HTX du lịch Mường Lò (Yên Bái) đang phát triển mô hình du lịch cộng đồng. Để người dân trên địa bàn tích cực tham gia làm du lịch, HTX đã liên kết chặt chẽ với chính quyền, các ngành chức năng thường xuyên mở các lớp tập huấn. Ngoài ra, HTX cũng tạo điều kiện cho các thành viên đi học tại các trường đào tạo du lịch để hướng đến phát triển chuyên nghiệp, thuận lợi trong ứng dụng công nghệ thông tin.
Phát huy lợi thế
Bên cạnh đó, HTX vận động các điểm du lịch, nhà nghỉ xây dựng và sửa chữa lại xanh - sạch - đẹp phù hợp với nhu cầu của khách du lịch và tiến hành đặt nhiều thùng đựng rác tại các tuyến đường và điểm du lịch.
Việc tận dụng lợi thế cảnh đẹp thiên nhiên và văn hóa địa phương để phát triển du lịch cộng đồng không chỉ giải quyết vấn đề kinh tế cho người dân, mà còn góp phần bảo vệ môi trường sinh thái tại địa phương.
Tại Quảng Nam, HTX nông nghiệp và dịch vụ bền vững Hội An ra đời đang góp phần nâng cao chuỗi giá trị về nông nghiệp xanh kết hợp với phát triển du lịch trải nghiệm.
Mô hình nhà du lịch cộng đồng của HTX Nậm Hồng (Hà Giang) đang từng bước ứng dụng công nghệ thông tin để thu hút khách hàng. |
Mô hình của HTX được đầu tư xây dựng trên diện tích khoảng 1ha và được chia làm 2 khu vực là nhà xưởng và vườn trồng. Toàn bộ nguyên vật liệu đầu vào của HTX không dùng chất hóa học (phân, thuốc, biến đổi gen…), thay vào đó là sử dụng phân bò, bánh dầu hoặc ủ rơm rạ với cây lá, men vi sinh để tạo thành phân bón cho cây trồng. Việc diệt trừ sâu bệnh cũng bằng các loại thuốc thảo mộc pha chế từ gừng, tỏi, ớt hoặc trồng các loại hoa, sả, húng nhằm dẫn dụ, xua đuổi sâu bệnh, côn trùng.
Chính vì vậy, HTX không chỉ tạo ra những nông sản sạch mà còn mang đến trải nghiệm xanh, đáp ứng nhu cầu hòa mình với thiên nhiên của du khách khi đến trải nghiệm dịch vụ.
Không chỉ dừng lại ở việc triển khai những mô hình, những sản phẩm hữu cơ, thân thiện với môi trường, các HTX du lịch hiện còn đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào kinh doanh để thu hút khách và thích ứng với thị trường.
Bà Sùng Thị Lan, Giám đốc HTX Mường Hoa (Lào Cai) cho biết, dịch Covid-19 khiến khách du lịch đến Sa Pa có thời điểm giảm mạnh, thậm chí thời điểm giãn cách xã hội, HTX hầu như đóng cửa không đón khách. Tuy nhiên, nhờ tiếp cận công nghệ bán hàng online, khách khá đông. Hiện, HTX vẫn duy trì đón khách đặt qua hình thức online và thực hiện bán hàng qua trang Facebook cá nhân của các thành viên.
Có thể thấy, những hướng đi sáng tạo của các HTX du lịch trên đều xuất phát từ sự năng động, chủ động tìm hướng vượt qua khó khăn. Không trông chờ vào hỗ trợ, các HTX đã bắt nhịp với xu hướng của dòng chảy cuộc sống để phát triển kinh tế, mang lại nguồn thu nhập cho bản thân và gia đình, góp phần giảm bớt khó khăn trong mùa dịch cũng như nâng cao giá trị văn hóa và góp phần bảo vệ môi trường.
Nhận định từ các chuyên gia cho thấy, nhu cầu du lịch sau dịch Covid-19 của người dân đang bùng nổ vì bị kìm hãm sau 2 năm dịch bệnh. Chính vì vậy, các HTX du lịch chú trọng đi theo hướng bền vững, ứng dụng công nghệ vào sản xuất kinh doanh không chỉ đem lại sự tiện lợi, tiết kiệm chi phí mà còn nâng cao trải nghiệm du lịch. Và việc các HTX trong lĩnh vực du lịch phát triển kinh doanh thông qua các ứng dụng trên nền tảng số sẽ đưa kinh tế số du lịch phát triển bền vững.
Hướng tới sự chuyên nghiệp
Tuy nhiên, theo đánh giá từ các địa phương, việc ứng dụng công nghệ trong các HTX du lịch hiện vẫn còn ít và chưa thực sự đồng bộ.
Chẳng hạn như HTX Dịch vụ phát triển nông nghiệp 19/5 (Sơn La). Hiện, HTX đã xây dựng mô hình nông nghiệp sạch gắn với phát triển du lịch sinh thái. HTX còn có cơ sở chế biến quả với diện tích 4.000 m2 được trang bị máy móc, thiết bị hiện đại, các sản phẩm chế biến gồm rượu vang, mận sấy dẻo, chuối sấy dẻo với tổng sản lượng tiêu thụ sản phẩm cho thành viên từ 800 - 1.000 tấn các loại nông sản mỗi năm.
HTX cũng đầu tư một quần thể nhà hàng, nhà nghỉ nối liền với khu sản xuất, chế biến để phục vụ khách tham quan, du lịch, từ đó tạo ra một hệ sinh thái khép kín. Nhờ đó, HTX đã phát triển nhiều loại hình du lịch như du lịch cộng đồng, thăm các nhà máy chế biến chè xuất khẩu, các cơ sở chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa; thăm các khu công nghệ cao trồng rau, hoa xuất khẩu.
Thế nhưng, theo ban giám đốc HTX, đến nay, HTX mới chỉ đáp ứng được nhu cầu ăn uống, nghỉ dưỡng ở mức giản đơn. Thành viên chưa có nhiều kỹ năng hướng dẫn du lịch, tổ chức du lịch cộng đồng chuyên nghiệp cũng như áp dụng số hóa trong kinh doanh du lịch.
Còn ông Vũ Ngọc Huân, Giám đốc HTX Dịch vụ du lịch cộng đồng An Lạc (Bắc Giang) cho biết khó khăn lớn nhất của HTX là quy mô nhỏ, nguồn vốn hạn chế, trong khi đầu tư cho du lịch cần nhiều hạng mục có nguồn kinh phí lớn thì mới bảo đảm được sự chuyên nghiệp.
Bên cạnh đó, Hội đồng quản trị HTX cũng như các thành viên vẫn chưa được trang bị kiến thức đầy đủ về làm du lịch chuyên nghiệp, mới phục vụ du khách theo kinh nghiệm và kỹ năng tự có. Việc ứng dụng công nghệ thông tin mới chỉ dừng ở ở mức sơ khai như quét mã QR, sử dụng trang Facebook kết nối khách hàng nhỏ lẻ. Việc ứng dụng các công nghệ như hệ thống thuyết minh tự động, mã QR giới thiệu hiện vật... vẫn chỉ ở tình trạng “tham khảo”.
“Nếu mở rộng quy mô, nâng cao chất lượng, hút thêm du khách, Hội đồng quản trị HTX lo ngại sẽ khó đáp ứng các nhu cầu thị trường và khó cạnh tranh”, ông Huân nói.
Có thể thấy, hiện nay trên cả nước có rất nhiều làng nghề, sản phẩm OCOP… Đây là tiềm năng rất lớn để các HTX phát triển du lịch. Tuy nhiên, so với các doanh nghiệp, việc phát triển du lịch của các HTX vẫn còn không ít khó khăn do phát triển một cách phân tán, nhỏ lẻ.
Để phát triển du lịch và ứng dụng chuyển đổi số thành công, các địa phương cần có kế hoạch phát triển mô hình HTX gắn với du lịch một cách cụ thể theo từng giai đoạn, dựa vào từng thế mạnh của địa phương. Qua đó, các địa phương cần có chính sách hỗ trợ giải quyết các khó khăn để các HTX phát triển.
Đặc biệt, để chuyển đổi số ngành du lịch nói chung và ở khu vực HTX du lịch nói riêng cần nâng cao nhận thức tư duy cán bộ nhà nước, chủ thể HTX về chuyển đổi số.
Theo ý kiến của các nhà tổ chức tour du lịch, thời gian qua, do ảnh hưởng nặng nề trong bối cảnh dịch COVID-19, có tới 90% HTX du lịch đã giảm mạnh doanh thu và hoạt động cầm chừng hoặc ngừng hoạt động do đứt gãy chuỗi.
Chính vì vậy, khi nội lực của các HTX còn yếu dẫn đến việc chưa sẵn sàng cho việc thích ứng với những thay đổi mang tính khách quan trên việc cải tiến quy trình quản lý, sản xuất, việc áp dụng công nghệ mới hay công cuộc chuyển đổi số đều hạn chế.
Bởi vậy, bên cạnh sự hỗ trợ của các cấp ngành, các HTX du lịch cũng cần chủ động tìm ra hướng đi thích hợp và những giải pháp hữu hiệu để phát triển ổn định, bền vững. Trong đó, cần chú trọng đến các chính sách chuyển đổi số, hỗ trợ vốn, đào tạo nhân lực của Nhà nước để phát huy tiểm năng thế mạnh của địa phương đi đôi với bảo vệ môi trường.
Tùng Lâm