lý vi sinh loại bỏ tạp chất, nguồn nước tưới được bơm từ giếng khoan để đảm bảo độ sạch. Các loại thuốc bảo vệ thực vật, phân bón được HTX tuyển chọn kỹ lưỡng, ưu tiên các hợp chất vi sinh, giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Tương tự, tại xã Triệu Hòa, hiểu được giá trị của nông nghiệp sạch, các thành viên HTX An Lộng đã đi đến quyết định thực hiện trồng lúa hữu cơ để phát triển bền vững.
Trên diện tích 10 ha lúa, thời gian qua, HTX không dùng thuốc bảo vệ thực vật nhưng năng suất vụ xuân vẫn đạt trên 2 tạ/sào, vụ mùa 1,7-1,9 tạ/sào. Người dân vẫn bắt được cá, cua ở đồng về phục vụ bữa ăn hàng ngày mà không phải lo lắng việc ngộ độc thực phẩm.
Thay đổi để thành công
Có được điều trên là do HTX An Lộng đã thực hiện kỹ thuật cấy máy, ủ phân hữu cơ, đồng thời cán bộ kỹ thuật của HTX còn phối hợp với UBND xã để quản lý, giám sát chặt chẽ việc thực hiện mô hình trồng lúa hữu cơ.
Ông Đoàn Thọ Hòa, thành viên HTX cho biết khi canh tác lúa theo hướng hữu cơ sẽ hạn chế rất nhiều tình trạng vỏ chai thuốc bảo vệ thực vật vứt bỏ tràn lan trên đồng ruộng. Thay vào đó, ý thức chấp hành quy trình chăm sóc lúa bằng phân hữu cơ của người nông dân đã được nâng lên.
“Trong quá trình thực hiện mô hình, từ gieo trồng, chăm sóc đến thu hoạch, tôi và bà con luôn cảm thấy an tâm, không lo sợ độc hại khi đi chăm sóc lúa. Giá trị kinh tế cũng ổn định hơn nhờ sự tin tưởng từ đối tác thu mua”, ông Hòa nói.
Để nâng cao giá trị, huyện cần tiếp tục đẩy mạnh hỗ trợ, phát huy vai trò của HTX. (Ảnh TL). |
Không chỉ có trồng trọt, các HTX cũng thể hiện vai trò rõ nét trong hoạt động chăn nuôi ở Triệu Phong. Điển hình như ở xã Triệu Vân với mô hình chăn nuôi gà theo hướng VietGAP, thân thiện môi trường.
Anh Lê Quang Thế, thành viên Tổ hợp tác chăn nuôi thôn Sinh Thái, xã Triệu Vân là một trong những hộ tiên phong đi đầu trong thực hiện mô hình chăn nuôi gà thả vườn theo hướng VietGAP, hữu cơ trên đất cát tại địa phương.
Để nâng cao năng suất, chất lượng gà thương phẩm, anh Thế cùng các hộ thành viên Tổ hợp tác áp dụng quy trình chăn nuôi an toàn, loại bỏ hoàn toàn hóa chất độc hại, thay vào đó là thức ăn hữu cơ, các loại cám tự nhiên từ gạo, ngô, sắn… Lượng chất thải luôn được xử lý đúng theo quy chuẩn, đảm bảo vệ minh môi trường, an toàn thực phẩm.
Theo thống kê sơ bộ của UBND xã Triệu Vân, toàn xã hiện có gần 100 hộ chăn nuôi gà trên vùng cát. Quy mô các hộ chăn nuôi từ vài trăm đến trên 1.000 con/năm, mỗi năm 3 – 4 vụ (theo hình thức gối vụ). Số lượng có thể tăng vào các dịp lễ, tết.
Thực tế cho thấy những năm qua, nhờ chú trọng đẩy mạnh ứng dụng khoa học – công nghệ, phát huy tốt vai trò của các HTX trong sản xuất nông nghiệp đã góp phần tăng năng suất, chất lượng cũng như hạn chế dịch bệnh đối với cây trồng, vật nuôi trên địa bàn huyện Triệu Phong.
Cùng với đó, huyện từng bước nâng cao tính ổn định, giảm dần sự phụ thuộc vào thời tiết trong sản xuất nông nghiệp, nâng cao giá trị sản xuất trên đơn vị diện tích.
Thời gian tới, huyện Triệu Phong tiếp tục triển khai ứng dụng rộng rãi, có hiệu quả các kỹ thuật hiện đại, nâng cao vai trò của HTX trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp, thủy sản, bảo vệ môi trường và công nghiệp chế biến, sản xuất để tạo ra một số sản phẩm chủ lực, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Hưng Nguyên