Thành lập năm 2017, HTX có 185 thành viên, trong đó 75% là nông dân trồng dừa trên địa bàn huyện Mỏ Cày Nam. Đây là địa phương có gần 17 ngàn héc-ta dừa, trong đó, diện tích thu hoạch gần 15 ngàn héc-ta, sản lượng hàng năm đạt trên 150 triệu trái, kênh tiêu thụ chủ yếu thông qua các thương lái trong và ngoài huyện.
Chuỗi giá trị cây dừa
Cùng với chuỗi giá trị con heo, chuỗi giá trị cây dừa là một trong 2 chuỗi giá trị quan trọng được huyện tập trung xây dựng để góp phần tạo đầu vào, đầu ra ổn định cho nhiều nông dân trồng dừa và người sản xuất, kinh doanh một số sản phẩm từ dừa trên địa bàn.
Để tạo thuận lợi cho thành viên yên tâm sản xuất, HTX mua dừa của thành viên không qua trung gian, đồng thời bán phân bón hữu cơ cho nông dân với giá rẻ hơn bên ngoài. HTX hợp đồng mua bán với công ty TNHH Chế biến dừa Lương Quới các sản phẩm cơm dừa trắng với giá 8.200 đồng/kg và phần da dừa. Các sản phẩm còn lại như nước dừa, gáo, vỏ, xơ dừa đều được các doanh nghiệp, cơ sở các ngành nghề khác thu mua, phục vụ cho sản xuất.
Những chiếc gáo dừa đẹp sẽ được chọn lọc để bán cho các cơ sở sản xuất đồ mỹ nghệ. Trung bình mỗi ngày, công nhân làm việc tại HTX sơ chế từ 7 - 8 ngàn trái dừa, cho ra thành phẩm từ 2,5 - 3 tấn cơm dừa trắng. Từ khi hoạt động đến nay, doanh thu hàng tháng của HTX đạt khoảng 600 triệu đồng.
Sản xuất hữu cơ là cách để nâng cao giá trị cây dừa |
Ông Đặng Trúc Phương - Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX cho biết trước đây, việc vận động tham gia HTX khó khăn do người dân chưa hiểu về những chính sách, quy định mới cũng như lợi ích khi tham gia HTX. Một bộ phận khác thì e dè, chưa dám đầu tư vì muốn thấy hiệu quả thực tế. Từ khi xây dựng được chuỗi giá trị dừa, nhiều người dân đã nhận thấy hiệu quả và mong muốn tham gia HTX.
Chị Bùi Thị Mai, thành viên HTX chia sẻ: “Tham gia HTX, bản thân tôi thấy mình được nhiều lợi ích. Trước hết là nếu mình có nhu cầu về chăm sóc vườn dừa thì HTX sẽ hướng dẫn về kỹ thuật cho mình. Thứ hai là khi mình bán dừa thì HTX tiến hành thu mua tại chỗ cho mình. HTX mua dừa đúng giá thị trường, người nông dân không bị ép giá hoặc bán lỗ do không nắm giá thị trường, được đảm bảo đầu ra của trái dừa”. Được biết, vườn dừa của chị Mai có diện tích khoảng 3 công đất, trồng xen dừa xiêm xanh và các loại dừa khác. Hiện, gia đình đang có định hướng trồng mới, thay nhiều cây dừa lão.
Sản xuất hữu cơ
Năm 2017, thời điểm mà dừa trên đà rớt giá cũng là những năm tháng HTX Định Thủy gặp khó khăn nhất. Lúc đó, Trung Quốc siết chặt xuất khẩu tiểu ngạch, giá dừa liên tục sụt giảm thê thảm. Thời điểm đầu năm 2018, giá dừa dao động chỉ còn 40-50 nghìn đồng/chục. Để khắc phục tình trạng đó, ông Phương khẳng định: “Phải làm hữu cơ để đi chính ngạch!”.
Một trong các nguyên tắc sản xuất nông nghiệp hữu cơ là không dùng các vật tư là chất hóa học tổng hợp trong tất cả các giai đoạn của chuỗi sản xuất. Trồng dừa đạt chuẩn hữu cơ cũng vậy, vườn dừa phải sạch, tuyệt đối không sử dụng hóa chất hay phân vô cơ mà chỉ bón hoàn toàn bằng phân chuồng. Nhận thấy phân vô cơ có ảnh hưởng xấu tới chất lượng của cây dừa, các thành viên HTX đã chuyển sang sử dụng phân hữu cơ tổng hợp cũng đạt hiệu quả.
Với định hướng phát triển vườn dừa theo chuẩn hữu cơ, các thành viên HTX không còn sử dụng phân hữu cơ tổng hợp mà chỉ rải các loại phân chuồng (phân dê, phân gà) ủ hoai với chế phẩm Tricoderma. Sau khi chuyển đổi sang sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ, hầu hết các vườn dừa đều cho năng suất tốt.
Để ngành dừa phát triển bền vững, HTX còn tăng cường công tác đào tạo về an toàn lao động (ATLĐ), chuyển giao kỹ thuật canh tác dừa cho các thành viên. Mới đây, Liên minh HHTX tỉnh Bến Tre phối hợp cùng Trường Trung cấp nghề và Đào tạo cán bộ HTX miền Nam thuộc Liên minh HTX Việt Nam tổ chức lớp tập huấn An toàn vệ sinh lao động cho thành viên và người lao động làm việc tại HTX Định Thủy.
Các thành viên HTX được tập huấn chính sách pháp luật về ATLĐ, vệ sinh lao động; tổ chức quản lý - nghiệp vụ về ATLĐ, vệ sinh lao động tại cơ sở; an toàn làm việc với máy móc, thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt; tổng quan - yếu tố nguy hiểm, có hại trong sản xuất - biện pháp phòng ngừa.
Nhờ đó, thành viên và người lao động hiểu được mục tiêu của ATLĐ là phòng ngừa những yếu tố nguy hiểm trong sản xuất và ngăn ngừa tai nạn. Vệ sinh lao động là hệ thống các biện pháp và phương tiện nhằm phòng ngừa tác động của yếu tố có hại trong sản xuất đối với người lao động. Việc thực hiện tốt công tác bảo hộ lao động thể hiện sự quan tâm đầy đủ về sản xuất. Đó cũng là một điều kiện nhằm đảm bảo cho sản xuất hiệu quả cao và phát triển bền vững.
Tiến Minh