Thời gian qua, đại dịch Covid-19 mang lại những biến cố nhưng cũng là động lực để đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số trong cộng đồng HTX. Tuy nhiên, một vấn đề đang đặt ra đó là các HTX lại chưa thật sự bước vào quá trình chuyển đổi số. Hay nói đúng hơn là quá trình áp dụng công nghệ trong các HTX vẫn còn nhỏ lẻ và phát sinh nhiều hạn chế nên hiệu quả sản xuất kinh doanh chưa thực sự như mong đợi.
Chuyển đổi số chưa đồng bộ
Ông Lê Giang Phong, Giám đốc HTX sản xuất và kinh doanh Đức Nhuận (Đắk Nông) cho biết HTX đã xây dựng website, tham gia sàn giao dịch thương mại điện tử, thực hiện bán hàng qua facebook, zalo… nhưng hiệu quả tiêu thụ nông sản chưa cao, tổng lượng bán online chưa tới 10% sản lượng.
Có thể thấy, tình trạng như của HTX Đức Nhuận không hiếm gặp ở các HTX hiện nay. Tại tọa đàm “Kinh nghiệm nâng cao hiệu quả kết nối, phát triển quy mô và chuyển đổi số tại các HTX Cộng hòa Liên bang Đức” do Liên minh HTX Việt Nam phối hợp cùng Liên đoàn Hợp tác xã CHLB Đức DGRV tổ chức, các chuyên gia cho rằng chuyển đổi số có vai trò không nhỏ trong nông nghiệp thế nhưng để chuyển đổi số bài bản, các HTX vẫn còn đối mặt với nhiều thách thức.
Trong đó việc tiếp cận công nghệ thông tin còn hạn chế, quy mô HTX còn nhỏ lẻ, lực lượng lao động của HTX còn “neo người” và chưa có điều kiện cập nhật các kỹ thuật mới. Đi cùng với đó là hạ tầng công nghệ thông tin còn thiếu và chưa đồng bộ.
Chuyển đổi số sẽ giúp HTX có nhiều cơ hội trong sản xuất kinh doanh. |
Ông Đặng Văn Chính, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTX Công nghệ thông tin Huế (HueTechCo.op), cho biết thực tế nội lực của các HTX hiện vẫn còn yếu, hầu hết các HTX chưa sẵn sàng chuyển đổi số nên lượng HTX thực hiện chuyển đổi số còn khiêm tốn, quá trình ứng dụng công nghệ thông tin vẫn còn nhiều lúng túng.
Thống kê cho thấy, trong 2.200 HTX ứng dụng công nghệ cao, công nghệ số trong sản xuất nông nghiệp trên cả nước thì phần lớn các HTX này mới chỉ mới ứng dụng công nghệ ở một số bước như công nghệ tưới tiêu, hệ thống nhà lưới, dán tem truy xuất nguồn gốc. Còn vấn đề chuyển đổi số vào khâu chế biến, quản lý, kinh doanh sản phẩm chưa thực sự được các HTX chú trọng nên chưa tạo thành các chuỗi chuyển đổi số hiệu quả. Điều này khiến nhiều HTX khó khăn trong công tác quản lý, chưa nâng cao được giá trị gia tăng.
Theo các chuyên gia, khó khăn hiện nay nằm ở năng lực tiếp cận và ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất kinh doanh. Đây cũng là trở ngại đối với không ít HTX, nhất là các HTX có thành viên và ban quản trị là người lớn tuổi. Còn các HTX đã chuyển đổi theo Luật HTX năm 2012 và có thành viên, ban giám đốc trẻ thì quá trình tiếp cận và ứng dụng công nghệ thông tin vào sản xuất kinh doanh thuận lợi hơn.
Bên cạnh đó, các hoạt động cung cấp thông tin, hỗ trợ HTX tiếp cận, ứng dụng khoa học kỹ thuật, chuyển đổi số vẫn còn khá hạn chế, chưa thực sự nhận được sự quan tâm của các doanh nghiệp, địa phương. Điều này khiến công cuộc chuyển đổi số trong khu vực kinh tế tập thể chưa đạt được nhiều kết quả ấn tượng.
Ưu tiên phát triển dữ liệu nội bộ
Nếu như các HTX ở Việt Nam đang gặp những khó khăn nhất định trong quá trình chuyển đổi số thì tại nhiều nước có kinh nghiệm phát triển mô hình HTX trên thế giới như Cộng hòa Liên bang Đức, Nhật Bản, Hàn Quốc, Hà Lan…. đang thu được những kết quả khả quan trong quá trình chuyển đổi số.
Ông Jörg Migende, Trưởng bộ phận Đối ngoại, Trưởng bộ phận Nông nghiệp Kỹ thuật số, Chuyên gia chính về Kinh doanh Nông nghiệp tập đoàn BayWa (CHLB Đức), cho biết trước đây, việc chuyển đổi số ở Đức cũng không hề dễ dàng vì Đức là một đất nước truyền thống, việc người dân làm nông nghiệp sử dụng điện thoại thông minh không phải dễ dàng. Tuy nhiên, chính các HTX lại là nơi giúp người dân Đức chuyển đổi số hiệu quả thông qua việc liên kết chặt chẽ với các doanh nghiệp, tập đoàn. Hiện ở Đức có rất nhiều doanh nghiệp trực thuộc HTX.
“Chính vì thế mà đến nay, trên các nông trại với diện tích nhỏ khoảng 35ha và lớn là từ 100-500ha, cảnh người dân đi làm bằng những chiếc xe sang như Audi, Mercedes… không hiếm. Đó là nhờ nông nghiệp ở Đức có tỷ lệ cơ giới hóa cao, áp dụng công nghệ cao đồng bộ”, ông Jörg Migende nói.
Để các HTX ở Việt Nam có thể ứng dụng được công nghệ cao và chuyển đổi số hiệu quả, các chuyên gia cho rằng, ngoài liên kết chặt chẽ với các doanh nghiệp để được cung cấp máy móc, thuốc bảo vệ thực vật với mức giá rẻ hơn 20-30%, các HTX ở Việt Nam có thể áp dụng cơ chế chia sẻ máy móc, tức là một người nông dân, một HTX sử dụng máy tưới nước có thể “chia sẻ” với người nông dân có loại máy khác. Điều này sẽ giúp quá trình thanh toán cũng trên cơ chế chia sẻ, từ đó giảm áp lực chi phí và gia tăng hiệu quả.
Ngoài vấn đề chi phí, việc làm thế nào để các HTX có thể số hóa nhanh, đáp ứng được sự phát triển của nền kinh tế cũng là điều mà các HTX quan tâm. Đứng trước khó khăn này, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTX Công nghệ thông tin Huế, cho rằng các HTX cần rà soát lại toàn bộ quy trình sản xuất xem sản phẩm nào, dịch vụ nào không hiệu quả thì cần loại bỏ ngay để dồn lực vào phát triển các dịch vụ, sản phẩm có tiềm năng, lợi thế.
Bên cạnh đó, nhiều HTX hiện chưa tập trung vào mảng truyền thông nên khó tiếp cận được với khách hàng và chưa tạo được động lực chuyển đổi số. Chính vì vậy, đẩy mạnh tham gia các gian hàng trên sàn thương mại điện tử và một sản phẩm có thể tham gia nhiều sàn thì cơ hội phát triển của HTX sẽ nhiều hơn.
Tuy nhiên, điều mấu chốt trong quá trình chuyển đổi số trong nông nghiệp chính là đẩy mạnh phát triển các dữ liệu nội bộ. Nếu không có dữ liệu nội bộ tốt thì khó thực hiện số hóa, nhất là số hóa liên quan đến khách hàng. Chính vì vậy đại diện HTX HueTechCo.op và đại diện tập đoàn BayWa đều đưa ra tư vấn về công việc đầu tiên mà các HTX nên thực hiện trong quá trình chuyển đổi số là: Số hóa thông tin khách hàng, số hóa thông tin sản phẩm – dịch vụ. Điều này sẽ giúp các quá trình sau đó như giao dịch hợp đồng, hóa đơn, kế toán, logistics… cũng được số hóa một cách thuận lợi và đồng bộ.
Để hiện thực hóa câu chuyện chuyển đổi số tại các HTX, Liên minh HTX Việt Nam với vai trò bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho các HTX sẽ làm việc, liên kết với các đối tác ở trong và ngoài nước để tiếp tục hỗ trợ các HTX chuyển đổi số.
Cụ thể là Liên minh HTX Việt Nam sẽ kết nối với văn phòng đại diện của Tập đoàn BayWa tại Việt Nam để hỗ trợ các HTX xuất khẩu một số nông sản sang Đức và các nước châu Âu nhằm tận dụng các hiệp định thương mại tự do.
Bên cạnh đó, Liên minh HTX sẽ tổ chức mô hình HTX chuyển đổi số điểm, trong đó có thể ứng dụng dữ liệu vệ tinh trong dự báo thời tiết, tưới tiêu, bón phân trong sản xuất nông nghiệp dưới sự hỗ trợ của Tập đoàn BayWa, từ đó lan tỏa chuyển đổi số trong HTX.
Ông Nguyễn Hùng Tiến, Trưởng Ban Kinh tế Đầu tư Liên minh HTX Việt Nam cho biết, mục tiêu phát triển kinh tế tập thể (KTTT) của Việt Nam trong thời gian tới là đưa KTTT phát triển ngang tầm các nước trong khu vực và trên thế giới. Trong đó bảo đảm để các tổ chức KTTT đều áp dụng công nghệ, nhất là chuyển đổi số vào hoạt động sản xuất kinh doanh, dịch vụ.
Chính vì vậy, với những định hướng rõ ràng, Liên minh HTX Việt Nam sẽ huy động các nguồn lực, phối hợp chặt chẽ với các bộ ngành, doanh nghiệp… đẩy mạnh công tác tư vấn, hỗ trợ các HTX, tổ hợp tác, liên hiệp HTX ứng dụng công nghệ cao, đào tạo nhân lực, xúc tiến thương mại, quản lý nhân sự… nhằm giúp các HTX chuyển đổi số một cách hiệu quả.
Huyền Trang