Mục tiêu chung của đề án là nâng cao năng lực chủ động áp dụng các biện pháp thích ứng, hạn chế ảnh hưởng tiêu cực, tận dụng cơ hội do biến đổi khí hậu mang lại nhằm phát triển bền vững các HTX nông nghiệp vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Phấn đấu đến năm 2025, 100% HTX nông nghiệp vùng Đồng bằng sông Cửu Long được tuyên truyền, bồi dưỡng nâng cao nhận thức về biến đổi khí hậu và biện pháp thích ứng với biến đổi khí hậu trong sản xuất, kinh doanh, chế biến, bảo quản sản phẩm nông, lâm, thủy sản và diêm nghiệp.
Trong đó, mỗi địa phương có từ 3-5 mô hình HTX nông nghiệp áp dụng các biện pháp thích ứng hiệu quả với biến đổi khí hậu, kết hợp mô hình kinh tế tuần hoàn để nghiên cứu, học tập và nhân rộng. 100% HTX nông nghiệp trong các lưu vực hệ thống thủy lợi cống Cái Lớn-Cái Bé áp dụng các biện pháp thích ứng hiệu quả với biến đổi khí hậu; bình quân các hợp tác xã trong lưu vực tăng hiệu quả kinh tế trên đơn vị diện tích đất nông nghiệp từ 10% trở lên.
Mô hình tôm-lúa ở Đồng bằng sông Cửu Long đang góp phần giải quyết bài toán xâm nhập mặn. |
Bên cạnh đó, đề án đặt mục tiêu phấn đấu hình thành các diễn đàn về kinh tế tập thể, HTX nông nghiệp, chia sẻ thông tin về biến đổi khí hậu, ứng dụng khoa học, công nghệ, các sáng kiến, kinh nghiệm tổ chức sản xuất, kinh doanh nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Hiện, HTX là mắt xích quan trọng trong chuỗi ngành hàng nông nghiệp ở Đồng bằng sông Cửu Long. Phát triển HTX cũng chính là giải pháp hàng đầu để thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, giúp nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên thiên nhiên, phát huy hiệu quả các công trình đã được đầu tư ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long (nhất là đối với hệ thống công trình cống Cái Lớn-Cái Bé).
Tuy nhiên, trong giai đoạn hiện nay, vấn đề đặt ra là các HTX cần sự hỗ trợ để tiếp cận các giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu đang có nhiều diễn biến khó lường.
Chính vì vậy, đề án đã đặt ra nhiệm vụ và giải pháp là đẩy mạnh truyền thông, nâng cao nhận thức về biến đổi khí hậu và biện pháp thích ứng; chú trọng đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn nâng cao năng lực; thúc đẩy, hỗ trợ chuyển đổi sản xuất nông nghiệp theo hướng thích ứng thông minh với biến đổi khí hậu, liên kết chuỗi giá trị…
Đề án cũng triển khai hỗ trợ HTX nông nghiệp chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, cơ cấu luân canh, chuyển đổi mùa vụ sản xuất, sử dụng giống chống chịu phù hợp với hệ thống canh tác mới; sản xuất theo quy trình thực hành nông nghiệp tốt, các tiêu chuẩn chất lượng chứng nhận (VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ, SRP, ASC…); áp dụng các mô hình nông nghiệp thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu.
Theo đề án, ưu tiên hỗ trợ HTX nông nghiệp áp dụng các biện pháp thích ứng với biến đổi khí hậu gắn với tổ chức sản xuất quy mô lớn, cơ giới hóa đồng bộ, ứng dụng công nghệ cao, liên kết chuỗi giá trị và xây dựng thương hiệu nông sản; phát triển đa dạng mô hình liên kết giữa HTX với doanh nghiệp, giữa HTX với hộ nông dân, mô hình chuỗi giá trị nông sản khép kín của HTX nông nghiệp gắn với phát triển các sản phẩm OCOP, du lịch nông nghiệp, nông thôn, mô hình thích ứng biến đổi khí hậu kết hợp kiến thức bản địa.
Đề án cũng hỗ trợ HTX nông nghiệp và thành viên HTX phát triển mô hình kinh tế nông nghiệp tuần hoàn trong sản xuất, kinh doanh, sơ chế, bảo quản, chế biến lúa gạo, trái cây, chăn nuôi, nuôi trồng thủy hải sản và diêm nghiệp; sử dụng phụ phẩm trong quá trình sản xuất nông nghiệp để sản xuất ra các sản phẩm mới, có giá trị gia tăng cao…
Theo Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn, biến đổi khí hậu đang khiến ngành nông nghiệp ở Đồng bằng sông Cửu Long phải hứng chịu những thiệt hại nhãn tiền như: khô hạn, gây thiếu hụt nguồn nước ngọt, tăng chi phí sản xuất, giảm lợi nhuận của người dân, HTX
Trước thực trạng trên, các mô hình HTX thích ứng với biến đổi khí hậu ở Đồng bằng sông Cửu Long đã dần hình thành trong thời gian qua và đạt được những hiệu quả nhất định. Tiêu biểu như mô hình sản xuất lúa thông minh của HTX Mỹ Đông 2 (Đồng Tháp) giúp giảm 30% lượng nước, 40% lượng phân, 60% lượng giống, giảm 75% công bón phân, giảm 50% hóa chất diệt sâu rầy hơn. Đồng thời, giảm phát thải khí nhà kính hơn 40% và quan trọng là giảm tác động do xâm nhập mặn. Từ đó, tăng chất lượng lúa gạo và tăng lợi nhuận.
Tuy nhiên, theo các ngành chức năng những mô hình như trên vẫn còn ít và nhỏ lẻ, manh mún, đồng thời cũng chưa có động lực và hỗ trợ đủ mạnh để nhân rộng. Chính vì vậy, đề án nâng cao năng lực thích ứng với biến đổi khí hậu của HTX nông nghiệp vùng Đồng bằng sông Cửu Long, giai đoạn 2021-2025 sẽ là lực đẩy để các HTX nông nghiệp tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động theo hướng bền vững.
Vùng Đồng bằng sông Cửu Long hiện có khoảng 2.500 HTX nông nghiệp. Hoạt động của các HTX đã góp phần tích cực vào chuyển dịch cơ cấu kinh tế, khai thác được tiềm năng, thế mạnh sẵn có ở địa phương.
Huyền Trang