Chiều 7/11, Quốc hội nghe báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý và tiếp tục thảo luận về những điều còn có ý kiến khác nhau trong dự thảo Luật Chăn nuôi.
Thiếu bàn tay hữu hình
Đại biểu Trần Hoàng Ngân (Đoàn Tp.HCM) cho rằng cần phải xem lĩnh vực nông nghiệp là thế mạnh của Việt Nam, nên phải tăng cường bàn tay hữu hình của Nhà nước để đề ra các cơ chế, chính sách hỗ trợ ngành chăn nuôi phát triển bền vững.
Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ để các hộ nông dân đi vào sản xuất lớn, từ đó ứng dụng được khoa học công nghệ vào nông nghiệp, chống được tình trạng phải giải cứu nông sản, như giải cứu thịt lợn năm trước.
Hiện nay, có cả một hệ thống từ sở ban ngành hỗ trợ, quản lý phát triển ngành nông nghiệp, tuy nhiên việc điều tiết cung – cầu chưa thực sự hiệu quả.
Trong khi đó, vai trò của Chính phủ phải là cầu nối hộ nông dân với thị trường, nhưng lâu nay mới dừng lại ở liên kết 4 nhà: Nhà nước, nhà khoa học, nhà nông và nhà doanh nghiệp (DN).
Tuy nhiên, cả 4 khâu này vẫn còn rất yếu. Đặc biệt, trong liên kết, người nông dân đang bị yếu thế. “Lâu nay, vấn đề liên kết giữa DN với nông dân chưa tạo được sự công bằng, tình trạng ép giá vẫn diễn ra và người nông dân yếu thế luôn bị thua thiệt”, ông Ngân nói.
Nhiều đại biểu cho rằng vai trò của Chính phủ ở đây phải là cầu nối, phải giải được bài toán hỗ trợ gì cho nông dân thì mới nâng cao được giá trị gia tăng của lĩnh vực này.
Theo ông Ngân, trong nền kinh tế thị trường, Nhà nước phải có vai trò quan trọng trong việc định hướng thị trường cho người nông dân. Cũng giống như nông sản, đầu ra cho chăn nuôi thường bị tư thương ép cấp, ép giá nên vấn đề là cung cấp thông tin một cách chính xác.
Liên quan đến Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đang được Quốc hội xem xét phê chuẩn, các đại biểu nhận định, Hiệp định này sẽ là một cơ hội lớn để ngành chăn nuôi phát triển.
Tạo công bằng trong liên kết chăn nuôi |
Nắm cơ hội đến từ CPTPP
Tuy nhiên, để tận dụng được lợi thế của một quốc gia nông nghiệp, ông Ngân cho rằng, ngay từ bây giờ, Nhà nước phải hỗ trợ các lĩnh vực đầu tư công như: đầu tư cảng sông, cảng biển cho xuất khẩu, xây dựng đường giao thông đi vào nông trại ra sao để hàng hóa đến được với nông dân.
“Quan trọng nhất là chính sách hỗ trợ của Chính phủ đối với ngành chăn nuôi”, ông Ngân nói.
Bên cạnh đó, ngành chăn nuôi cũng phải ứng dụng cách mạng công nghiệp 4.0, ứng dụng khoa học công nghệ.
Tuy nhiên, để làm được điều này, ngành chăn nuôi cần tổ chức sản xuất theo hướng sản xuất lớn, chuyên nghiệp, sản xuất theo trang trại thì mới có điều kiện ứng dụng khoa học công nghệ, đưa cơ giới hóa tổ chức lại sản xuất.
“Lĩnh vực nông nghiệp là ưu thế và lợi thế cạnh tranh nhất của Việt Nam và còn rất nhiều dư địa để phát triển nếu chúng ta biết ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất”, ông Ngân khẳng định.
Cùng quan điểm, đại biểu Quàng Văn Hưng (Đoàn Sơn La) cho rằng trước thềm hội nhập CPTPP, Việt Nam là một nước nông nghiệp sẽ có nhiều lợi thế để cạnh tranh xuất khẩu. Tuy nhiên, cần phải có sự kết nối giữa DN và người nông dân, liên kết giữa các hộ nông dân với nhau. Đặc biệt, người nông dân phải thay đổi tư duy, phong tục tập quán chăn nuôi nhỏ lẻ, manh mún, hướng tới chăn nuôi bền vững.
Phát biểu giải trình một số vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết Bộ sẽ tập hợp lại toàn bộ ý kiến của các đại biểu, ý kiến nào hợp lý cần phải tiếp thu thì sẽ tiến hành khẩn trương, ý kiến nào không tiếp thu thì Bộ sẽ có giải trình cụ thể tới các đại biểu.
Thanh Hoa