Thực hiện đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp của tỉnh, thời gian qua, huyện Vị Xuyên đã khuyến khích, hỗ trợ nông dân sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP. Bước đầu mô hình đem lại hiệu quả tích cực, dần hình thành vùng rau an toàn tại xã Đạo Đức, thị trấn Vị Xuyên và thị trấn Việt Lâm.
Xây dựng vùng chuyên canh
Từ hình thức sản xuất đơn lẻ, mạnh ai nấy làm, nhiều nông dân cùng nhau vào HTX, tổ hợp tác để liên kết xây dựng thương hiệu rau an toàn của địa phương. Đây là một hướng đi được xác định nhằm hướng đến một nguồn thực phẩm sạch, an toàn, đảm bảo an toàn thực phẩm cung cấp cho người tiêu dùng.
Các HTX đang xây dựng nhiều vùng chuyên canh cho giá trị kinh tế cao, thân thiện môi trường. (Ảnh TL) |
Điển hình, HTX Trồng rau an toàn Tân Đức, xã Đạo Đức được thành từ năm 2015, do chị Đặng Thị Hiền làm giám đốc, với số thành viên tham gia HTX là 24 hộ. Mô hình hoạt động chủ yếu là chuyên trồng các loại rau sạch, rau an toàn chất lượng cao, thân thiện môi trường.
Đến nay, HTX Tân Đức đã xây dựng phương án tổ chức sản xuất, xây dựng hệ thống nhà lưới theo tiêu chuẩn trồng rau an toàn trên tổng diện tích hơn 7.700 m2.
Giám đốc HTX Đặng Thị Hiền cho biết, được sự quan tâm của địa phương, HTX được hỗ trợ ban đầu 100% hệ thống nhà lưới rộng 2.000 m2 nhằm đảm bảo phương thức canh tác mới và thuận lợi trong việc ứng dụng tiến bộ công nghệ vào sản xuất rau an toàn sinh thái.
Cụ thể, HTX trồng rau trong nhà lưới có hệ thống tưới phun sương bằng nước sạch lấy từ giếng nước ăn, áp dụng các loại giống rau mới có năng suất cao, phân bón chủ yếu bằng phân hữu cơ và phân chuồng ủ mục rồi trộn với chế phẩm vi sinh để xử lý hết nấm bệnh rồi mới đem ra bón.
Việc sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật cũng được quy định nghiêm, ưu tiên các loại thuốc vi sinh, hợp chất có nguồn gốc thiên nhiên, thân thiện môi trường, qua đó đảm bảo tiêu chuẩn rau sạch không có dư lượng chất độc hại.
Sản phẩm chính của HTX hiện tại là các loại rau su hào, bắp cải, cà rốt, cải làn, cải thảo, xà lách và các loại rau thơm… Với chất lượng và giá thành hợp lý, sản phẩm rau của HTX ngày càng được khách hàng ưa chuộng. Số tiền thu được ước tính 120 triệu đồng/vụ, trừ các khoản chi phí lợi nhuận thu về khoảng 100 triệu đồng.
Ứng dụng khoa học - kỹ thuật
Tương tự, ở huyện Yên Minh, HTX Sản xuất nông nghiệp Ngọc Bích lựa chọn xây dựng nhà lưới chống côn trùng, sâu hại và hệ thống điều tiết nước thủy canh, hệ thống tưới nhỏ giọt, điều chế chế phẩm sinh học kỹ thuật công nghệ cao để trồng rau, dưa, cà chua mang lại hiệu quả cao.
Nhiều HTX tích cực đầu tư cơ sở vật chất, đổi mới trang thiết bị, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất mang lại hiệu quả kép về kinh tế, môi trường sinh thái. (Ảnh TL). |
Anh Nguyễn Xuân Vình, cán bộ Trạm Khuyến nông huyện, thành viên HTX Ngọc Bích, cho biết từ cuối năm 2019, HTX bắt đầu xây dựng nhà lưới và hệ thống thủy canh để trồng rau, quả với diện tích gần 1.000 m2. Hiện, khu vực nhà lưới của HTX có 30 giàn thủy canh chuyên canh trồng các loại rau cải, 700 cây cà chua và 700 cây dưa chuột trồng trong bầu với hệ thống tưới nhỏ giọt.
Ưu điểm sản xuất của mô hình là giảm tối đa chi phí, tiết kiệm nước, giảm trên 70% lượng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. Hơn hết, thời gian sinh trưởng của các loại cây trồng thủy canh chỉ bằng một nửa phương pháp trồng trên đất truyền thống, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Với hướng sản xuất tập trung quy mô lớn, chuyên canh và tự động hóa, đồng thời hướng tới xây dựng thương hiệu nổi bật toàn quốc, HTX mong muốn tiếp tục nhận được sự hỗ trợ của cơ quan chức năng để mở rộng diện tích nhà lưới, mở rộng quy mô sản xuất và kéo dài thời gian thuê đất để yên tâm đầu tư.
Theo thống kê, Hà Giang hiện có hơn 600 HTX, với gần 20 nghìn thành viên, quy mô hoạt động của các HTX từng bước được mở rộng, một số HTX tích cực đầu tư cơ sở vật chất, đổi mới trang thiết bị, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất mang lại hiệu quả kép về kinh tế, môi trường sinh thái.
Cùng với đó, trên địa bàn tỉnh hiện có hơn 1.400 tổ hợp tác với trên 21 nghìn thành viên với doanh thu bình quân đạt trên 230 triệu đồng/tổ hợp tác/năm.
Để các HTX tiếp tục đóng góp chung vào quá trình phát triển nông nghiệp hàng hóa theo hướng giá trị gia tăng, thời gian tới, tỉnh sẽ đẩy mạnh hỗ trợ, tăng cường tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho khu vực kinh tế hợp tác, HTX. Bên cạnh đó, đổi mới mạnh mẽ, nâng cao hiệu quả hoạt động tư vấn, hỗ trợ cung ứng dịch vụ công, đáp ứng tối đa nhu cầu phát triển của HTX, xây dựng mô hình HTX sản xuất gắn với chuỗi giá trị, an toàn sinh thái…
Nhật Minh