Sau nhiều tháng thực hiện khảo sát, làm việc với chính quyền các cấp và người dân địa phương, tháng 3/2017, mô hình trồng cây dong riềng tại xã Bình Lư chính thức được triển khai với 60 hộ nông dân trên địa bàn 3 bản Trung Chải, Nậm Sảo 1 và Nâm Sảo 2, tham gia đăng ký góp 50ha đất trồng dong riềng.
Bước ngoặt sản xuất
Hơn một năm triển khai, mô hình trồng cây dong riềng của HTX Duy Sơn đã cho “trái ngọt” với sản lượng hơn 1.000 tấn củ/năm, sản xuất đi vào ổn định, thị trường tiêu thụ rộng mở.
Anh Cầm Văn Chính (bản Nậm Sảo 1) chia sẻ năm 2017, nhận được lời mời của HTX, nhà anh đăng ký tham gia trồng dong riềng với diện tích sản xuất hơn 2.000m2. Trong quá trình sản xuất, anh nhận được sự hỗ trợ rất nhiều từ HTX, từ giống cây, phân bón, đến thu hoạch, tiêu thụ…
“Được trang bị kiến thức, KH-KT để áp dụng vào sản xuất, cây dong riềng phát triển rất tốt và cho thu nhập cao. Vụ gần nhất (tháng 3 - 4/2018), nhà tôi thu về khoảng 10 tấn củ, trị giá trên 10 triệu đồng, cao gấp nhiều lần so với trồng các loại cây nông nghiệp trước đây”, anh Chính cho biết.
Ông Đặng Thế Chuyền - Phó Giám đốc HTX, cho biết HTX không trực tiếp đứng ra sản xuất mà làm nhiệm vụ liên kết để hình thành vùng nguyên liệu sản xuất, hỗ trợ đầu vào và thu mua sản phẩm cho nông dân, từng bước tiến tới xây dựng thương hiệu sản phẩm nông sản riêng của địa phương.
Mô hình trồng dong riềng đang đem lại hiệu quả cao |
Nâng cao quyền lợi thành viên
Để nâng cao hiệu quả sản xuất, HTX đầu tư gần 1 tỷ đồng xây dựng nhà xưởng và dây chuyền chế biến miến dong ngay tại xã. Hiện, HTX đang kết hợp thu mua củ dong riềng và vận hành máy sơ chế tách tinh bột để sản xuất miến dong.
Không chỉ phát triển sản xuất, tăng thu nhập cho hàng chục hộ thành viên liên kết, HTX còn đang tạo việc làm cho 10 lao động làm việc trong xưởng sản xuất, với mức lương 5 triệu đồng/người/tháng.
Tham gia vào HTX, cả hộ thành viên liên kết và người lao động được bảo đảm các quyền lợi tốt nhất không chỉ về thu nhập, mà còn về đời sống, sức khỏe và ATVSLĐ. Trong xưởng sản xuất, người lao động được HTX trang bị đầy đủ dụng cụ bảo hộ để bảo đảm an toàn trong quá trình sản xuất.
Với các hộ thành viên, HTX trang bị các kiến thức về sản xuất an toàn, hướng dẫn kỹ thuật từ khâu làm đất, gieo trồng đến chăm sóc, thu hoạch. Các công đoạn cần sử dụng máy móc như làm đất, thu hoạch, vận chuyển… HTX đều cử cán bộ trực tiếp giám sát, bảo đảm quá trình sản xuất đạt hiệu quả và sự an toàn cao nhất.
Các công đoạn chăm sóc như bón phân, phun thuốc BVTV cũng được HTX đặc biệt chú trọng với các quy tắc nghiêm ngặt, bảo đảm nâng cao năng suất cây trồng, đồng thời giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường.
Trong mối liên kết “ba nhà” đang thực hiện, nếu các hộ thành viên là chủ thể sản xuất, HTX như một doanh nghiệp hỗ trợ, thì chính quyền địa phương là “trọng tài” giám sát. “Trong mối quan hệ cộng hưởng, hoạt động sản xuất sẽ được thực hiện khoa học hơn, quyền lợi được chia đều nên các bên đều phải cố gắng, từ đó chất lượng công việc được nâng lên, hoạt động sản xuất hiệu quả hơn”, Phó Giám đốc Đặng Thế Chuyền nói.
Hưng Nguyên