Hiện nay, tổng số gia súc của HTX là hơn 200 con. Trong đó, có 80 con trâu, 100 con bò, 50 con dê. Việc chăn nuôi kết hợp giúp phát huy những thế mạnh của từng loại gia súc, tận dụng nguồn thức ăn nông nghiệp.
Phòng bệnh hơn chữa bệnh
Nhờ được tập huấn kỹ thuật và quyết tâm cải thiện kinh tế gia đình, các thành viên đã xây dựng khu chuồng nuôi riêng biệt, xa chỗ ở và được bố trí đầy đủ hệ thống máng ăn, nước uống.
Đây là cách làm mới đối với những thành viên là những hộ dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số từng nhiều năm chăn nuôi ngay dưới sàn nhà, vừa gây mất vệ sinh, ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe.
Tại tất cả khu vực chuồng trại, các hộ thành viên đều dự trữ lượng vôi bột lớn để tẩy rửa, sát trùng. HTX cũng chú ý thực hiện tiêm phòng các loại vắc xin, hóa chất phòng dịch bệnh theo hướng dẫn của cán bộ thú y xã, như: Vắc xin phòng dịch cúm gia cầm, lở mồm long móng, tụ huyết trùng, dịch tả ở đàn trâu, bò… HTX cũng chú ý đến vấn đề vệ sinh chuồng trại, thực hiện thu gom, ủ phân gia súc để làm phân bón cho cây trồng.
Áp dụng khoa học kỹ thuật trong chăn nuôi, chú trọng phòng bệnh, đàn gia súc của HTX tăng trọng đều, ít bị nhiễm dịch bệnh, từ đó giảm được sức lao động cho các thành viên, hạn chế ô nhiễm môi trường. Giá bán gia súc vì thế cũng cao hơn. Hiện, sau khi trừ chi phí, các thành viên có thu nhập bình quân 30 triệu đồng/ hộ/năm.
Từ khi tham gia HTX, nhiều gia đình đã phần nào cải thiện được cuộc sống. Điển hình như hộ ông Lò Văn Nghiệm - thành viên HTX, với 8 con trâu ban đầu, đến nay, gia đình ông đã nuôi thêm 11 con bò, 10 con dê và 5 con ngựa. Gia súc còn hỗ trợ các thành viên phát triển mùa màng, thồ hàng trên núi… từ đó, thúc đẩy kinh tế phát triển.
Tham gia HTX, nhiều gia đình đã phần nào cải thiện được cuộc sống |
Chủ động dự trữ thức ăn
Với điều kiện khí hậu khắc nghiệt vào mùa đông, phải gánh chịu nhiều đợt giá rét, dễ dẫn đến tình trạng thiếu thức ăn cho đàn gia súc. Để giải quyết khó khăn này, HTX không chỉ chú trọng xây dựng, che chắn chuồng trại, mà còn chủ động dự trữ nguồn thức ăn cho đàn gia súc.
Ngoài dự trữ rơm khô và cỏ khô, HTX đã xây dựng những bể xi măng có nắp đậy để ủ chua thức ăn xanh cho đàn gia súc bằng men vi sinh, muối và cám gạo.
Đây là quy trình kìm hãm sự lên men, phân hủy, dẫn đến hỏng thức ăn xanh (cỏ voi, thân, lá cây ngô, phụ phẩm nông nghiệp...). Việc này giúp thức ăn để được lâu ngày mà vẫn bảo đảm lượng dinh dưỡng nhất định. Đây được coi là giải pháp hữu hiệu để bảo quản thức ăn khi có quá nhiều thức ăn vào mùa hè, gia súc không ăn hết nhưng lại bị thiếu hụt vào mùa đông.
Thức ăn ủ chua đã giúp HTX tăng hiệu quả trong chăn nuôi gia súc vào mùa đông. Vì thức ăn ủ chua còn giúp đàn gia súc dễ tiêu hóa. Nếu bảo quản tốt, HTX có thể sử dụng thức ăn ủ chua trong vòng 6 tháng. Đặc biệt, các bể ủ chua thức ăn đều được nén chặt bằng nilon, sau đó đậy bằng nắp xi măng, nên không phát tán mùi ra môi trường.
Hiệu quả trong ủ chua thức ăn gia súc đã thúc đẩy nhiều hộ thành viên xây thêm các bể để ủ chua thức ăn khác nhằm tăng lượng thức ăn cho gia súc, tận dụng phụ phẩm nông nghiệp.
Với điều kiện thời tiết khắc nghiệt, hơn nữa lại có số lượng đàn gia súc khá lớn, việc chủ động lượng thức ăn cho đàn gia súc phát triển tốt mà không phụ thuộc quá nhiều vào nguồn thức ăn là cỏ tự nhiên khan hiếm trong mùa đông, biện pháp ủ chua là một mô hình hay, cần nhân rộng.
Như Yến