Quyết định chuyển hướng sang trồng chanh không hạt đang mở ra hướng đi mới cho người dân Bến Lức |
Chuyển hướng thành công
Có tổng diện tích trên 8.000 ha, Bến Lức từng được biết đến là một trong những vùng chuyên canh mía lớn nhất của tỉnh Long An. Tuy nhiên, do những yếu tố của thị trường, giá mía liên tục bấp bênh, đời sống của người dân rơi vào thế khó.
Thực tế đòi hỏi người dân và chính quyền huyện Bến Lức phải nhanh chóng có hướng chuyển đổi hợp lý để phát triển. Theo đó, từ năm 2002, sau thời gian dài nghiên cứu thị trường, trang bị kiến thức, cơ sở khoa học – kỹ thuật, cùng sự đồng hành của địa phương, nhiều hộ dân ở Bến Lức đã mạnh dạn chuyển đổi từ cây mía sang cây chanh không hạt.
Cây chanh không hạt nhanh chóng cho thấy hiệu quả tích cực tại vùng trồng thử nghiệm rộng hơn 1 ha tại ấp 1 xã Bình Đức. Sau đó là vùng trồng chanh của các hộ dân ở ấp 7, xã Lương Hòa rộng hơn 2 ha. Kể từ đó đến nay, diện tích chanh không hạt của huyện liên tục được nhân lên.
Theo thống kê của Phòng NN&PTNT huyện Bến Lức, diện tích cây chanh của huyện hiện đạt xấp xỉ 4.800 ha, trong đó chanh không hạt chiếm trên 3.600 ha.
Với hiệu quả vượt trội, tỉnh Long An đặt mục tiêu nâng diện tích cây chanh lên 10.000 ha vào năm 2020, trong đó huyện Bến Lức xác định mở rộng diện tích cây chanh lên trên 5.000 ha chủ yếu là chanh không hạt, phát triển vùng sản xuất nông nghiệp chuyên canh theo hướng hiện đại gắn với ATLĐ, giúp nông dân có đầu ra ổn định đưa sản phẩm chanh Bến Lức đến với thị trường thế giới.
Đồng thời, các vấn đề về thị trường, phát triển thương hiệu, hoàn thiện bao bì, nhãn mác… cũng sẽ được huyện Bến Lức đặc biệt quan tâm, nhằm xây dựng quy trình sản xuất nông nghiệp an toàn theo chuỗi giá trị, cung ứng sản phẩm chanh an toàn, góp phần xây dựng nền nông nghiệp phát triển toàn diện bền vững.
Chanh Bến Lức đang có sức cạnh tranh mạnh nhờ sản xuất an toàn |
Chú trọng kỹ thuật
Để phát huy thế mạnh địa phương, năm 2014, HTX dịch vụ nông nghiệp Thạnh Hòa được thành lập, với mục tiêu mở rộng quy mô sản xuất, xây dựng vùng chuyên canh chanh an toàn theo hướng hàng hóa, nâng cao ATLĐ, vệ sinh thực phẩm, mang lại lợi ích toàn diện, bền vững cho người dân.
Ông Vũ Ngọc Báo - Giám đốc HTX Thạnh Hòa, cho biết: “Quyết định chuyển từ trồng mía sang trồng chanh không hạt là bước ngoặt thay đổi đời sống của người dân Bến Lức. Không chỉ cho hiệu quả cao về kinh tế, chanh không hạt còn đem lại sự thay đổi toàn diện về tư duy sản xuất của người dân trên địa bàn”.
Về kinh tế, cây chanh không hạt cho trái quanh năm, định kỳ 20 - 25 ngày cho thu hoạch một lần, với giá ổn định ở mức 15.000 - 20.000 đồng/kg (vào mùa nắng nóng tháng 3 - 4 âm lịch, giá chanh có thể lên tới 27.000 - 30.000 đồng/kg), người trồng chanh thu về lợi nhuận trung bình 200 - 250 triệu đồng/năm/ha.
Về sản xuất, với tôn chỉ “sản xuất an toàn, phát triển bền vững”, người sản xuất chanh không hạt tại Bến Lức được hướng dẫn áp dụng tiêu chuẩn VietGAP vào quy trình sản xuất, nhằm tạo ra những sản phẩm chất lượng, bảo đảm các tiêu chuẩn cao về ATLĐ, vệ sinh thực phẩm, môi trường làm việc và truy nguyên nguồn gốc, xuất xứ.
Sở hữu vườn chanh không hạt rộng 0,5 ha, anh Ngô Quốc Huy (xã Thạnh Hòa) chia sẻ: “Vườn chanh nhà tôi đã được 5 năm tuổi, năng suất bình quân đạt 15 tấn/năm. Kể từ khi liên kết với HTX vào năm 2015, tôi luôn nhận được sự hỗ trợ thiết thực từ HTX về kỹ thuật, dịch vụ đầu vào, thị trường tiêu thụ…”.
Các vấn đề về vệ sinh thực phẩm, ATLĐ cũng luôn được HTX quan tâm, hỗ trợ. Điển hình, trong quá trình sản xuất, thành viên HTX được tập huấn kỹ thuật sử dụng máy móc an toàn, cách sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật đúng cách, giúp hiệu quả sản xuất tăng, sức khỏe được bảo đảm.
Nguyên Hưng