Ông Nguyễn Hoàng Kim - Giám đốc HTX Đồng Xuân Tiến, cho biết: “Từ năm 2010, HTX đã đẩy mạnh chuyển đổi, mở rộng diện tích cây trồng có giá trị cao, điển hình như dưa bao tử, ngô ngọt, cà chua nhót, ớt, cây dược liệu xuất khẩu, mướp đắng, rau trái vụ... Giá trị sản xuất hàng năm đạt bình quân 5,7 - 6 tỷ đồng”.
Phát triển toàn diện
Để nâng cao giá trị, HTX chủ động quy hoạch và xây dựng các khu sản xuất tập trung, ưu tiên cho sản xuất hàng hóa xuất khẩu, các vật nuôi có giá trị cao và phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức tập huấn, chuyển giao KH-KT cho người dân về sản xuất rau an toàn, lúa an toàn…
Về tiêu thụ, HTX chủ động tìm kiếm và ký hợp đồng liên kết sản xuất, bao tiêu đầu ra cho thành viên và coi đây là khâu then chốt trong phát triển nông nghiệp hàng hóa. Đơn cử, HTX vừa triển khai dự án sản xuất lúa chuẩn VietGAP cho công ty CP Giống cây trồng và con nuôi Ninh Bình với diện tích 150 ha.
Về sản xuất, HTX đã và đang đẩy mạnh cơ giới hóa. Cụ thể, HTX đã đầu tư vốn hơn 2 tỷ đồng trang bị máy móc, gồm máy gặt đập liên hợp, máy làm đất, máy gieo hạt... Đến nay, HTX có tỷ lệ cơ giới trong khâu làm đất đạt 100%, trong khâu thu hoạch đạt 80 - 90%.
“Cơ giới hóa là yếu tố bắt buộc để phát triển và máy móc là công cụ hỗ trợ tối ưu, giúp con người giảm công lao động, nâng cao năng suất. Song, cơ giới hóa cũng kéo theo nhiều nguy cơ, an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) là một trong số đó”, Giám đốc chia sẻ.
“Vì vậy, ngay từ khi chuẩn bị mua sắm máy móc, HTX đã cử cán bộ đi thăm quan các mô hình, các buổi trình diễn máy móc và đi tập huấn kỹ thuật vận hành các loại máy hiện đại. Việc này vừa đảm bảo năng suất hoạt động, vừa bảo đảm an toàn cho máy móc và cho người lao động”, ông Kim tiếp tục.
Chính sự phát triển toàn diện về cả sản xuất và con người đã giúp HTX Đồng Xuân Tiến đạt được những kết quả tích cực.
HTX đạt được nhiều thành tựu nhờ cơ giới hóa gắn với ATLĐ
Hiệu quả vượt bậc
Năm 2016, HTX đã xây dựng và được chứng nhận chuẩn VietGAP cho trên 130ha lúa và hướng tới chứng nhận cho 10ha rau màu.
Hiện tại, 100% diện tích lúa gieo cấy ở hai vụ trà xuân muộn và mùa sớm được áp dụng các giống lúa thuần chất lượng, có giá trị kinh tế cao như Bắc thơm số 7, LT2, Thiên ưu 8, TBR288…
HTX cũng đang hoạt động hiệu quả trong khâu cung cấp dịch vụ, vật tư nông nghiệp. Từ năm 2012, HTX thu lãi bình quân 600 - 800 triệu đồng/năm từ các dịch vụ như làm đất, nước, bảo vệ thực vật, phân bón, ứng dụng tiến bộ KH-KT, bao tiêu sản phẩm...
Giá trị sản xuất của HTX đạt bình quân 130 - 150 triệu đồng/ha/năm. Nhiều diện tích chuyển đổi trồng cây dược liệu gồm trạch tả, ngưu tất... cho thu nhập 400 - 500 triệu đồng/ha/năm. Giá trị từ cây trái vụ như mướp đắng, bí xanh, dưa chuột, ớt… cho thu nhập 15 - 17 triệu đồng/sào/năm.
Không chỉ trồng trọt, HTX cũng đặc biệt quan tâm phát triển chăn nuôi theo hướng gia trại. Hiện tại, HTX có 55 trang trại và gia trại, mỗi năm cho thu nhập 3 - 5 tỷ đồng, góp phần không nhỏ tạo việc làm, tăng thu nhập cho thành viên.
Hưng Nguyên