Bên cạnh những lợi ích mang lại, các làng nghề hi
Cần nâng cao nhận thức cho NLĐ làng nghề về ATVSLĐ |
ện nay cũng đang phải đối diện với rất nhiều nguy cơ, cả về phương diện an toàn lao động (ATLĐ) và ô nhiễm môi trường.
Không sử dụng bảo hộ lao động
Những năm qua, làng nghề kim khí xã Phùng Xá (huyện Thạch Thất) có tuổi đời hàng trăm năm, với trên 100 mặt hàng đang có mặt trên thị trường như: Tôn lợp, bản lề, khung nhà xưởng, cuốc, xẻng... đã tạo việc làm cho khoảng 5.000 lao động địa phương và hàng nghìn lao động trong và ngoài tỉnh. Thế nhưng đa phần lao động ở làng nghề này, từ chủ cho đến người làm thuê, đều chưa có ý thức trong vấn đề bảo đảm an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ), dẫn đến tai nạn lao động (TNLĐ) xảy ra khá thường xuyên. Trạm y tế xã Phùng Xá ghi nhận, trung bình mỗi năm có trên 100 ca TNLĐ làng nghề, phổ biến là rách da do tôn cứa, cụt đốt ngón tay...
Tình trạng này cũng diễn ra tại làng nghề cơ khí và gỗ mỹ nghệ xã Thanh Thùy (huyện Thanh Oai). Do thờ ơ với công tác ATVSLĐ nên mỗi năm ở đây xảy ra hàng trăm ca TNLĐ, nhiều trường hợp bị cắt mất cả bàn tay, bị mù hay thị lực giảm do mạt sắt bắn vào. 100% lao động làm việc tại nơi có tiếng ồn cao, không sử dụng phương tiện bịt tai, nút chống ồn... Ngay tại làng lụa nổi tiếng Vạn Phúc (Hà Đông), mặc dù vải lụa là mặt hàng dễ cháy, song hầu hết các gian hàng bày bán sản phẩm không có phương tiện phòng cháy chữa cháy.
Ông Nguyễn Văn Sinh - Chủ tịch Hiệp hội làng nghề lụa Vạn Phúc, cho biết: “Hiện Vạn Phúc có khoảng 700 máy dệt đang hoạt động tại 400 hộ dân, nhưng chỉ có khoảng 10 doanh nghiệp lớn được trang bị bình bọt chữa cháy. Các hộ gia đình tự do kinh doanh, không ai quản lý nên chuyện phòng cháy chữa cháy vẫn nằm ngoài vùng kiểm soát”.
Giải pháp tăng cường ATVSLĐ làng nghề
Theo ông Nguyễn Xuân Ba - Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Hà Nội, tình trạng mất ATVSLĐ và ô nhiễm tại các làng nghề tại Hà Nội không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng, sức khỏe NLĐ, gây ra các bệnh về tiêu hóa, mắt, hô hấp, bệnh ngoài da, tai, mũi, họng, thần kinh... mà còn gây ra nhiều hệ lụy trong đời sống xã hội. Để tăng cường công tác ATVSLĐ và cải thiện môi trường khu vực làng nghề, cần phải có các quy định chặt chẽ về điều kiện hoạt động SXKD đối với các DN, HTX, cơ sở sản xuất. Những cơ sở nào không bảo đảm yêu cầu về ATVSLĐ thì không cho hoạt động.
Bên cạnh đó, cần có sự kiểm tra, theo dõi chặt chẽ hơn sức khỏe của NLĐ. Với lao động tại các làng nghề truyền thống, nhất là các làng nghề có nguy cơ ô nhiễm cao, việc khám sức khỏe phải được tiến hành định kỳ hàng năm. Đồng thời, NLĐ cần tuân thủ các quy định về ATLĐ, vệ sinh môi trường, VSATTP để tự bảo vệ sức khỏe của mình.
Mặt khác, các cấp chính quyền cũng cần chỉ đạo đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức cho các DN, HTX, cơ sở sản xuất và NLĐ về bảo đảm ATVSLĐ và bảo vệ môi trường; tăng cường các cuộc thanh kiểm tra việc tuân thủ luật pháp về lĩnh vực ATVSLĐ, kiểm tra việc sử dụng các thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn tại các hộ gia đình, DN, HTX, cơ sở sản xuất.
Cùng với Luật ATVSLĐ đã được Quốc hội thông qua và có hiệu lực vào tháng 7/2016, với phạm vi bao phủ cả đối tượng NLĐ trong khu vực làng nghề. Hy vọng vấn nạn TNLĐ, bệnh nghề nghiệp trong khu vực làng nghề ở Hà Nội sẽ sớm được giải quyết.
Đ.Chung