Bắc Sơn đang thu lợi lớn nhờ cây có múi |
Trợ lực sản xuất
Nhận thấy những lợi ích vượt trội của cây có múi như bưởi, cam, quýt… thời gian qua, Bắc Sơn đã chủ động lập quy hoạch, xây dựng các vùng trồng cây theo quy mô lớn, phát triển sản xuất hiện đại gắn với ATLĐ tại 9 xã của huyện như Đồng Ý, Chiến Thắng, Vũ Sơn, Tân Lập, Tân Hương, Quỳnh Sơn…
Với sự hỗ trợ tích cực từ địa phương, nhiều hộ dân trên địa bàn huyện Bắc Sơn đã bắt tay trồng và mở rộng diện tích cây ăn quả có múi. Đến nay, toàn huyện có hơn 900 ha cây ăn quả có múi, với một số loại cây chủ lực như quýt (560 ha), cam (160 ha), bưởi (170 ha)…
Để trợ lực phát triển sản xuất cho người dân, hàng năm, các cơ quan chuyên môn của huyện Bắc Sơn đã phối hợp với các địa phương mở các lớp tập huấn chuyển giao khoa học - kỹ thuật, tập huấn về ATLĐ, vệ sinh thực phẩm cho các hộ sản xuất. Bình quân mỗi năm sẽ có từ 25 - 30 lớp, tổ chức tập huấn cho khoảng 1.200 – 1.500 người.
Đặc biệt, từ năm 2017 đến nay, huyện đã tổ chức phân bổ nguồn vốn hỗ trợ phát triển sản xuất trong Chương trình xây dựng nông thôn mới (trung bình từ 400 – 600 triệu đồng/năm) để đầu tư trồng và chăm sóc cây ăn quả theo hướng sản xuất nông nghiệp an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP.
Đến nay, toàn huyện đang phát triển thành công gần 170 ha cây ăn quả có múi theo tiêu chuẩn VietGAP, trong đó, có gần 150 ha quýt và 20 ha bưởi. Diện tích này đang cho lợi ích kép về kinh tế và ATLĐ.
Các mô hình sẽ được đẩy mạnh theo hướng an toàn |
Hiệu quả vượt trội
Ông Đặng Văn Lương, Giám đốc HTX Nam Hồng (xã Chiến Thắng), chia sẻ vào năm 2017, được sự hỗ trợ của Nhà nước, HTX bắt đầu áp dụng quy trình chăm sóc quýt theo hướng VietGAP giúp cây ra quả đều, năng suất ổn định hơn. Nếu trước đây, trung bình mỗi cây cho thu 30 kg quả thì hiện nay, mỗi cây cho thu từ 40 - 50 kg quả.
“Gia đình tôi đang phát triển 2 ha quýt, 70 cây bưởi da xanh và 150 cây cam Vinh. Vụ quýt năm 2018, gia đình tôi thu khoảng 30 tấn quả, trừ chi phí lãi 250 triệu đồng. Năm 2019 này, dù giá bán có nhiều biến động, tuy nhiên, lợi nhuận thu về vẫn được đảm bảo”, ông Lương phấn khởi nói.
Nhờ sản xuất an toàn, chú trọng ATLĐ và khoa học – kỹ thuật, cả 17 thành viên HTX đều đang có thu nhập ổn định từ 100 - 300 triệu đồng/năm từ cây ăn quả. HTX cũng đang liên tục mở rộng diện tích, tạo vị thế vững chắc trên thị trường.
Cũng đang thu về nguồn lợi lớn từ cây ăn quả có múi, bà Hoàng Thị Sáng (xã Đồng Ý), cho biết gia đình bắt đầu trồng bưởi diễn từ năm 2006 với 100 cây, đến nay mở rộng lên hơn 300 cây.
“Hiện trung bình mỗi năm, gia đình tôi thu gần 2 vạn quả, với giá bình quân 20 nghìn đồng/quả, trừ chi phí, gia đình thu nhập gần 400 triệu đồng. Không chỉ cho hiệu quả kinh tế cao, sản xuất khoa học giúp chúng tôi nâng cao ATLĐ, vệ sinh thực phẩm, từ đó mang lại những lợi ích toàn diện”, bà Sáng cho hay.
Trên những thành công đang có, đại diện UBND huyện Bắc Sơn cho biết thời gian qua, huyện đã kết hợp du lịch trải nghiệm gắn với nông nghiệp để tăng nguồn thu cho nhà vườn. Cùng với tổ chức sản xuất, huyện đã điều chỉnh, kiện toàn bộ máy HTX ở các xã để HTX thực sự phát huy vai trò là cầu nối gắn kết các thành viên trong lao động, sản xuất, liên kết với doanh nghiệp để bao tiêu sản phẩm.
Phượng Vỹ