Sau nhiều năm “lép vế” trước xu hướng canh tác các giống bơ nước ngoài, HTX Đắk Lắk ra đời đã tập trung đầu tư, cải tạo, thay thế dần những giống bơ bị thoái hóa, chất lượng kém, đến nay, giống bơ Booth bản địa đang được quan tâm nhiều hơn, và dần khẳng định chỗ đứng của mình tại thị trường trong và ngoài nước.
Đưa bơ vào “sân chơi” cao cấp
Nhiều năm miệt mài “đèn sách” trên giảng đường đại học, năm 2013, khi ra trường, chàng trai 8X – Nguyễn Phi Hồng Ngọc (Giám đốc HTX sản xuất và dịch vụ nông nghiệp hữu cơ Đắk Lắk) tốt nghiệp 2 bằng cử nhân Đại học Bách khoa Hà Nội và Đà Nẵng lại quyết định rời xa thành phố để về quê làm nông dân, phát triển kinh tế trên chính mảnh đất của quê hương mình.
Chuẩn hóa theo hướng hữu cơ để đưa bơ vào “sân chơi” trái cây cao cấp. |
Năm 2019, sau khoảng thời gian “dấn thân” làm nông nghiệp hữu cơ anh Ngọc và các “chiến hữu” của mình quyết định thành lập HTX sản xuất và dịch vụ nông nghiệp hữu cơ Đắk Lắk với mục đích kết nối, nâng tầm sản phẩm, tạo điều kiện làm việc với các đối tác chuyên nghiệp.
Đến nay, HTX đã quy tụ được 30 thành viên, đa số các đều có tuổi đời rất trẻ, tâm huyết với kinh tế tập thể, đặc biệt là trình độ chuyên môn đào tạo ở bậc Đại học, Cao đẳng. Đây chính là lực lượng “trợ lực” cho lãnh đạo HTX quản lý, điều hành từng bước hiệu quả hơn.
Xuất phát từ ý tưởng xây dựng vùng bơ bản địa theo hướng hữu cơ, hơn ba năm qua, HTX Đắk Lắk đã sưu tầm và phát triển được nhiều giống bơ Booth từ các cây mẹ ngay tại địa phương. Đồng thời chú trọng kỹ thuật, quy trình đầu tư, chuẩn hóa quả bơ để đưa vào “sân chơi” thị trường cao cấp.
Trước tác động của biến đổi khí hậu, các giống bơ “nội” đang dần thể hiện tính thích nghi tốt hơn, nhờ chu kỳ sinh trưởng của trái ngắn, sức chống chịu sâu bệnh cao, ít tốn công, chi phí chăm sóc so với bơ “ngoại”.
Hiện, các sản phẩm hữu cơ HTX đã có mặt trong cửa hàng HIM Food tại Hà Nội; chuỗi cửa hàng nông sản sạch tại TP.HCM như: Simple organic, Greenbot, Midori, Nông sản nhà quê; các kênh phân phối tại các tỉnh: Thanh Hóa, Nghệ An, Huế, Quảng Trị, Đà Nẵng…
Không những vậy, HTX còn xây dựng thành công thương hiệu cà phê Yhao, trồng và sản xuất tinh dầu dược liệu Tây Nguyên xanh, sơ chế các loại trái cây, rau, củ hữu cơ.
Đến nay, HTX có 4 ha bơ hữu cơ trồng chuyên canh và hơn 200 ha bơ hữu cơ trồng xen canh với sầu riêng, cà phê, hồ tiêu ở các huyện Krông Pắc, Krong Buk, Krông Ana,…
Từ khi thành lập đến nay, HTX đã đồng hành và gắn kết nhiều hộ dân sản xuất hữu cơ, liên kết với Tổ hợp tác sản xuất bơ Krông Búk, nhóm sản xuất lúa ở huyện Krông Ana, trồng cây ngắn ngày ở xã Yang Reh, sản xuất trái cây ăn quả ở xã Ea Nuol, trồng cà phê tại xã Hòa Đông…
Tìm lại vị thế nhờ trồng bơ hữu cơ
Anh Ngọc kể lại: Cách đây hơn 10 năm, bà con đổ xô trồng bơ Booth vì có giá bán ra thị trường rất cao, thậm chí có thời điểm lên đến 100.000 đồng/kg. Tuy nhiên, 3-4 năm trở lại đây bơ Booth rớt giá liên tục, nhiều nông dân trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk không còn mặn mà chuyển dần sang canh tác bơ ngoại.
Trồng bơ Booth hữu cơ, thành viên và các hộ liên kết HTX không lo đầu ra. |
Nguyên nhân trên xuất phát một phần do nông dân mới trồng, chưa có sự am hiểu về giống cũng như bị tác động bởi thương lái, hơn nữa tình trạng thu hoạch bơ non, kém chất lượng khiến giá trị của loại bơ này bị đánh giá thấp, khó tiêu thụ. Do đó, để giữ được giá trị của quả bơ Booth trước hết phải giữ được chất lượng để tránh phải “giải cứu” như hiện nay.
Ngoài trồng bơ theo quy trình hữu cơ, để bơ chín tự nhiên, HTX đang ứng dụng công nghệ của Nhật, phủ một lớp nano canxi chiết xuất từ vỏ sò lên quả bơ tạo lớp màng kháng khuẩn, chống mất nước. Công nghệ này giúp kéo dài thời gian bảo quản và hạn chế tỷ lệ hư hỏng.
Ngoài ra, HTX còn áp dụng khoa học kỹ thuật hiện đại như: Hệ thống tưới tự động, ghi chép nhật ký nông vụ... Đồng thời, HTX đã chủ động được khâu cấp đông để bảo quản bơ tránh tình trạng bán ra ồ ạt khiến giá bơ bị hạ thấp và mang lại kinh tế cho mỗi thành viên và các hộ liên kết.
Với tiêu chí sản xuất nông sản sạch, HTX chủ động sản xuất phân bón sinh học tận dụng từ chất thải nông nghiệp như: ủ bánh dầu, đạm cá với rỉ mật, làm chitosan từ vỏ tôm cua để tăng đề kháng cây trồng, dùng dung dịch tỏi ớt ngâm IMO để làm thuốc trừ sâu cho cây trồng.
Đồng thời, sử dụng vỏ trấu lúa hun, vỏ hạt sachi bón gốc để bổ sung kali cho cây trồng, dung dịch chùm ngây ủ cùng men chuối… giúp nâng cao chất lượng sản phẩm tốt nhất phù hợp với xu thế người tiêu dùng. Tất cả các sản phẩm của HTX đều phải tuân theo quy trình sản xuất theo định hướng hữu cơ để tạo sản phẩm an toàn và thân thiện với môi trường.
Với quy trình chăm sóc bài bản, canh tác hữu cơ, bơ Booth cho trọng lượng 300-350g/trái, tỷ lệ thịt quả đạt 70-75%, vụ vừa rồi, HTX bán ra thị trường với giá 30.000 - 50.000 đồng/kg loại 1, bảo đảm hiệu quả cho sự đầu tư.
“Trong thời gian tới, HTX tập trung vào khâu liên kết sản xuất, sơ chế, chế biến để nâng cao giá trị, tạo ra những sản phẩm an toàn cho người tiêu dùng, đồng thời xây dựng thương hiệu, mở rộng thị trường lớn”, Giám đốc HTX Nguyễn Phi Hồng Ngọc cho biết.
Huyền Thương